Hà Nội cũng đặt mục tiêu năm 2019 có 75% người dân nông thôn được dùng nước sạch. Và đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 100%.
Báo cáo mới đây về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên, Hà Nội đã đề nghị nhà đầu tư triển khai dự án phát triển nguồn tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các Dự án cấp nguồn tập trung trong năm 2019 đối với 05 dự án với công suất tăng thêm khoảng 525.000m3/ngđ, nâng tổng nguồn nước sạch cấp cho hệ thống lên khoảng 1.700.000m3/ngđ.
Cụ thể, Công ty Cổ phần (CTCP) Nước mặt sông Hồng tập trung triển khai, hoàn thành, đưa vào vận hành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Hồng với công suất 150.000m3/ngđ (ngày đêm). CTCP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thực hiện Dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II, nâng công suất cấp nước của hệ thống cấp nước sông Đà từ 300.000m3/ngđ lên 450.000m3/ngđ; Liên danh CTCP Ao Vua và CTCP đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì hoàn thành Dự án Nâng công suất Nhà máy nước Ba Vì từ 10.000m3/ngđ lên 60.000m3/ngđ.
CTCP Cấp nước Mê Linh thì hoàn thành Dự án xây dựng Nhà máy nước 25.000m3/ngđ cấp nước cho 12 xã của huyện Mê Linh. Còn CTCP Nước mặt sông Đuống thì tập trung triển khai, hoàn thành Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy từ 150.000m3/ngđ lên 300.000m3/ngđ.
Đối với nhà đầu tư triển khai dự án phát triển mạng, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước các dự án đã được chấp thuận; phối hợp UBND các huyện, xã tuyên truyền, vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch.
Cũng theo Sở Xây dựng, tính đến hết năm 2018, dân số Hà Nội khoảng 7,740 triệu người, trong đó khu vực 12 quận nội thành với quy mô dân số khoảng 3,460 triệu người; Khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây với quy mô dân số khoảng 4,280 triệu người.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy và UBND TP, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và chung tay của toàn xã hội, hệ thống cấp nước trên địa bàn TP đã từng bước được đầu tư xây dựng.
Đến nay TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn (tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngđ) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước cho 382/416 xã với phạm vi cấp cho khoảng 4.023.200 người, với khoảng 1.005.000 hộ, đạt trên 94%.
Về nguồn cung cấp, năm 2018 đã có 04 dự án cấp nguồn hoàn thành bao gồm dự án xây dựng trạm cấp nước Dương Nội công suất 30.000m3/ngđ; dự án cải tạo Nâng công suất nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long - Vân Trì đạt công suất 150.000m3/ngđ; dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1 công suất 150.000m3/ngđ; dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II sau khi hoàn thành trạm bơm tăng áp và 6,4km truyền dẫn nâng khả năng cấp nước cho nội đô Hà Nội từ 220.000m3/ngđ lên 300.000m3/ngđ.
Các dự án cấp nguồn trên sau khi hoàn thành đã bổ sung khoảng 335.000m3/ngđ cho TP, nâng tổng nguồn cấp nước sạch tập trung lên trên 1.200.000m3/ngđ.
Về tiêu chuẩn chất lượng nước cấp, TP đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước cập nhật tiêu chuẩn cấp nước sạch do Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Tại triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam diễn ra vào ngày 30/5 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, Hà Nội đang là một trong những địa phương tiên phong trong việc vươn mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn và tiền đề phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam rất rộng mở.