Giữ mãi hồn xưa Hoàng thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã hơn hai chục năm kể từ ngày bắt đầu cuộc khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội). Một minh chứng đã và đang ngày càng rõ nét rằng kinh thành Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội nay không thua kém quốc gia nào trong khu vực về bề dày lịch sử - văn hóa và vị thế lịch sử xuyên suốt 13 thế kỷ.
Hoàng thành Thăng Long luôn được gìn giữ như báu vật kết nối dòng chảy ngàn năm từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Hoàng thành Thăng Long luôn được gìn giữ như báu vật kết nối dòng chảy ngàn năm từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Với những giá trị có được, sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010, Hoàng thành Thăng Long luôn được gìn giữ như báu vật kết nối dòng chảy ngàn năm từ quá khứ đến hiện tại và tương lai...

Những cột mốc “son”

Tháng 12/2002, cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam được các chuyên gia tiến hành trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội đã làm phát lộ nhiều dấu vết kiến trúc độc đáo của Hoàng thành Thăng Long cùng hàng triệu hiện vật quý giá. Qua đó, phần nào tái hiện tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các tầng văn hóa xếp chồng lên nhau, từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến IX), xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn (1010 - 1945).

Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan quản lý có thẩm quyền đã cho phép Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện khai quật ở trục trung tâm, tập trung chính vào khu vực chính điện Kính Thiên - nơi thiết triều của các triều đại trước đây. Các nhà khoa học đã phát hiện được tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội ở độ sâu 1 - 6m với nhiều lớp văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau. Xuất lộ nhiều di tích kiến trúc nền móng của hoàng cung Thăng Long xưa như móng cột, sân nền, đường đi, dấu tích giếng nước, đường nước… có niên đại hơn 1.000 năm.

Đợt khai quật năm 2008 - 2009 dưới lòng đất Nhà Quốc hội đã giúp các chuyên gia phát hiện khoảng 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ của nhiều thời kỳ, minh chứng tòa Nhà Quốc hội nằm ở vị trí phía Tây Nam của Cấm thành Thăng Long xưa. Đây chính là tiền đề để hình thành nên khu trưng bày khảo cổ học chân thực, sống động và hiện đại nằm ngay ở công trình quan trọng bậc nhất trong đời sống chính trị của đất nước - Nhà Quốc hội, chính thức khai trương từ giữa năm 2016.

Năm 2021, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác khai quật khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long vẫn được các chuyên gia tiến hành vào thời điểm cho phép, tập trung về phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên để tìm kiếm những nền móng công trình nằm ở khu vực hậu điện xưa. Từ đây, nhiều dấu tích quan trọng đã được tìm thấy: dấu tích móng cột sỏi thời Lý; dấu tích kiến trúc tròn thời Trần được phỏng đoán là tiểu cảnh hoặc dấu tích tâm linh thực hiện nghi lễ cúng tế; dấu tích bó nền, móng nền, móng cột, nền sân thời Lê sơ, giếng đá đẹp có độ sâu kỷ lục thời Lê Trung Hưng…

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (2011 - 2021), Viện Nghiên cứu Kinh thành đã công bố bản phỏng dựng 3D Hoàng cung Thăng Long thời Lý với 64 kiến trúc, 38 cung điện, hành lang, 26 lầu lục giác cùng tường bao, đường đi và cổng ra vào. Đây là thành quả nghiên cứu suốt 10 năm qua của các nhà khoa học dựa trên những kết quả khai quật khảo cổ học, nghiên cứu, so sánh lịch sử. Lần đầu tiên, công chúng được tiếp cận những hình ảnh sống động cho thấy tầm vóc, quy mô, sự rực rỡ về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng cung điện xưa để từ đó càng thêm tự hào, trân trọng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội trong chuyến thăm, dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh : Viết Thành. Báo HNM)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội trong chuyến thăm, dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long.

(Ảnh : Viết Thành. Báo HNM)

Có thể nói, những năm qua, công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học vẫn luôn được đẩy mạnh tại Hoàng thành Thăng Long để làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Hoàng thành Thăng Long sẽ tiếp tục được UNESCO vinh danh lần thứ 2

Đó là mong muốn của PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia bởi như nhận định của ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam thì Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hoàng thành Thăng Long là công trình di sản đồ sộ cả về chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa, vì thế còn rất nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long khi vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất.

Tham luận tại Hội thảo “20 năm nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long” vào tháng 9/2022, ông Lazare Eloudou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đánh giá cao việc chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn phát huy các giá trị của Hoàng thành Thăng Long - một di tích lịch sử, văn hóa có tầm quan trọng đối với lịch sử lâu đời của Việt Nam. Ông Lazare Eloudou Assomo đồng thời cho rằng cần có cách tiếp cận mới về công tác bảo tồn để có thể phát huy hơn nữa những giá trị độc đáo riêng có của di sản văn hóa đặc biệt này.

Từ góc nhìn này, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu quan điểm cần xây dựng tại Hoàng thành Thăng Long một trung tâm thông tin về di sản với hình thức là một bảo tàng hoàng cung. Mục tiêu của bảo tàng này không chỉ là giới thiệu cổ vật, di vật, mà phải tái hiện được diện mạo kiến trúc của cung đình Thăng Long qua các giai đoạn phát triển bằng cách tận dụng thế mạnh công nghệ như: GIS, thực tế ảo, 3D mapping...

Cùng quan điểm về một góc nhìn thay đổi cách tiếp cận để bảo tồn, kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc - Viện Bảo tồn Di tích đề xuất xây dựng nơi đây trở thành công viên lịch sử - văn hóa. Đề xuất này sẽ hiện thực hóa được các mục đích như: bảo tồn trọn vẹn các vết tích và các di tích trên mặt đất, các dấu tích khảo cổ học, các địa danh lịch sử trong khu di sản; duy trì mối liên kết của hệ sinh thái đặc thù, sự kết nối với những yếu tố đặc trưng đã góp phần tạo nên không gian đô thị Thăng Long - Hà Nội; phát huy và lan tỏa rộng rãi các giá trị đặc biệt của khu di sản tới cộng đồng theo cách thức dễ tiếp cận...

Ngày 24/3/2023, trong buổi tiếp Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazarre Eloundou, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất về bảo tồn Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã tập trung thực hiện bảo tồn, khai thác tối đa tài nguyên văn hóa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc trưng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã đề ra.

Trong năm 2023, Hà Nội sẽ có đủ cơ sở, bước những bước đầu tiên trong lộ trình khôi phục không gian chính điện Kính Thiên, qua đó, giúp nhân dân và du khách quốc tế có thêm cơ hội tìm hiểu lịch sử văn hóa của Việt Nam thông qua hình dung về kiến trúc chính điện uy nghi, lộng lẫy tiêu biểu cho Hoàng thành Thăng Long, biểu trưng cho sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Trong quá trình triển khai, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực và cam kết thực thi nghiêm túc Công ước Di sản thế giới, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản, phát huy giá trị di sản với mục tiêu phát triển bền vững…

Giám đốc Trung tâm di sản thế giới Lazarre Eloundou khẳng định, Việt Nam đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc giữ gìn di sản thế giới và mong rằng Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò này. Về những định hướng của chính quyền Hà Nội trong việc bảo tồn và khôi phục không gian chính điện Kính Thiên, ông Lazarre Eloundou cho biết, hai bên sẽ cùng trao đổi và phối hợp trong dự án này, đồng thời mong muốn, Hoàng thành Thăng Long sẽ được nhiều bạn bè quốc tế tìm hiểu và biết đến.