Không sai cũng… sửa
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, chỉ bằng việc “sửa” tên chủ sử dụng đất, UBND Thành phố Hà Nội đã biến hơn 182ha đất giao cho Công ty cổ phần Cienco5 Land cách đây 12 năm thành đất của Tổng công ty công trình giao thông 5. Việc làm này là chưa có tiền lệ, vì việc lấy đất của tổ chức này để giao cho tổ chức khác, thông thường phải qua thủ tục thu hồi đất và giao đất, với hàng loạt hồ sơ pháp lý phức tạp.
Thực tế, việc giao đất cho Công ty cổ phần Cienco5 Land có sai hay không và tại sao lại phải sửa?
Đến nay, câu trả lời về việc giao đất cho Cienco5 Land là đúng pháp luật và hồ sơ pháp lý của việc thực hiện dự án đường trục phía Nam đã nói lên tất cả.
Cụ thể, ngày 18/4/2008, UBND tỉnh Hà Tây đã ký Hợp đồng xây dựng chuyển giao thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây với Tổng Công ty công trình giao thông 5 và Công ty cổ phần Cienco5 Land để thực hiện dự án đường trục phía Nam theo hình thức hợp đồng BT. Theo hợp đồng này, Tổng Công ty công trình giao thông 5 (nhà đầu tư) và Công ty cổ phần Cienco 5 Land (doanh nghiệp thực hiện dự án) xây dựng tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có chiều dài 41,5km.
Để hoàn vốn của dự án đường trục phía Nam, UBND tỉnh Hà Tây đã giao cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án 3 dự án bất động sản là dự án Khu đô thị Thanh Hà A – Cienco 5, dự án Khu đô thị Thanh Hà B-Cienco5 và dự án Khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco5.
Theo Hợp đồng BT nêu rõ, doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Cienco5 Land có nghĩa vụ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng BT; chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư (Tổng Công ty công trình giao thông 5) và liên đới cùng Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Hà Tây và pháp luật về việc thực hiện dự án.
Căn cứ Hợp đồng BT này, ngày 30/7/2008 UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành các quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty cổ phần Cienco5 Land để thực hiện dự án hoàn vốn, trong đó có Quyết định số 3128/QĐ-UBND thu hồi 1.829.433m2 đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.
Như vậy, UBND tỉnh Hà Tây giao đất cho Công ty cổ phần Cienco 5 Land để thực hiện dự án BT đường trục phía Nam và các dự án hoàn vốn là dự án khu đô thị Thanh Hà A, khu đô thị Thanh Hà B, khu đô thị Mỹ Hưng là dựa vào Hợp đồng BT. Hợp đồng BT là văn bản pháp lý làm cơ sở xác định pháp nhân nào là chủ thể được giao đất để thực hiện dự án.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, ngoài hợp đồng BT, hàng loạt các quy định của pháp luật có liên quan cũng xác định, Chủ đầu tư dự án BT và các dự án hoàn vốn là “doanh nghiệp dự án” nên việc UBND tỉnh Hà Tây giao đất cho Công ty cổ phần Cienco5 Land là đúng pháp luật.
“Luật Đầu tư quy định, nhà đầu tư là những người bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư nhưng hiện nay rất nhiều người, trong đó có cả công chức nhà nước đã nhầm lẫn nhà đầu tư với khái niệm chủ đầu tư dự án. Điều này dẫn đến việc nhiều người không nắm được ai là chủ đầu tư dự án BT và dẫn đến việc xác định sai chủ thể giao đất thực hiện dự án. Trong dự án BT đường trục phía Nam, việc giao đất cho doanh nghiệp dự án là có căn cứ, đúng pháp luật”, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết.
Chủ đầu tư dự án BT là doanh nghiệp dự án. Bởi lẽ, toàn bộ vốn đầu tư của “nhà đầu tư” đã được đưa vào doanh nghiệp dự án thông qua thủ tục góp vốn (vốn chủ sở hữu). Ngoài ra, thực hiện dự án, doanh nghiệp dự án còn phải huy động vốn (vay) để thực hiện dự án đầu tư. Do đó, UBND tỉnh Hà Tây xác định Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 là chủ thể giao đất trong các quyết định giao đất để thực hiện dự án BT, các dự án hoàn vốn là đúng quy định của pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết thêm.
UBND TP Hà Nội đã vội vàng như thế nào?
Với việc giao đất đúng chủ thể và có căn cứ pháp luật như trên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải sửa một quyết định giao đất không sai, đã được thực hiện 12 năm qua và UBND TP Hà Nội đã làm đúng pháp luật khi “sửa” quyết định này?
Theo hồ sơ mà Báo Pháp luật Việt Nam đã có được thì việc thúc đẩy quá trình sửa quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 đã được diễn ra cách đây hơn 2 năm.
Việc này xuất phát từ biên bản thỏa thuận số 10 ngày 21/8/2017 giữa Công ty cổ phần Cienco 5 Land và Tổng Công ty công trình giao thông 5 về việc Tổng Công ty sẽ trực tiếp thực hiện phần còn lại của dự án đường trục phía Nam (gọi là Phân đoạn 2) và dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.
Khi giao kết thỏa thuận này, cả hai công ty đã có văn bản hỏi Sở Tư pháp Hà Nội về quy trình để UBND Thành phố chấp thuận cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 được thực hiện phân đoạn 2 của dự án đường trục và dự án hoàn vốn là Khu đô thị Mỹ Hưng.
|
Văn bản của Sở Tư pháp đã đề cập căn cứ pháp lý để thực hiện việc giao đất là Hợp đồng BT |
Tại văn bản trả lời ngày 6/6/2018, Sở Tư pháp khẳng định, theo quy định của pháp luật thì thỏa thuận số 10 ngày 21/8/2017 giữa 2 công ty là thỏa thuận nội bộ của doanh nghiệp và thỏa thuận này dẫn đến sự thay đổi của Hợp đồng BT. Vì vậy, để các thỏa thuận này có giá trị pháp lý thì 2 doanh nghiệp phải thống nhất với Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND TP điều chỉnh nội dung Hợp đồng BT bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng.
Nói cách khác, để Tổng Công ty công trình giao thông 5 được làm phân đoạn 2 của đường trục phía Nam và được làm khu đô thị Mỹ Hưng theo thỏa thuận mà 2 công ty đã ký thì bắt buộc phải điều chỉnh Hợp đồng BT. Vì nội dung Hợp đồng BT đã xác định Công ty cổ phần Cienco5 Land là doanh nghiệp thực hiện các dự án này nên Tổng Công ty công trình giao thông 5 không thể nào “đặt chân” vào mà làm nếu không sửa Hợp đồng BT.
Thế nhưng, đến nay hoàn toàn chưa có phụ lục Hợp đồng BT. Có nghĩa là chủ đầu tư dự án BT đường trục phía Nam và các dự án hoàn vốn của dự án BT này vẫn là Công ty cổ phần Cienco5 Land.
Đại diện Công ty cổ phần Cienco5 Land cũng cho biết, Thỏa thuận số 10 không được thực hiện vì chính Tổng Công ty đã “phá” văn bản này. Đến nay, Công ty cổ phần Cienco5 Land cũng không có văn bản nào gửi UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh Hợp đồng BT để Tổng Công ty công trình giao thông 5 được thực hiện dự án theo thỏa thuận số 10.
Và như vậy, việc “sửa” quyết định giao đất số 3128 từ Công ty cổ phần Cienco5 Land sang Tổng công ty công trình giao thông 5 là không có căn cứ, thậm chí là trái pháp luật.
Điều này rất dễ nhận thấy, UBND TP Hà Nội đã quá vội vàng và đốt cháy giai đoạn khi không dựa vào căn cứ pháp lý là Hợp đồng BT mà đã “sửa” phần ngọn, dẫn đến sự việc khó chấp nhận như đã nêu.
Căn nguyên của sự việc vội vàng này xuất phát từ 3 tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở này đã báo cáo UBND TP như thế nào để dẫn đến việc các quyết định giao đất cho Công ty cổ phần Cienco5 Land không sai nhưng vẫn bị “sửa”, để rồi tạo ra hậu quả pháp lý ghê gớm cho doanh nghiệp này và mang đến cái lợi to lớn cho Tổng Công ty Cienco5, doanh nghiệp do Tập đoàn Hải Phát chi phối?
Sau khi Báo Pháp luật VIệt Nam có bài phản ánh về việc ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 5269 về việc sửa Quyết định 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về thu hồi hơn 182ha đất giao cho Công ty cổ phần Cienco5 Land, có nội dung bất thường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp thông tin về vụ việc để trả lời cơ quan báo chí.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin về sự việc này trong các số tiếp theo.