Theo bản án sơ thẩm ngày 31/12/2015 của TAND tỉnh Hà Nam thì Trần Thị Bích Ngọc bị VKSND tỉnh Hà Nam truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1,3 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Xương (SN 1945). Người cùng bị truy tố trong vụ án này là Nguyễn Anh Trọng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Bình Lục (Cty Bình Lục).
Theo cáo trạng, do cần tiền nên bà Ngọc đã hỏi vay tiền của người họ hàng là bà Trần Thị Năm, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội. Bà Năm đã gặp ông Nguyễn Văn Xương và nói chuyện bà Ngọc cần tiền để mua thanh lý tài sản của Cty Bình Lục, nếu ông Xương có tiền thì cho bà Ngọc vay. Để ông Xương tin tưởng và cho vay tiền, bà Ngọc đã nói với ông Nguyễn Anh Trọng làm biên bản thanh lý tài sản của Cty Bình Lục cho bà và ghi nội dung bà còn thiếu nợ 1,2 tỷ đồng.
Sau đó, bà Ngọc đã đưa biên bản này cho ông Xương xem xét cùng với việc đi xem thực tế tài sản để làm tin. Sau khi xem xét giấy tờ, được trao đổi trực tiếp giữa người mua và người bán, ông Xương thấy việc mua bán là có thật nên đã đồng ý cho bà Ngọc vay 1,3 tỷ đồng trong thời hạn 6 tháng. Sau khi nhận được tiền của ông Xương và chuyển vào tài khoản, bà Ngọc cùng nhân viên Cty Bình Lục đến ngân hàng rút 100 triệu đồng đưa cho bà Ngọc. Số tiền còn lại được chuyển vào tài khoản của thủ quỹ Công ty. Sau đó, giữa bà Ngọc và ông Nguyễn Anh Trọng có thoả thuận về việc thanh toán công nợ với nhau và số tiền ông Xương chuyển cho bà Ngọc được đem ra để giải quyết công nợ giữa ông Trọng và bà Ngọc.
Quá thời hạn nhưng bà Ngọc không trả được nợ, vì vậy ông Xương đã làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Bình Lục và sự việc đã vỡ lở. Bà Ngọc và ông Trọng cùng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, bà Ngọc bị quy kết đã giả mạo việc mua thanh lý tài sản để lừa tiền của ông Xương. Còn ông Trọng là đồng phạm giúp sức.
Ngày 31/12/2015, TAND tỉnh Hà Nam xử phạt bị cáo Trần Thị Bích Ngọc 15 năm tù; bị cáo Nguyễn Anh Trọng 12 năm tù. Ngọc không kháng cáo và đi chấp hành án tại Trại giam Ninh Khánh, tỉnh Ninh Bình. Còn bị cáo Trọng kháng cáo kêu oan. Vì vậy, trong phiên toà phúc thẩm ngày 28/7/2016 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, bị án Ngọc được đưa ra toà với tư cách là nhân chứng.
Khi nhận xét về vụ án, cả đại diện VKS giữ quyền công tố và HĐXX đều có nhận định về việc Tòa cấp sơ thẩm còn mắc lỗi khi chưa thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định huỷ toàn bộ bản án, kể cả phần quyết định đã có hiệu lực không bị kháng cáo, kháng nghị để điều tra lại.
Với quyết định này của TAND Cấp cao, thân phận bà Trần Thị Bích Ngọc trở nên… bấp bênh. Từ một người đã chấp hành án phạt tù, giờ bà Ngọc lại trở thành bị cáo và được đưa ra xét xử lần hai về tội phạm mà từng bị xử và đã có bản án.
Theo Luật sư Hoàng Huy Được (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), quyết định của HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội trong bản án phúc thẩm là vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo quy định, cấp phúc thẩm chỉ được xét xử trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Trong vụ án này, bà Ngọc đã chấp nhận bản án, không kháng cáo. Phần quyết định của Toà án về tội danh và hình phạt của bà Ngọc cũng không bị kháng nghị nên Toà cấp phúc thẩm không thể xem xét lại. Việc TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét phần bản án đã có hiệu lực pháp luật chính là một quyết định “lấn” thẩm quyền của Chánh án TAND Tối cao.
Hậu quả của việc TAND Cấp cao huỷ cả phần bản án đã có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị là một bị án ra toà lần hai về một tội danh đã được xét xử. “Quyết định của Toà án cấp phúc thẩm là sai sót nghiêm trọng, đã tạo ra một vụ việc chưa có tiền lệ khi người bị kết án đã chấp hành án nhưng lại bị đưa ra toà để xét xử lần thứ hai về một hành vi phạm tội”, Luật sư Được khẳng định.
Ngày 24/11/2017 tới đây, TAND tỉnh Hà Nam tiếp tục mở phiên toà và bà Ngọc trở thành bị cáo bất đắc dĩ của vụ án này. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về kết quả vụ án này.