Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn của Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn, địa chỉ tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tố cáo về việc xuất hiện thêm một số doanh nghiệp khai thác, xử lý và cung cấp nước. Cụ thể là Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam đã xây dựng công trình khai thác nước dưới đất chồng đè, xâm phạm đến tài sản, quyền kinh doanh, khai thác tài nguyên nước của Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn tại lô D, khu công nghiệp Đồng Văn II.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn, cho biết, “khi phát hiện doanh nghiệp Đài Nguyên Việt Nam xây dựng hạ tầng nhiều giếng khoan cùng thuộc lô D, xâm phạm đến quyền kinh doanh của chúng tôi. Tôi đã đề nghị Ban QL các KCN tỉnh Hà Nam và các cấp có thẩm quyền của tỉnh Hà Nam làm rõ vấn đề Công ty nước sạch Đài Nguyên khoan 15 giếng và khai thác nước thì mới vỡ lẽ ra UBND tỉnh đã cấp giấy phép chồng đè vào lô D của Công ty chúng tôi”.
Được biết, năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép khai thác nước dưới đất cho duy nhất Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn, với thời gian khai thác là 15 năm. Công ty thực hiện cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Đồng Văn II.
Số giếng khai thác là 10 và 2 giếng dự phòng tại lô D và Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn cũng đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các doanh nghiệp thuộc KCN Đồng Văn II.
Theo Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 Quy định, tại Điều 43, Khoản 4, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này còn được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ.
“Đến nay Công ty tôi không chuyển nhượng hoặc ủy quyền cho bất kỳ công ty nào được phép khai thác trên lô D, nhưng lại được Sở TN&MT tỉnh tham mưu, đề xuất cấp giấy phép 5 giếng khoan cho Công ty nước sạch Đài Nguyên Việt Nam tại lô D đã gây thiệt hại lớn đến quyền kinh doanh của công ty và trái với Luật tài nguyên nước và trái với Điều 29 Nghị định 117/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch”, ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn bức xúc nói.
Theo tìm hiểu, Công ty dệt Đài Nguyên Việt Nam do ông Lee Cheng-Lieh làm giám đốc thành lập và hoạt động 16/07/2014 tại khu công nghiệp Đồng Văn II. Ngành nghề kinh doanh chính sản xuất sợi.
Đến ngày 11/09/2014 thành lập và hoạt động Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam do ông YANG HUNG SAN làm giám đốc và được Ban QL các KCN tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư cùng chung ngành nghề kinh doanh với Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn. Sau đó, năm 2016 được UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép số 11 về khai thác, xử lý và cung cấp nước (cũng thuộc lô D) trùng với lô D của Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn, thời gian là 5 năm.
|
Một trong 15 giếng khoan của Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên |
Được biết, tại khu công nghiệp Đồng Văn II, đến nay có tới 4 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước. Trong đó, Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam khai thác nước dưới đất phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất tới nhiều nghìn m3 nước mỗi ngày/đêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đức Dũng, Trưởng phòng quản lý môi trường, Ban QL các KCN tỉnh Hà Nam cho biết, “việc xây dựng hạ tầng, giếng khoan đều do Sở TN&MT thực hiện, khảo sát, thẩm định, đề xuất cấp giấy phép còn Ban Quản lý không được tham gia, không được biết và cũng không được giám sát hoạt động xây dựng, khai thác nước tại công ty nước sạch Đài Nguyên Việt Nam, còn việc cấp phép chồng lấn cùng lô D của công ty nước sạch Đồng Văn hay không tôi xin không bình luận”.
|
Theo đại diện Công ty nước sạch Đồng Văn, ký hiệu các giếng khoan trong ô màu vàng là lô U được Bộ TNMT cấp giấy phép, nhưng Công ty Đài Nguyên lại khoan tại vị trí trong ô màu xanh là lô D chồng đè vào công trình của công ty Đồng Văn |
Theo Báo cáo số 79 của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, giấy phép số 11 của UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên đã chấm dứt hiệu lực tại văn bản số 1634 ngày 20/6/2018.
Sau đó, ngày 8/8/2018 Bộ TNMT tiếp tục cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất số 2503 cho Công ty nước sạch Đài Nguyên Việt Nam với 15 giếng với tổng lưu lượng khai thác hiện tại 700m3/ ngày đêm.
Tại Báo cáo, Sở TN&MT cho rằng, vị trí các giếng khoan của Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam hoàn toàn tách biệt, không đè lên chồng nhau.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty cổ phần nước sạch Đồng Văn cho rằng, với Báo cáo số 79 của Sở TN&MT là không trung thực. Các giếng khoan có vị trí giếng khoan rất gần nhau, cấp chồng đè lên công trình lô D của Công ty nước sạch Đồng Văn.
Mặt khác, quá trình kiểm tra, Sở TN&MT không làm rõ những sai phạm thực tế của Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam; khoan 10 giếng sai vị trí so với giấy phép được cấp và 5 giếng khoan cũ do UBND tỉnh cấp trước đó nhưng Sở TN&MT không ghi vào biên bản và không báo cáo.
Bằng chứng, theo Biên bản kiểm tra tháng 5/2020, do Cục quản lý tài nguyên nước ghi rõ, giấy phép số 2305 của Bộ TN&MT cấp cho Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam tại vị trí khai thác lô U, khu công nghiệp Đồng Văn II. Tổng số giếng khai thác là 15 giếng khoan.
Như vậy, việc Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn phản ánh việc cấp chồng đè và công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam khoan 15 giếng sai vị trí do Bộ TNMT cấp là có cơ sở.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ những khuất tất và trách nhiệm trong việc quy hoạch, thẩm định, cấp giấy phép, xây dựng hạ tầng, quản lý, giám sát đối đối với hoạt động khai thác nước tại Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam và vì sao với chức năng, quyền hạn đối với công tác quản lý khu công nghiệp đã quy định, nhưng Ban QL các KCN lại bị đứng ngoài cuộc.