Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Mặc dù vậy, gánh nặng tự tử bằng Paraquat vẫn đang hiện hữu.
Cụ thể, theo các bác sỹ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những năm gần đây số ca ngộ độc Paraquat có chiều hướng gia tăng. Gần như ngày nào Trung tâm cũng phải cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat, kể cả trong dịp Tết. Đa số các bệnh nhân bị ngộ độc do tự tử, tỷ lệ tử vong rất cao (70-90%), chỉ một phần rất ít do tai nạn lao động (phun thuốc) hay ảnh hưởng do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đa số các trường hợp bị ngộ độc trong độ tuổi lao động, nhiều trường hợp ngộ độc do ghen tuông, bị hiểu lầm, có trường hợp chồng ép vợ uống… Những người cứu sống được thì chi phí điều trị cũng rất cao (riêng chi phí lọc máu có thể lên tới 100 triệu đồng) sau khi được cứu sống.
Theo ThS. bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong năm 2016 Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 450 ca ngộ độc Paraquat, trong đó có tới 70% số ca tử vong (khoảng 300 trường hợp). Hiện, Trung tâm đang cấp cứu và điều trị cho 03 bệnh nhân. Trong đó, trường hợp lớn tuổi nhất là 71 tuổi uống một loại dung dịch có màu xanh nghi là thuốc bảo vệ thực vật Paraquat. Hiện các bệnh nhân đều đã tạm thời qua cơn nguy kịch nhưng chưa nói trước được điều gì vì đây là một loại chất độc cực mạnh, không có thuốc, phương pháp điều trị, rất tốn kém…
Cũng theo bác sỹ Trung Nguyên, trong quá trình phun hóa chất, ảnh hưởng của chất độc này không đáng kể, nhưng tiếp xúc diện rộng qua da, nhất là uống trực tiếp hậu quả lại rất lớn. Sau khi uống, bệnh nhân có thể nôn, đau rát họng, loét miệng họng, khó thở, suy thận, suy gan… dẫn đến tử vong. Dù đến sớm hay đến muộn, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân vẫn rất cao nên người dân tuyệt đối không uống loại hóa chất này. Theo khuyến cáo của bác sỹ Nguyên, đa phần bệnh nhân thể nặng tử vong sau 3-5 ngày uống, nhưng cũng có trường hợp sau 03 tháng mới tử vong, vì thế trường hợp bệnh nhân đã tỉnh táo, tưởng điều trị khỏi nhưng mạng sống vẫn có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Chừng nào bệnh nhân chưa khó thở có thể cứu sống, nhưng phải điều trị đúng thuốc, đúng phác đồ…
Trước những hiểm họa nêu trên, bác sỹ Nguyên nhận định, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam là một tin vui đối với chúng ta. Nó giúp cứu sống 1000 trường hợp có tử vong do ngộ độc loại hóa chất nguy hiểm này mỗi năm. Hiện, đã có tổng số 40 quốc gia cấm sử dụng loại hóa chất này, trong đó có nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc. Trước thực trạng ngộ độc Paraquat, chúng ta cũng đã từng lo lắng về tình trạng ngộ độc thuốc ngủ do lỏng lẻo trong khâu quản lý loại thuốc này. Tuy nhiên, sau khi việc quản lý đi vào nền nếp, số ca cấp cứu và tử vong do thuốc ngủ giảm hẳn. Thực tế đó gióng lên hồi chuông báo động: Đã đến lúc chúng ta phải quản lý chặt chẽ hơn nữa các loại thuốc bảo vệ thực vật (trong đó có Paraquat), trước khi đã quá muộn.