Hạ lãi suất cho vay: Khó cho các ngân hàng hạng trung?

(PLO) - Việc giảm lãi suất cho vay là một nội dung trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2018. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các ngân hàng vừa và nhỏ sẽ rất khó thực hiện nhiệm vụ này nếu Ngân hàng Nhà nước không mạnh mẽ bơm thanh khoản nhiều hơn vào hệ thống và giảm thêm lãi suất điều hành...
Nhiều ngân hàng hạng trung chưa thể hạ lãi suất cho vay vì thanh khoản cuối năm rất căng thẳng. Ảnh minh họa
Nhiều ngân hàng hạng trung chưa thể hạ lãi suất cho vay vì thanh khoản cuối năm rất căng thẳng. Ảnh minh họa

Mặt bằng lãi suất khá ổn định

Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2017 vượt hơn 2,46% so với tốc độ tăng trưởng huy động. Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống ngân hàng năm 2017 vẫn được đảm bảo nhờ việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) mua 7,5 tỷ USD trong cả năm, trong khi chỉ hút vào gần 31 nghìn tỷ VND qua kênh tín phiếu.

Mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định trong cả năm khi lãi suất huy động VNĐ dài hạn trên 12 tháng cho thấy phổ biến ở mức 6,4-7,2%. 

Theo TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh hạ lãi suất cho vay. Thanh khoản hệ thống ổn định tạo điều kiện cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục được giữ ở mức thấp trong năm 2017. 

Tuy vậy, theo ông Thành, trong báo cáo tháng 12/2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng của Việt Nam cuối năm 2017 đã ở mức khoảng 135% GDP, cao hơn các quốc gia có trình độ phát triển tương đương. Tỷ lệ này đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, do đó có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng. “Tuy cung tiền tăng trưởng thấp hơn năm 2016 hơn 2 điểm %, tỷ lệ M2/GDP của năm 2017 đã đạt mức khoảng 165%, cao hơn khá nhiều so với 146% của năm 2016. Điều này cho thấy NHNN cần bắt đầu thận trọng với tốc độ tăng cung tiền vì có khả năng dẫn tới bùng phát lạm phát trong thời gian tới khi các ảnh hưởng trễ phát huy tác dụng” - TS.Thành nhấn mạnh. 

Ra Tết mới tính toán được

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành ngân hàng mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định giảm lãi suất cho vay là một nội dung trọng tâm của ngành này trong năm 2018. 

Tuy nhiên, trả lời báo chí về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay: Các Ngân hàng đang quyết tâm để thực hiện chủ trương của Chính phủ, quyết tâm của NHNN là giảm lãi suất cho vay để giúp các doanh nghiệp (DN).  Nhưng việc hạ lãi suất sẽ gặp một số vấn đề, đặc biệt thời gian trước Tết Nguyên đán, thời điểm thanh khoản rất là “căng” do là thời điểm này các ngân hàng phải chi cho khách hàng tiền để chi tiêu cho dịp Tết, các DN thì rút phải tiền ra để chi thưởng cán bộ, nhân viên để kết thúc năm âm lịch. 

Cạnh đó, do biên độ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam hiện nay rất mỏng (khoảng trên dưới 2%), lại còn phải bù trừ cho dự trữ bắt buộc của NHNN, phải chi cho hoạt động, trong đó có dự trữ cho rủi ro nên gộp lại thì biên độ lợi nhuận như nói trên là không đủ. Vì thế, muốn hạ lãi suất cho vay thì trước hết các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động. 

Còn đối với cả năm 2018, để toàn hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay, ông Hiếu cho rằng NHNN cần làm một số việc. Thứ nhất, cần bơm thanh khoản nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng. Thứ hai, nên giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%. Thứ ba, rất quan trọng, lạm phát phải giảm. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu tính toán, nếu lạm phát giảm xuống 3% thì trên nguyên tắc cộng thêm 2% lãi suất huy động, cộng thêm 3% lãi suất cho vay, tổng cộng là 8% thì các ngân hàng may ra mới thực hiện được.

Ngoài ra, do lãi suất của trái phiếu Chính phủ (TPCP) vốn phát hành ra là để bù trừ cho bội chi ngân sách nên lãi suất rất hấp dẫn, hệ số rủi ro bằng 0. Thành ra lãi suất ngân hàng cần phải cao hơn lãi suất của TPCP. “Mà nếu lãi suất của TPCP ở mức cao, lãi suất ngân hàng huy động lại cao hơn một chút nữa, cộng thêm biên độ 2,5-3% nữa thì lãi suất cho vay vẫn sẽ không giảm được. Vì vậy, ngoài phải giảm lạm phát, bơm thêm thanh khoản, giảm lãi suất điều hành, lãi suất của TPCP cũng cần phải giảm...” - Chuyên gia kinh tế này khuyến nghị.

Đọc thêm