Giật mình xu hướng “trẻ hóa giám khảo”

(PLO) - Giám khảo không đơn thuần là một danh xưng mà còn là một vị trí quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của một cuộc thi tài năng. Vì thế, chiếc áo đó phải được “khoác lên” những người xứng đáng. Với nghệ sĩ, giám khảo là một cách để khẳng định thương hiệu bản thân chứ không phải là “công cụ” để PR chính mình.
Ghế nóng được giao cho 3 gương mặt trẻ tuổi trong The Debut - Dự án số 1

Hot girl cũng ngồi ghế nóng

Không còn lạ lẫm, mỗi khi các cuộc thi tìm kiếm tài năng trong nước công bố danh sách giám khảo ngồi ghế nóng, khán giả đều phải đặt câu hỏi, nghi ngờ về năng lực chuyên môn và độ phù hợp với cuộc thi. “Phát ngôn ngô nghê”, “kịch tính lộ dàn dựng”, “nhận xét lúng túng, vô thưởng vô phạt”, “không biết mình đang nói gì”, “nghèo thành tích, lắm scandal”,… là rất nhiều bình luận, bức xúc của khán giả dành cho 3 giám khảo trẻ tuổi trong “Dự án số 1”: ca sĩ Đức Phúc, Hương Tràm, Hoàng Thùy Linh.

Mới đây, tên tuổi gây tranh cãi khác khi giành được vị trí ghế nóng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 chính là Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, đăng quang năm 2016, bởi tuổi đời lẫn tuổi nghề đều bị cho là … “non trẻ”. So với các đàn chị của cô như Hoa hậu Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo đều được chọn làm giám khảo sau ít nhất khoảng 4 năm đăng quang.

Sau Vũ Cát Tường, hai gương mặt tiếp theo trở thành huấn luyện viên (HLV) “Giọng hát Việt nhí 2018” là Soobin Hoàng Sơn và Bảo Anh cũng bị đánh giá là “thiếu chuyên môn”, khi được cùng ngồi ghế nóng với cặp đôi Lưu Hương Giang- Hồ Hoài Anh. Ca sĩ Hari Won, dù không có hoạt động âm nhạc nổi bật, cũng nhiều lần được đưa vào vị trí “cầm cân nảy mực” của các cuộc thi như “Biến hóa hoàn hảo” cùng MC Trấn Thành và diễn viên hài Chí Tài, “Bạn là ngôi sao” cùng với ca sĩ Hồ Quỳnh Hương và nhạc sĩ Dương Khắc Linh.

Những nghệ sĩ không có chuyên môn về nhảy múa như Ốc Thanh Vân, Đoan Trang, Yến Trang làm HLV “Bước nhảy hoàn vũ nhí”. Và “kỳ quặc nhất” có lẽ chính là vị trí ghế nóng của ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi trong chương trình “Cùng nhau tỏa sáng 2014”, ở tuổi 12, để “chấm điểm” cho bậc đàn anh, đàn chị dày dạn kinh nghiệm và kỹ thuật.

Còn có nhiều tình huống dở khóc, dở cười như mới năm trước còn là thí sinh, năm sau đã được đứng ngang hàng với HLV. Ví dụ, câu chuyện thí sinh “Gương mặt thương hiệu” mùa 1, Lilly Nguyễn sau khi bị loại khỏi cuộc thi, đã được đứng ngang hàng với Hoa hậu, HLV Phạm Hương và siêu mẫu Hà Anh trong “Cuộc chiến sắc đẹp”. Rồi đến cả hot girl cũng được chọn làm ban giám khảo.

Hot girl, diễn viên Sam ngồi ghế nóng không có chuyên môn âm nhạc mà lại được thẩm định thí sinh trong “Người hát tình ca” mùa 3; hot girl Chipu cũng được mời làm giám khảo cho nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng hát trong khi giọng ca của cô bị khán giả chê là “hát không ra hơi”.

Những năm gần đây, ít các cuộc thi tập trung vào yếu tố chuyên môn, mà chỉ chú trọng vào yếu tố giải trí. Thay vì tìm kiếm tài năng thực, nhà sản xuất chăm chăm xây dựng mô-típ gây tranh cãi, chấp nhận “gạch đá” để cuộc thi được biết tới. Tuy nhiên, việc lựa chọn giám khảo kiểu “tréo ngoe” như vậy chính là một phần làm giảm giá trị các cuộc thi. 

Thành bại bởi chất lượng giám khảo 

Các nhà sản xuất nước ngoài khẳng định rằng, việc thành công của một gameshow truyền hình thực tế nằm ở chất lượng giám khảo. Giám khảo có tên tuổi, nổi bật về chuyên môn, tính cách cũng như tầm ảnh hưởng chính là yếu tố hàng đầu thu hút những nhân tố tài năng nổi bật tham gia cuộc thi, “giữ chân” khán giả và tăng rating của chương trình.

Các cuộc thi tìm kiếm tài năng cực kỳ ăn khách như The Face, Next Top Model Mỹ, Britain’s Got Talent, The Voice Mỹ… gắn liền với những “biểu tượng” của ngành giải trí như Naomi Campbell, Anne Vyalitsyna, Tyra Bank, Amanda Holden, Alesha Dixon, Adam Levine, Christina Aguilera, Alicia Keys, Blake Shelton…

Nổi tiếng chắc chắn không phải yếu tố hàng đầu được đánh giá cao ở giám khảo ở những cuộc thi tài năng quốc tế. Ví dụ, diễn viên hài Ellen DeGeneres, hai lần host Lễ trao giải Oscar và sở hữu talkshow đình đám- The Ellen Show, vẫn bị chỉ trích gay gắt khi trở thành giám khảo chấm điểm trong cuộc thi “Thần tượng âm nhạc Mỹ” bởi không có chuyên môn về âm nhạc; diễn viên hài đã nhanh chóng rời khỏi ghế nóng.

Mặc khác, “cuộc thi tìm kiếm tài năng Mỹ” cũng bị mất điểm với khán giả cũng như thí sinh tham dự bởi đánh giá “thiếu công tâm”, “theo cảm tính” của giám khảo. Trong đó, bị “ném đá” nhiều nhất là Mel B- thành viên nhóm nhạc đình đám Spice Girl và siêu mẫu quốc tế Heidi Klum.

Ở Việt Nam, các chương trình thực tế có sự chỉn chu về nội dung, format chương trình, ít chiêu trò và đặc biệt là giám khảo “chất” đều được khán giả ghi nhận. Ca sĩ Thu Phương từng nói: “Năng lực của một giám khảo không hoàn toàn phụ thuộc vào tuổi tác”. Phải ghi nhận rằng, việc lựa chọn giám khảo trẻ cho một số cuộc thi là thực sự phù hợp. Họ thành công mang đến nguồn năng lượng trẻ trung, gần gũi, tươi mới cho chương trình.

Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, yếu điểm lớn nhất của giám khảo trẻ chính là sự thiếu kinh nghiệm, đôi khi có ứng xử “bốc đồng” thái quá, thiếu lựa chọn ngôn từ khi nhận xét, đánh giá về thí sinh.

Hiện nay, những chương trình gameshow giải trí, các cuộc thi tìm kiếm tài năng ngày càng nhiều, việc tìm kiếm những giám khảo phù hợp, có uy tín và năng lực để đảm nhận vị trí “cầm cân nảy mực” ngày càng nan giải. Hơn hết, đáng lo ngại là, chính những người trong cuộc- thế hệ nghệ sĩ trẻ cũng tỏ ra hài lòng với xu thế này. Trước sự phản ánh của dư luận, nhiều nghệ sĩ trẻ đáp trả: “sự xuất hiện của giám khảo trẻ đáp ứng được xu hướng thị trường, giải trí”, “ít tuổi chưa hẳn đã ít chuyên môn, kinh nghiệm”. 

Đọc thêm