Hạ Long (Quảng Ninh): Thiếu đồng nhất trong đền bù giải phóng mặt bằng

(PLO) - Quá trình sử dụng đất của các hộ dân tại các dự án là giống nhau, nhưng việc đền bù khi giải phóng mặt bằng (GPMB) lại được áp dụng chính sách khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Cựu binh Trần Thanh Bình bên vị trí mảnh đất bị thu hồi

Quyết định thu hồi là vội vàng?

Bốn hộ dân (khu 2A, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là Trần Thanh Bình, Trần Văn Đằng, Trần Văn Đông và Vũ Đình Chiến có đất nằm trong diện GPMB Dự án Xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào Trường THPT chuyên Hạ Long .

Ông Trần Thanh Bình (SN 1953, cựu chiến binh), một trong bốn hộ dân trên cho biết, nguồn gốc thửa đất thu hồi của họ trước đây do Trường Thể dục thể thao Quảng Ninh quản lý, nhưng thực tế, sau khi nhà trường xây lại tường rào vào tháng 6/1998 thì phần diện tích đất này nằm ngoài hàng rào, do các hộ dân sử dụng làm sân, vườn. Trong quá trình sử dụng, không có tranh chấp và UBND phường Hồng Hải cũng có văn bản ngày 5/1/2012 xác nhận nguồn gốc đất giống với nội dung trên.

Ông Nguyễn Lương Bằng (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Đầu năm 2011, UBND TP Hạ Long thu hồi diện tích đất trên để xây dựng hành lang Trường chuyên Hạ Long. Trước khi áp dụng chính sách bồi thường cho bốn hộ dân, cơ quan ban ngành đã tiến hành họp bàn, từng ô đất được phân tích, mổ xẻ. Căn cứ vào các quy định pháp luật, cơ quan chức năng lập phương án bồi thường theo chính sách: Bồi thường cho các hộ dân 50% giá trị đất ở. Phương án này được bốn hộ dân đồng tình nhất trí.

 Đầu tháng 1/2012, bốn hộ dân trên nhận được tiền bồi thường thì khoảng 9 tháng sau, ngày 30/9/2013, UBND TP Hạ Long lại ra Quyết định số 2260/QĐ-UBND, thu hồi số tiền đã đền bù. “Việc UBND TP Hạ Long ra quyết định thu hồi tiền đền bù khi không tổ chức một cuộc họp với Ban GPMB và người dân là nóng vội”, ông Bằng nói và khẳng định, Ban đền bù đã căn cứ vào các nghị định, thông tư để áp dụng chính sách bồi thường đúng pháp luật.

Sau khi có quyết định thu hồi lại số tiền đã được đền bù, bốn hộ dân đã khiếu nại quyết định trên của UBND TP Hạ Long. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật. Ban tiếp dân Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hạ Long và ban, ngành liên quan tỉnh Quảng Ninh giải quyết vụ việc đúng pháp luật, làm cơ sở để Thanh tra Chính phủ trả lời bốn hộ dân. Tuy nhiên, đến nay Ban tiếp dân Thanh tra Chính phủ chưa nhận được trả lời giải quyết sự việc trên.

Cơ quan chức năng có văn bản giải thích lý do thu hồi với bốn hộ dân trên là do diện tích đất các hộ dân sử dụng nằm trong quy hoạch, mục vỉa hè đường giao thông, năm 1992. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN, năm 1992, tỉnh Quảng Ninh quy hoạch xây dựng trường thể dục thể thao và nhà thi đấu. Tuy nhiên, đây là quy hoạch “treo”. Bản đồ quy hoạch năm 1992 cũng không thể hiện diện tích đất của bốn hộ dân nằm trong hành lang giao thông.  Hơn nữa, khi người dân sử dụng đất, chính quyền không có biên bản ngăn chặn, cũng không có tranh chấp. Chiếu theo quy định, bốn hộ dân được bồi thường khi Nhà nước thu hồi.

Chưa đồng nhất trong thực thi chính sách

Trong khi việc đền bù cho bốn hộ dân chưa được giải quyết thì ông Ngô Hoàng Sao và ba hộ dân cũng bị thu hồi đất ở dự án trên đã được đền bù thỏa đáng, đúng pháp luật. Điều đáng nói, bản chất quá trình sử dụng đất của ông Ngô Hoàng Sao giống với bốn hộ dân đang khiếu nại.

Theo đó, nguồn gốc đất của ông Sao được UBND phường Hồng Hải xác nhận là đất do Xí nghiệp vật tư Hòn Gai tôn tạo và quản lý từ năm 1963. Năm 1986, ông Sao được Xí nghiệp phân cho một gian nhà để ở. Năm 1997, Xí nghiệp cho phép các hộ gia đình tự sửa chữa để ở. Năm 1999, Xí nghiệp trả lại đất của UBND tỉnh. Nhưng thực tế gia đình ông Sao vẫn quản lý, sử dụng để ở từ đó đến khi dự án trên được thực hiện.

Sau khi thu hồi diện tích đất trên, ngày 18/4/2011, UBND TP Hạ Long có quyết định không đền bù cho ông Sao. Sau đó ông Sao có đơn kiến nghị và được hỗ trợ 50% giá đất ở. Sau khi giải quyết cho ông Ngô Hoàng Sao, ba trường hợp khác có nguồn gốc đất tương tự là của ông Vũ Tiến Đạt, Trần Huy Phúc, Trần Duy Thơ cũng đã được giải quyết thỏa đáng.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, 31 hộ dân thuộc diện GPMB dự án Khu công trình công cộng, dịch vụ thương mại và dân cư phía Đông Nhà máy cơ khí Hòn Gai cũ tại phường Hồng Gai có ngồn gốc sử dụng đất giống trường hợp 4 hộ dân trên cũng đã được hỗ trợ, bồi thường bằng 50% giá trị sử dụng đất. 

Như vậy, quá trình sử dụng đất của các trường hợp trên về bản chất là giống nhau, nhưng phương án hỗ trợ, bồi thường chưa đảm bảo sự đồng bộ về cơ chế chính sách. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các ban ngành liên quan và UBND TP Hạ Long rà soát lại sự việc, giải quyết đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho 4 hộ dân, tránh kiếu nại kéo dài.

Đọc thêm