“Hà bá” rình rập hàng trăm học sinh phải kéo bè bơi sông đi học mỗi ngày

(PLO) - Nhiều năm qua, hàng trăm học sinh ở thôn Nước Rin (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) phải vượt sông Rin trên chiếc bè mong manh để đến trường tìm con chữ. Thậm chí, nhiều em phải cởi quần áo cùng sách vở cầm trên tay để bơi qua sông… 
Học sinh tự kéo bè qua sông Rin
Học sinh tự kéo bè qua sông Rin

Kéo bè, bơi sông đến trường

Thôn Nước Rin có gần 130 hộ dân, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài bởi sự ngăn cách của dòng sông Rin. Nằm giữa vùng hợp sức nước của sông Rin và sông Tang nên lưu lượng nước chảy qua đoạn sông này rất dữ, dòng nước chảy xiết.

Ở đây, để qua sông đến trung tâm xã, làm nương, làm rẫy, giao thương buôn bán, người dân và gần 60 học sinh cấp 2 và cấp 3 đi học đều phải đu sợi dây thừng mỏng manh hoặc đánh liều bơi qua sông.

Theo quan sát của chúng tôi, từ bờ bên này qua bờ bên kia sông rộng khoảng 70m, nối bằng dây cáp giăng ngang, được cố định bởi cọc tre hai đầu bến sông. 

Chiếc bè đưa người qua sông dài khoảng 4m, ngang chưa tới 2m là những thân lồ ô ghép lại, dùng lốp xe cũ cột vào dây thừng tre. Chỉ cần 1 người đứng lên bè, nước sông đã tràn lên, chưa kể nhiều lúc có cả xe máy. Vậy mà, bình thường bè chở tới 10 học sinh, những lúc cao điểm lên đến 15 em. 

Chiếc bè được “vận hành” bằng cách thả trôi tự do, người đứng trên bè bám vào sợi dây thừng bắc ngang sông để lần sang bờ bên kia. 

Điều đáng nói, nước từ thủy điện Đak Dring, hồ chứa nước Nước Trong ở thượng nguồn đổ về còn khiến dòng chảy xiết, sâu, bè chòng chành rất nguy hiểm. Chỉ cần một lần trượt tay khỏi sợi dây thừng là cả bè lẫn người sẽ trôi ngay tức khắc.

Cách đây 2 năm, chính quyền huyện Sơn Hà hỗ trợ cho xã Sơn Bao 1 chiếc ghe nhôm để đưa học sinh qua sông đi học. Thân ghe rộng chỉ hơn 1m và dài 5m nhưng có chuyến số học sinh được chở lên trên 20 em.

Chưa hết, có nhiều trường hợp khi học sinh đi học về sớm hoặc đi trễ không có bè, không có ghe, nhiều em bất đắc dĩ đành cởi quần áo cùng sách vở cầm trên tay, bơi qua sông, xuôi về bờ bên kia. Nhiều đoạn nước sâu từ 3 - 5m, chảy xiết. Nguy hiểm, rủi ro thường trực với các em.

Em Đinh Văn Thành (học sinh lớp 7, Trường THCS Sơn Bao, cho biết: “Hôm nào đêm trước có mưa lớn, sáng hôm sau nước dâng cao, chảy cuồn cuộn, qua sông sẽ rất nguy hiểm. Nếu hôm nào mưa gió to quá, học sinh phải nghỉ học, sau đó thầy cô giáo dạy bù.

Bác lái đò cũng túc trực thường xuyên, nhưng học sinh đông quá, có hôm bác đuối, trong khi nhiều bạn lại về muộn, bác qua không kịp nên các bạn phải tự bơi về. Em cũng thường xuyên bơi qua sông để về nhà. Biết là nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác”.

“Những ngày nắng thì đỡ lo, còn mưa to, gió lớn, nhìn con đứng trên chiếc bè bé xíu sang sông, lòng tôi cứ thấp thỏm. Vẫn còn đỡ hơn mấy đứa chờ bè lâu quá một tay bơi, một tay cầm sách vở để khỏi ướt nhìn mà thót tim”, chị Định Thị Thút (ngụ thôn Nước Rin) chia sẻ.

Mong muốn có cây cầu bắc qua sông

Ông Đinh K’Rắc (70 tuổi), có thâm niên gần 15 đưa học sinh đến trường bằng bè nổi, rồi những năm gần đây phụ trách luôn cả chiếc ghe, cho biết: “Lúc trước xã thuê tôi 500 ngàn đồng, nay mới tăng lên 1 triệu đồng/tháng để đưa đón học sinh qua sông.

Đu dây lái bè qua sông rất nhọc, tôi phải gồng người cộng với mấy cháu con trai giúp sức mới đủ sức vật với dòng nước. Tuổi đã cao, sức không còn khỏe, nhiều lần xin nghỉ mà không ai muốn làm thay vì tiền hỗ trợ quá ít so với tiền đi làm rẫy”.

Nhiều em cởi quần áo cùng sách vở cầm trên tay, bơi qua sông
Nhiều em cởi quần áo cùng sách vở cầm trên tay, bơi qua sông

Theo ông K’Rắc, điều đáng lo ngại là tuy số lượng học sinh và người dân qua lại hằng ngày đông, thế nhưng hàng cọc đóng hai bên đầu và sợi dây căng qua sông để người điều khiển bám, níu đưa phương tiện vượt sông khá đơn giản, với vật liệu là những thân tre, gỗ cũ. Nhiều lúc kéo bè mà thấp thỏm lo sợ hàng cọc hai bên bị gãy hoặc sợi dây bị đứt.

“Việc đi lại của học sinh cũng như người dân vô cùng hiểm nguy vì đoạn sông này rất sâu, nước chảy rất xiết. Dù thế nào, tôi cũng cố gắng để an toàn cho con cháu qua sông. Giờ già rồi, chắc cũng không thể kéo dây đưa các cháu được nữa đâu. Bây giờ chỉ mong có cây cầu bắc qua sông để các cháu đến trường được an toàn”, ông K’Rắc bộc bạch.

Theo thầy Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Bao, tùy vào thời tiết, mỗi khi trời mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng cao trên sông là trường cho học sinh nghỉ học, sau đó phân công giáo viên dạy phụ đạo bù kiến thức cho các em.

Dù chính quyền xã Sơn Bao, Ban Giám hiệu nhà trường cùng cử tri địa phương nhiều năm qua liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ xây cầu qua sông nhưng đến nay niềm mong ước vẫn chưa thành hiện thực. 

“Người dân nơi đây khát khao và mong mỏi có chiếc cầu đi qua lại trên sông Rin an toàn, đặc biệt là mùa mưa bão, nước thượng nguồn hay nước xả thủy điện ập xuống bất ngờ, tính mạng của các em như đang bị đánh cược”, thầy Hải nói.

Theo bà Đoàn Thị Chiên - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Bao, vì điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp nên hằng tháng chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng cho người phụ trách đu dây kéo bè, chèo ghe đưa học sinh và người dân qua sông. Do mức hỗ trợ quá thấp, với lại giờ đã già nên nhiều lần người này xin nghỉ, nhưng rồi cũng cố gắng làm vì chưa có ai thay thế.

“Người dân ở đây đã luôn ao ước có một cây cầu. Xã Sơn Bao đã nhiều lần kiến nghị huyện xây cầu bắc qua sông Rin, nếu được vậy thì người dân và địa phương rất mừng. Cây cầu không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn giúp địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Xã rất mong muốn huyện sớm bố trí nguồn kinh phí để làm cây cầu phục vụ người dân, nhất là con đường đến trường của học sinh bớt lo âu và thấp thỏm”, bà Chiên cho biết.

Đọc thêm