Nước sạch Hà Nội chảy về đâu?

(PLO) - Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân, TP Hà Nội huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các nhà máy nước. Nghịch lý rằng một số nhà máy sau khi được hoàn thành lại không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không hiệu quả.
Trạm cấp nước Đại Nghĩa chưa đưa vào sử dụng
Trạm cấp nước Đại Nghĩa chưa đưa vào sử dụng

Nhiều bất cập

Nhiều công trình cấp nước được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, chưa tương xứng với số tiền đầu tư, bị bỏ hoang gây lãng phí, trong khi người dân vẫn không có nước sạch để sinh hoạt.

Trạm cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) là một ví dụ. Theo tìm hiểu, tháng 9/2009, UBND TP Hà Nội có văn bản cho phép UBND huyện Mỹ Đức chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án Trạm cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa với công suất 2.000 m3/ngày đêm nhằm đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho nhân dân và các đơn vị, cơ quan hành chính trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Mặc dù đã triển khai xây dựng hơn 7 năm với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 43 tỷ đồng nhưng đến nay Trạm cấp nước sạch trên chưa thể đưa vào sử dụng. Theo ghi nhận, Trạm cấp nước này được xây dựng quy mô trên diện tích khoảng 1ha với các hạng mục: nhà điều hành sản xuất, hệ thống bể lọc, ống nước, bể chưa, nhà kho, tường rào hiện cỏ dại mọc um tùm, nhiều thiết bị có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Cũng là câu chuyện về nước sạch, công trình nước sạch tại thôn Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đang tồn tại nghịch lý đó là có nước nhưng người dân thờ ơ. Nói cách khác, mặc dù chính quyền tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhưng lại đối mặt với sự thờ ơ của chính đối tượng sử dụng nước là người dân. 

Theo tìm hiểu, trạm nước tại thôn Bảo Lộc được đầu tư theo Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 2/12/2009 của UBND huyện Phúc Thọ với tổng vốn gần 9 tỷ đồng nhằm cung cấp nước sạch cho hơn một nghìn hộ dân trong thôn. Tháng 8/2011, công trình hoàn thành và giao cho HTX Nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, vận hành, khai thác. Tuy nhiên sau khi đưa vào sử dụng khoảng 6 tháng thì công trình gần như không tiếp tục vận hành. 

Trước thực trạng trên, ngày 16/1/2017, Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ nước sạch Tuấn Minh tiếp nhận, đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống mạng đường ống và quản lý khai thác. Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ nước sạch Tuấn Minh cho biết: Để khôi phục lại trạm nước cũ trước khi mở rộng ra trên địa bàn toàn xã, bước đầu công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để thay 2.400m đường ống từ đường ống chính vào nhà các hộ dân, lắp đặt lại hơn 700 đồng hồ đo nước, 1 tủ biến tần để bảo đảm áp suất nước ổn định, chất lượng nước cũng đã được kiểm duyệt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế...

“Trong quá trình tiếp nhận, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, sau khi trạm nước cũ dừng hoạt động, người dân mất niềm tin về việc cung cấp nước sạch nên khi khôi phục lại, người dân nghe ngóng rất nhiều mới sử dụng. Thứ hai, chúng tôi cũng đang khó khăn về vốn vay để mở rộng trạm cấp nước theo chủ trương chấp thuận đầu tư của UBND TP Hà Nội” - ông Việt chia sẻ.

Đâu là giải pháp?

Để công trình nước sạch sớm khôi phục và đạt 100% công suất như quy hoạch dự kiến, theo lãnh đạo UBND xã Võng Xuyên, cần tích cực triển khai những giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền đang tích cực vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ thói quen cũ để sử dụng nguồn nước của trạm cấp nước bởi hiện nay nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, xả thải thẩm thấu xuống đất. 

Về phía công trình nước sạch ở huyện Mỹ Đức, theo ông Lê Nghiêm Huấn - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức, nguyên nhân chính dẫn đến việc dừng triển khai dự án là do nguồn vốn đầu tư của huyện khó khăn không thể triển khai tiếp. Tuy vậy, sau khi tạm dừng xây dựng, huyện Mỹ Đức có báo cáo thành phố để giới thiệu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân tiếp tục thực hiện dự án. 

Từ năm 2014, Công ty Minh Quân đã thi công xong các hạng mục: hệ thống đường ống, bồn bể chứa và các hệ thống khử trùng vệ sinh theo thiết kế theo dự án đã được duyệt; hoàn thiện hệ thống mạng lưới nước cấp đến người dân; tổ chức tiếp cận các hộ dân để đăng ký sử dụng nước nhà máy. Với các điều kiện trên, công ty đã cho vận hành thử trạm cấp nước sạch Đại Nghĩa.

Tuy nhiên, việc nguồn nước sông Đáy (nơi đặt vòi hút của trạm cấp nước) bị ô nhiễm nên đến nay trạm cấp nước Đại Nghĩa vẫn dừng hoạt động. Hiện một số sở, ngành của thành phố đang thẩm định phương án thay thế nước sông Đáy bằng việc lấy nước của hồ Quan Sơn, cách trạm cấp nước khoảng 5km để làm nguồn nước thô cấp cho trạm cấp nước sạch Đại Nghĩa nhưng lượng nước ở hồ Quan Sơn hiện rất thấp, không đủ để trạm cấp nước hoạt động. 

Theo dự kiến, trong năm 2018 các dự án phát triển mạng cấp nước trên địa bàn Hà Nội sẽ hoàn thành, đấu nối cấp nước bổ sung cho khoảng 61.000 hộ với khoảng 244.000 người, nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn tăng lên trên 55%. Tuy nhiên, có một thực tế, trong quá trình triển khai các dự án, các nhà đầu tư thường gặp khó khăn về tài chính, khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vay thương mại; Điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội tại các dự án khác nhau dẫn tới chi phí đầu tư, suất đầu tư, khả năng thu hồi vốn của các dự án khác nhau dẫn tới hiệu quả của từng dự án khác nhau... Một số dự án sau khi hoàn thành, tỷ lệ đăng ký lắp đặt đồng hồ sử dụng nước thấp, một số hộ đã lắp đặt đồng hồ nước nhưng lượng nước sạch sử dụng nhỏ, dẫn tới việc thu hồi vốn cho dự án khó khăn…

Đọc thêm