'Đùa giỡn' với sức khỏe, tính mạng con người

(PLVN) - Trong đơn tố cáo mới nhất gửi các cơ quan chức năng và báo chí, người dân xã La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đề nghị làm rõ việc Công ty AB Mauri gian dối trong việc lập khống giấy tờ, từ đó được chấp thuận nâng công suất dẫn đến sự cố ô nhiễm môi trường.
Quan trắc các chỉ số môi trường sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông
Quan trắc các chỉ số môi trường sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông

Cuối năm 2017 họ được phía AB Mauri mời đến để tham quan dây chuyển sản xuất men vi sinh. Trước khi vào cổng, phía Công ty đề nghị những người có mặt ký tên vào danh sách đã được ghi sẵn ở cổng bảo vệ với lí do kiểm soát an ninh khi vào trong. Họ không đề cập đến việc lấy ý kiến đồng thuận của người dân khi tham vấn cộng đồng, xin nâng công suất từ 5.000 tấn lên 6.000 tấn/năm.

Bất ngờ là, sau buổi tham quan này, AB Mauri đã được cơ quan chức năng chấp thuận nâng công suất nhà máy. Đến tháng 4/2019, người dân mới “té ngửa” khi phát hiện công ty đưa chữ ký trước đây tại cổng bảo vệ vào nội dung “người dân đồng thuận để công ty nâng công suất”. Theo người dân, chính việc nâng công suất này đã gây nên sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đó là sự “lừa đảo” trắng trợn.

Bằng chứng là, Tổng cục Môi trường (TCMT) vừa hoàn tất kết luận kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty AB Mauri Việt Nam. Tại Kết luận số 220 ngày 30/8, TCMT cho biết, Công ty này còn nhiều vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.

AB Mauri được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án “Sản xuất men các loại công suất 6.000 tấn/năm” tại Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 14/1/2019, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 3532/GP-UBND ngày 9/10/2017. 

Tuy nhiên, các công trình bảo vệ môi trường đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và chưa được xác nhận hoàn thành. Ngoài vấn đề hệ thống xả thải không đáp ứng yêu cầu, 34 cán bộ quản lý, vận hành các công trình bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải (kể cả trưởng nhóm) không có chuyên môn, bằng cấp về môi trường. Những người này vận hành và quản lý hệ thống chủ yếu chỉ dựa theo kinh nghiệm, có thể dẫn những đến sai sót khi vận hành hệ thống xử lý. 

Vì sao các công ty, không riêng  AB Mauri Việt Nam hay “ăn cắp” quy trình xả thải công nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực vừa yếu, vừa không có chuyên môn? Câu trả lời vì đó là lợi nhuận của họ.

Xin nhắc lại vụ cháy ở Công ty Rạng Đông (Hà Nội), báo cáo mới nhất của Bộ TN&MT cho biết có khoảng 15,1 - 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường và ảnh hưởng trong phạm vi 500m nên cần có khuyến cáo cho người dân cũng như tẩy độc xung quanh nhà máy. Tất nhiên, tạm thời việc thủy ngân phát  tán ra do vụ cháy ở Công ty Rạng Đông được cho là do nguyên nhân bất khả kháng.

Hai vụ việc ở 2 nhà máy khá xa nhau về địa lý cho thấy sức khỏe, tính mạng con người bị xem nhẹ. Chúng ta hay nói về phát triển bền vững nhưng tiêu chí về môi trường và tính mạng, tài sản của con người quá đỗi đáng lo. 

Đọc thêm