Những ngày đầu tháng 7/2019, chúng tôi có mặt tại khu vực núi đá thuộc địa phận thôn Nà Tèn và chứng kiến, trong khoảng chưa đầy 1km dọc theo đường Quốc lộ 4C, mặc dù chính quyền địa phương đã lắp đặt biển báo cấm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng tại đây vẫn có hàng chục điểm khai thác đá ngang nhiên hoạt động mà không gặp sự ngăn cản nào từ phía lực lượng chức năng. Tiếng máy khoan, máy xúc, nghiền đá, bụi đá phát ra từ các điểm khai thác khiến khu vực này không khác gì một “đại công trường”.
Qua trao đổi với người dân được biết, những điểm khai thác đá này đã tồn tại nhiều năm nay và đa số hoạt động trái phép. Tại mỗi điểm khai thác thường có từ 4-5 nhân công làm việc từ sáng đến chiều tối, gây bức xúc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực. Người dân rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị tới các cấp chính quyền nhưng khi có đoàn kiểm tra xuống làm việc, đình chỉ, hoạt động khai thác cũng chỉ dừng một vài ngày rồi lại tiếp tục.
Tình trạng khai thác đá trái phép đang có chiều hướng gia tăng về quy mô và phạm vi |
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Nhu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang. Ông Nhu cho biết, trước đây, UBND tỉnh Hà Giang đã có chỉ đạo xử lý nghiêm; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đã tham mưu kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trái phép trên địa bàn huyện Yên Minh.
Theo quy định, việc xử lý, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý mà không xử lý hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị xử lý hoạt động trái phép đang diễn ra nhưng chậm trễ không kịp thời triển khai nhiệm vụ hoặc để diễn ra kéo dài, ông Nhu thông tin thêm.
Khu vực khai thác đá trái phép chẳng khác gì một “đại công trường” |
Về phía chính quyền địa phương, bà Phan Thị Minh - Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết, trong số những điểm khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực núi đá thuộc địa phận thôn Nà Tèn, có hai mỏ đá là Pắc Luốc 1 và Pắc Luốc 2 đã được UBND tỉnh Hà Giang cấp phép. Hoạt động của hai mỏ đá này giúp giảm đáng kể giá thành vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các công trình và xây dựng nông thôn mới.
Đối với những điểm khai khác đá trái phép, theo bà Minh, huyện Yên Minh đã nhiều lần xử phạt và đình chỉ, yêu cầu các chủ khai thác di dời trang thiết bị ra khỏi khu vực.
Những trường hợp cố ý khai thác trái phép, huyện giao Công an huyện phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường,Tư pháp, Thanh tra huyện và các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị Điện lực Yên Minh tiến hành thanh lý hợp đồng cung cấp điện. Không thực hiện việc cung cấp mới điện 3 pha cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn vào mục đích sản xuất, kinh doanh đá vôi trái phép.
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên, bà Minh cũng thừa nhận, tình trạng khai thác đá trái tại khu vực núi đá thuộc địa phận thôn Nà Tèn rất khó để xử lý dứt điểm. Vì “đá tặc” luôn tìm cách đối phó, cho người cảnh giới hoặc có tay trong thông báo. Hoạt động khai thác thường được triển khai lén lút, lợi dụng vào những ngày cuối tuần hoặc ngoài giờ hành chính.
Việc khai thác đá trái phép tại khu vực núi đá thuộc địa phận thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đến nay đang trong tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp, ngành tỉnh Hà Giang cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn, xử lý triệt để, góp phần lập lại kỷ cương tại khu vực này, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước./.