GRDP năm 2022 tỉnh Lâm Đồng đứng thứ 9 toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 theo giá so sánh 2010 tăng 12,09% so với cùng kỳ. Với tốc độ tăng này, Lâm Đồng xếp thứ 9 so với cả nước và xếp thứ nhất vùng Tây Nguyên.

Ngày 29/12, Cục thống kê tỉnh Lâm Đồng công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội năm 2022.

Theo Cục thống kê tỉnh Lâm Đồng, năm 2022 tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Lâm Đồng có nhiều khởi sắc, có sự tăng trưởng mạnh mẽ và phục hồi trở lại với trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19.

Ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 theo giá so sánh 2010 tăng 12,09% so với cùng kỳ. Với tốc độ tăng này, Lâm Đồng xếp thứ 9 so với cả nước và xếp thứ nhất vùng Tây Nguyên.

Trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt hơn 19.895,8 tỷ đồng, tăng 5,02% đóng góp 1,89 điểm phần trăm trong mức chung của GRDP; khu vực Công nghiệp và xây dựng đạt 10.409,9 tỷ đồng, tăng 9,55% đóng góp 1,8 điểm điểm phần trăm trong mức chung của GRDP. Ngoài ra, khu vực dịch vụ, du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, ước đạt 23.285,5 tỷ đồng, tăng 21,21% so với cùng kỳ, đóng góp 8,09 điểm phần trăm trong mức chung của GRDP.

Ông Nguyễn Công Thạnh thông tin trước báo giới.

Ông Nguyễn Công Thạnh thông tin trước báo giới.

Theo Quyền Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Công Thạnh, GDRP năm 2022 của tỉnh tăng cao nhất trong 10 năm qua. Từ năm 2011 đến 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ xoay quanh 6-8% nhưng năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn đã tăng lên 2 con số.

Về tổng sản phẩm theo giá hiện hành của tỉnh đạt 103.499,8 tỷ đồng, tăng 17,54% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành của khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 38,62%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,38% và khu vực du lịch chiếm 41%. Theo ông Thạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực khi tăng trưởng ở khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

Thời gian tới, Lâm Đồng đề ra mục tiêu cụ thể tập trung vào phát triển tỉnh bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường với đặc thù vốn có về cảnh quan, khí hậu… Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh phát huy kết quả đạt được và tập trung khắc phục khó khăn, thách thức để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu.

Đọc thêm