Giấy đặt cọc 'bỗng dưng' thành… hợp đồng bán đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phản ánh đến Báo PLVN, ông Nguyễn Huy Phong (ngụ khu Tân Thư, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho rằng, việc HĐXX TAND huyện Tân Sơn cho rằng “Giấy biên nhận tiền đặt cọc” không phải là hợp đồng đặt cọc mà là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; và bác yêu cầu khởi kiện của ông là không thỏa đáng.

Theo ông Phong, năm 2017, vợ chồng ông Đinh Kim Thành, bà Vũ Thị Minh Tâm (ngụ cùng khu Tân Lập) đồng ý mua của ông thửa đất 560m2 thuộc thửa số 91, tờ bản đồ số 13 tại xóm Tân Thư, xã Minh Đài theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CH 01964 cấp ngày 9/11/2012 (GCN) với số tiền 70 triệu đồng

Sau khi thỏa thuận, ông Thành, bà Tâm đã đặt cọc tiền mua đất hai lần tổng số 50 triệu. Số tiền còn lại, ông Thành, bà Tâm phải có nghĩa vụ thanh toán nốt vào 10/11/2007. Về phía ông Phong tạm giao GNC cho ông Thành, bà Tâm. Giữa hai bên làm “Giấy biên nhận tiền đặt cọc”. 

“Đến hẹn, ông Thành, bà Tâm không thanh toán nốt số tiền còn lại, sau đó nói không mua đất nữa, GCN cũng không trả lại và yêu cầu tôi phải đem 500 triệu đến để chuộc lại GCN?”, ông Phong nói.

Cho rằng ông Thành, bà Tâm đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm “chiếm đoạt tài sản”, ông Phong làm đơn tố giác đến Công an huyện Tân Sơn.

Ngày 19/7/2019, Công an huyện có Văn bản 190/CSĐT gửi ông Phong hướng dẫn khởi kiện ra TAND huyện.

Ông Phong khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc, đòi ông Thành, bà Tâm phải trả lại GCN, bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng đặt cọc.

Ngày 30/9/2020, TAND huyện đưa vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ra xử, quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phong về việc hủy các giao dịch liên quan các hợp đồng đặt cọc; tuyên bố các giao dịch ngày 4/10/2017 và 15/10/2017 vô hiệu.

Tòa bác phần yêu cầu đòi phạt vi phạm và bồi thường của ông Phong. Buộc ông Phong trả lại cho vợ chồng ông Thành, bà Tâm 50 triệu đồng. Buộc ông Thành, bà Tâm trả lại ông Phong GCN. 

HĐXX xác định, giao dịch giữa hai bên không phải là hợp đồng đặt cọc mà là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, giao dịch giữa hai bên chỉ được lập thành văn bản mà không được công chứng, chứng thực. Giao dịch giữa hai bên đã vi phạm vào điều cấm của pháp luật nên không có hiệu lực ràng buộc với nhau...

Ông Phong cho rằng, việc HĐXX xác định đây là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là chưa thỏa đáng, trên thực tế “Giấy biên nhận tiền đặt cọc” giữa hai bên là hợp đồng đặt cọc trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất; ông Thành, bà Tâm đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận đặt cọc. 

“Việc HĐXX cho rằng, tại các giao dịch ngày 4/10/2017 và ngày 15/10/2017 giữa hai bên, ngoài tiêu đề ghi “Giấy biên nhận tiền đặt cọc thì trong nội dung các bên không thỏa thuận, xác định mục đích của việc đặt cọc… không làm nổi bật được nội dung cần thỏa thuận, dễ gây nhầm lẫn và quyết định bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa xem xét hết toàn bộ các lời khai, chứng cứ khách quan của vụ án”, ông Phong nêu quan điểm. Ông Phong đã kháng cáo. 

Đọc thêm