Sở Tài chính giám định việc của... Sở Xây dựng
Suốt từ đầu năm 2017, khi Bác sĩ (BS) Liêm bị cho thôi chức Giám đốc, phải “ngồi chơi xơi nước”, cũng là quãng thời gian cơ quan điều tra (CQĐT) ráo riết điều tra gói thầu lắp hệ thống camera tại Sở Y tế.
Để khởi tố bị can, phải có kết luận giám định (KLGĐ) chứng minh gói thầu gây thiệt hại. Sau khi CQĐT trưng cầu, lần thứ nhất, Sở Tài chính (STC) ra KLGĐ 803/KLGĐ-STC ngày 21/3/2017, nêu rõ “nếu không được thực hiện thanh tra thì sẽ gây ra thiệt hại cho ngân sách”. Như vậy, chưa có thiệt hại xảy ra, chưa thể xét đến tội “cố ý làm trái…”.
Rồi tiếp đó xảy ra sự việc Công an (CA) tỉnh bị phê bình vì đề nghị cấm xuất cảnh BS Liêm. CA tỉnh tiếp tục trưng cầu. STC ra KLGĐ bổ sung 2062/KLGĐ-STC ngày 14/8/2017. Lúc này tỉnh vẫn chưa có Quyết định quyết toán vốn đầu tư với dự án. Nhưng không hiểu dựa trên cơ sở nào, STC lại cho rằng gói thầu “chênh lệch giữa giá trị quyết toán cao hơn so với thực tế… đã làm thất thoát ngân sách”.
Từ “căn cứ” này, 10 ngày sau khi BS Liêm nghỉ hưu, ngày 11/12/2017, khi Nghị quyết 41/2017/QH14 quy định chỉ còn 20 ngày nữa tội “Cố ý làm trái...” bị bãi bỏ, CA tỉnh khởi tố BS Liêm.
Vi phạm thứ nhất xảy ra từ đây. Theo Thông tư 138/2013/TT-BTC, thì STC chỉ có quyền giám định tư pháp (GĐTP) trong lĩnh vực tài chính: Kế toán, kiểm toán, giá, chứng khoán, thuế, hải quan.
Theo Thông tư 04/2014/TT-BXD, Sở Xây dựng mới có quyền “GĐTP chi phí đầu tư xây dựng, giá trị, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng...”. Như vậy, thẩm quyền giám định gói thầu này phải thuộc Sở Xây dựng. Các bản KLGĐ của STC không có giá trị pháp lý, nhưng CA tỉnh vẫn “căn cứ” vào đó để khởi tố. Từ đây, cuộc điều tra dài đằng đẵng với BS Liêm bắt đầu.
Dấu hiệu vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm
Nhiều năm nay, BS Liêm và các luật sư (LS) đã nhiều lần có đơn phản ánh những vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm trong vụ án.
Thứ nhất, vi phạm về “căn cứ” để khởi tố bị can, như đã nêu trên.
Thứ hai, vi phạm về thời hạn thụ lý, giải quyết tố giác. Ngày 22/12/2016, UBND tỉnh có Công văn 244/UBND-NC chuyển hồ sơ đến CA tỉnh. Ngày 6/1/2017, CQĐT CA tỉnh thụ lý tin báo.
Theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), thời hạn giải quyết tin báo tố giác tối đa 2 tháng. VKS có thể gia hạn 1 lần nhưng không quá 2 tháng.
Sau 4 tháng, CQĐT phải ra 1 trong các quyết định: Khởi tố; không khởi tố vụ án; đình chỉ giải quyết tin báo. Thế nhưng ở đây, mãi gần 1 năm từ ngày thụ lý tin báo, CA tỉnh mới đồng thời khởi tố vụ án và bị can, “sát nút” ngày tội danh “Cố ý làm trái...” bị bãi bỏ.
KLGĐ đầu tiên cho thấy gói thầu không có thiệt hại, không thất thoát ngân sách. Nhưng CQĐT vẫn không đình chỉ giải quyết tin báo tố giác theo Điều 147 BLTTHS, lại trưng cầu giám định bổ sung.
Thứ ba, vi phạm thẩm quyền điều tra. Bốn tháng sau khi khởi tố, CA tỉnh “tự phát hiện” sai thẩm quyền nên tháng 3/2018 chuyển hồ sơ về CQĐT CA TP Tân An. Trước đó, tỉnh có ý kiến báo cáo sự việc này lên Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, nghĩa là rất nghiêm trọng, nhưng lại chuyển sự việc cho CA cấp huyện.
Suốt 18 tháng nhiều lần lấy lời khai, trưng cầu giám định và bị từ chối giám định, tạm đình chỉ, phục hồi… bất ngờ CA TP Tân An cũng lại “tự phát hiện” thụ lý sai thẩm quyền, lý do “ông Liêm là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh” nên tháng 9/2019 chuyển hồ sơ lại CA tỉnh.
Luật quy định thẩm quyền điều tra rất rõ ràng, vì sao cả CQĐT và VKS cứ đẩy lên đẩy xuống kéo dài vụ án?
Thứ tư, vi phạm về trả hồ sơ. CA TP Tân An có 3 lần ra kết luận điều tra (KLĐT) với vụ án vào các ngày 3/8/2018, 12/11/2018, và 25/2/2019. Theo Điều 174 BLTTHS, VKS chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung hai lần. Nhưng cả ba KLĐT đều bị VKSND TP Tân An trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Thứ năm, vi phạm vấn đề giám định, giám định lại. Đã giám định sai thẩm quyền, có những KLGĐ, người không phải là giám định viên vẫn ký ban hành. Và “càng giám định càng có vấn đề”, thậm chí STC còn lạm quyền đóng dấu “Mật” vào KLGĐ, khi ra tòa văn bản mới tự động giải mật.
Trước các KLGĐ của STC, BS Liêm đều khiếu nại, yêu cầu giám định lại đúng thẩm quyền, nhưng không được chấp nhận; CQĐT cũng không trả lời có giám định lại không, lý do. Trong khi đó theo Điều 211 BLTTHS, bị can, bị cáo có quyền đề nghị giám định lại; trường hợp CQĐT không chấp nhận, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Thứ sáu, vi phạm về giải quyết tố cáo. BS Liêm nhiều lần có đơn tố cáo sai phạm của một số người ra các KLGĐ. Khi chưa giải quyết yêu cầu giám định lại, chưa giải quyết tố cáo, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, giải quyết, rồi mới truy tố, xét xử. Cấp sơ thẩm đã không thực hiện quy định này.
Thứ bảy, vi phạm quy định tống đạt. BS Liêm không được tống đạt một số quyết định trả hồ sơ của VKS; quyết định đưa vụ án ra xét xử... Sau này, trước phiên sơ thẩm, cơ quan tố tụng Long An lại “thần tốc” ra KLGĐ, KLĐT, cáo trạng, quyết định xét xử chỉ trong vài ngày, làm mất đi quyền khiếu nại của BS Liêm.
4 năm điều tra, 4 ngày “thần tốc”
Tháng 1/2020, VKSND tỉnh lần đầu ra cáo trạng, cáo buộc BS đã có các “sai phạm”: 1. Biết các thiết bị trong gói thầu thay đổi xuất xứ hàng hóa nhưng không làm lại giá, không phê duyệt lại dự toán; 2. Gây thất thoát ngân sách hơn 911 triệu đồng.
Những cáo buộc này đã bị BS Liêm và các LS phản bác suốt hai năm nay.
Thứ nhất, về cáo buộc không thẩm định lại giá thiết bị. Theo Điều 49 Luật Đấu thầu 2005 (có hiệu lực tại thời điểm hai bên ký hợp đồng), Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu, Điều 15 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; thì gói thầu này là hợp đồng trọn gói nên “giá hợp đồng không thay đổi suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ”. Nói cách khác, nếu thẩm định lại giá thì BS Liêm mới vi phạm.
Thứ hai, gói thầu này không gây thất thoát. Việc hai bên nghiệm thu bàn giao khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng đã áp dụng đúng Thông tư 86/2011/TT-BTC. Đây là trường hợp thanh toán khối lượng hoàn thành. Sau này, khi quyết toán của gói thầu được UBND tỉnh duyệt, nếu tiền được duyệt thấp hơn số tiền đã trả nhà thầu, Sở Y tế có trách nhiệm thu hồi lại trả Nhà nước. Thực tế nhà thầu đã chuyển khoản lại số tiền này và Sở Y tế đã chuyển vào ngân sách.
“Để bị khép tội theo Điều 165 BLHS 1999, cần phải có hành vi cố ý làm trái, tức biết rõ việc mình làm là sai nhưng vẫn làm; từ đó gây ra thiệt hại. Ở đây BS Liêm không làm trái và sự việc không có thiệt hại”, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP HCM) phân tích.
Sau nhiều năm ròng rã điều tra, ngày 28/5/2020, phiên xử đầu tiên được mở. Hi hữu ở chỗ tòa “quên” triệu tập bị cáo và các LS. BS Liêm kể: “Không biết vì sao tòa “quên”. Tôi không nhận được giấy triệu tập. Tòa cũng không mời các LS đã đăng ký bào chữa”.
Lần thứ hai, ngày 13/8/2020, phiên sơ thẩm mở lại, trả hồ sơ điều tra bổ sung do CQĐT và VKS “quên” lấy lời khai nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh.
Ngày 28/9/2020, CA Long An ra văn bản thông báo cho BS Liêm về nội dung KLGĐ bổ sung. Một ngày sau, CA tỉnh có KLĐT bổ sung vụ án. Tiếp tục một ngày sau (30/9), VKS tỉnh có cáo trạng. Hai ngày sau, vụ án đã được lên lịch xét xử. Nghi án đã điều tra 4 năm, nhiều lần trả hồ sơ, nay “thần tốc” ra cáo trạng, truy tố, lên lịch xử trong 4 ngày.
Lần thứ ba, phiên xử ngày 13/10/2020 hoãn.
Lần thứ tư, ngày 29/10/2020, phiên sơ thẩm mới thực sự tiến hành. Dù BS Liêm và các LS đã chỉ rõ những bất thường, vi phạm tố tụng như trên, nhưng sau khi nghị án kéo dài, ngày 3/11/2020, TAND Long An vẫn tuyên BS Liêm 3 năm tù.
Trước khi có bản án “gọt chân cho vừa giày” này, lãnh đạo tỉnh từng nói với BS Liêm sự việc “có cấp trên chỉ đạo”. Các văn bản ban ngành Trung ương trả lời BS Liêm cho thấy thực tế không phải như vậy.
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.