Gốm sứ Bát Tràng - Thương hiệu quê đi lên trong thời hội nhập

(PLO) -Là làng nghề cổ nhưng ý thức được việc phải bảo vệ thương hiệu trong thời kỳ hội nhập nên cuối năm 2004 Bát Tràng là làng nghề đầu tiên trong số hơn 2000 làng nghề ở Việt Nam đăng ký thương hiệu.
 
Một góc những sản phẩm gốm sứ tại làng cổ Bát Tràng.
Một góc những sản phẩm gốm sứ tại làng cổ Bát Tràng.

Doanh thu ước tính trên 1100 tỷ đồng

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng với nhiều sản phẩm độc đáo từ gốm sứ, như: men ngọc, hoa nâu, men rạn, hoa lam… 

Theo UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nghề gốm Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã mà tạo công ăn việc làm cho 3000 – 5000 lao động thường xuyên từ nơi khác đến.

Thu nhập chính của xã là từ sản xuất kinh doanh gốm sứ; giá trị sản xuất gốm sứ và thương mại 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt trên 1100 tỷ đồng, nộp thuế ngoài quốc doanh năm 2016 đạt 2,9 tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng trên 50 triệu/người/năm.

Lượng sản phẩm gốm sứ sản xuất cung ứng nội địa chiếm khoảng 85% và xuất khẩu được 15% sản phẩm sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha… Nhìn chung, gốm Bát Tràng cũng là một trong những mặt hàng có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả và mẫu mã với gốm sứ đến từ các nước khác, đặc biệt là gốm sứ Trung Quốc.

Để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm gốm Bát Tràng ngày càng cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng khác nhau có mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. 

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, tại chợ gốm cổ Bát Tràng còn bày bán rất nhiều đồ gốm gia dụng và gốm trang trí như sản phẩm sơn mài trên gốm, tranh gốm, chuông gió, các hình con vật, đồ chơi bằng gốm…Các cơ sở sản xuất kinh doanh gốm cũng nhận sản xuất theo đơn đặt hàng của khách đến từ mọi nơi. Mặt hàng gốm tâm linh, phục cổ khách đặt cũng rất nhiều.

Theo chia sẻ đại diện cơ sở gốm “Nghệ nhân Bạch Long”, men gốm hiện nay có độ dày và trong, tạo độ sâu, bóng hơn men gốm của khoảng 20 năm trước. Để giữ gìn và phát triển thương hiệu Gốm sứ Bát Tràng, năm 2016 làng Bát Tràng đã phối hợp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Hội gốm sứ Bát Tràng cùng các doanh nghiệp trong ngành, chính quyền xã tuyển dụng, đào tạo con em trong xã học và nâng cao tay nghề. Làng Bát Tràng còn tổ chức các tour du lịch, tham quan học tập nghề gốm của các nước, vùng lãnh thổ láng giềng như Đài Loan, Singapore…

Sản phẩm mới tiêu biểu của làng nghề Bát Tràng.
Sản phẩm mới tiêu biểu của làng nghề Bát Tràng.

5 lộ trình cho phát triển thương hiệu

Nghệ nhân Hà Văn Lâm – Đại diện Hiệp hội làng nghề truyền thống Bát Tràng cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thương hiệu “Gốm sứ Bát Tràng” vẫn còn nhiều trăn trở: Do đặc thù truyền thống lâu đời, làng gốm Bát Tràng không có đất mở rộng sản xuất, nhà xưởng thường gắn với nhà ở nên hạn chế mở rộng sản xuất cũng như việc lưu hàng hóa, sản phẩm sau sản xuất.

Trên thị trường quốc tế và trong nước, sản phẩm gốm sứ Trung Quốc với cách làm công nghiệp (dán đề - can thay vì vẽ tay) đang tràn ngập với ưu thế về mẫu mã, giá rẻ. Một số hộ tham lợi trước mắt thậm chí bày bán hàng Trung Quốc ngay giữa làng dưới mác Bát Tràng.

Điều này gây mất niềm tin, ảnh hưởng đến thương hiệu gốm sứ Bát Tràng. Tuy nhiên, dựa vào một số đặc trưng riêng của gốm sứ Bát Tràng như độ dày của sản phẩm, chất lượng sương men… thì sản phẩm gốm sứ Bát Tràng vẫn có độ cạnh tranh dài hơi hơn.

Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm ra giới thiệu trên trường quốc tế còn nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chủ yếu mang tính cá nhân, tự phát và nhất là thiếu… vốn. Chi phí cho mỗi lần triển lãm ở nước ngoài khá lớn, thường 300 – 500 triệu/lần. Việc này vượt quá sức của phần đa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Bát Tràng, trong khi nguồn vốn vay ngân sách rất hạn chế.

Để tiếp tục phát triển thương hiệu trong thời gian tới, ông Lâm cho biết Bát Tràng đưa ra 5 lộ trình: Đào tạo lao động trẻ; nhận chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng sương đất, sương men; chuyển đổi từ lò hộp nung than sang lò ga giảm thời gian nung đốt để bảo vệ môi trường; nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm; làm tốt khâu bao bì (bắt mắt hơn) để làm sao quảng bá sản phẩm một cách tốt nhất.

Đặc biệt, chuẩn bị cho dịp Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” dự kiến diễn ra từ ngày 28/4 – 2/5/2017, làng gốm Bát Tràng sẽ có 30 nghệ nhân tham dự với 100 – 150 tác phẩm, sản phẩm. 

Xã Bát Tràng hiện có 01 nghệ nhân nhân dân, 4 nghệ nhân ưu tú, 20 nghệ nhân Hà Nội, 5 nghệ nhân dân gian, 15 nghệ nhân làng nghề Việt Nam và đội ngũ lao động, thợ giỏi là trên 4.000 người. Hàng năm, Bát Tràng đón hàng nghìn đoàn khách đến tham quan, mua sắm gốm sứ, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Năm 2016, có 2000 đoàn với khoảng 20.000 – 22.000 lượt khách. 

Đọc thêm