Hà Nội: Bỗng dưng bị đòi đất vì bản án mấy chục năm trước

(PLVN) - Đang sinh sống ổn định nhiều năm tại nhà đất số 473 Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), ông Hoàng Ngọc Kính bỗng dưng bị khởi kiện ra tòa đòi lại đất.
Nhà đất số 471 và 473 Trần Khát Chân
Nhà đất số 471 và 473 Trần Khát Chân

“Em gái” khởi kiện đòi đất?

Phản ánh đến Báo PLVN, ông Hoàng Ngọc Kính (61 tuổi) cho biết, hiện gia đình ông đang sinh sống tại địa chỉ nói trên và liền kề với nhà ông là nhà đất số 471 do bà Phạm Thị Minh Thái sử dụng. Một phần của hai nhà đất này trước đây cùng lấy số nhà số 60 phố Vũ Đỗ Long cũ.

Ông Kính cho biết, trong đơn khởi kiện, bà Thái căn cứ vào Bản án phúc thẩm số 260/PTDS ngày 12/6/1985 của TAND TP Hà Nội xử việc ly hôn giữa bố và mẹ ông. Tại trang 5 của bản án có chi tiết: “Bà Sòng cùng các con sử dụng gian nhà tranh 16m2 ở 58 Vũ Đỗ Long ở nhờ trên mảnh đất của em gái bà Sòng”. 

Vụ kiện được TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý. Nhưng vấn đề đáng nói là “em gái” được Tòa án đề cập trong Bản án phúc thẩm gần 35 năm trước không hề nhắc đến tên ai cụ thể. Hơn nữa, bà Sòng - mẹ ông Kính là con út trong gia đình, nên không thể có “em gái” hay em trai gì cả.

Trên hết, khi thụ lý vụ án, TAND quận Hai Bà Trưng không chỉ ra được sự liên quan của bà Thái đối với “em gái” trong bản án, để thể hiện bà là người có đủ cơ sở pháp lý để có thể khởi kiện đòi quyền sử dụng đất trong vụ kiện này.

“Gia đình tôi nhận định, thời điểm đó bố mẹ tôi muốn giải quyết ly hôn cho xong, nên không quan tâm đến các tình tiết liên quan đến tài sản. Vả lại, gia đình tôi sử dụng mảnh đất ấy từ xưa, chẳng liên quan đến ai nên không nghĩ tới lại có ngày có người “nhảy vào” đòi đất của chúng tôi” - ông  Kính bức xúc phản ảnh.

Nguồn gốc nhà đất

Theo ông Kính, nhà đất số 471 – nơi bà Thái đang có hộ khẩu thường trú có nguồn gốc của bố mẹ ông là bà Nguyễn Thị Sòng (đã mất) và ông Hoàng Ngọc Trịnh (SN 1935) tạo lập. Theo đó, vào khoảng những năm 1961-1962 gia đình ông lên Hà Nội sinh sống đã mua lại của bà Nguyễn Thị Gái 1/2 nhà đất số 58 Vũ Đỗ Long (diện tích khoảng 16m2) rồi sau đó gia đình xin chuyển thành nhà đất số 60 Vũ Đỗ Long. Đến ngày 16/11/1962, gia đình ông nhập khẩu vào đây, do bà Sòng làm chủ hộ. Sau đó gia đình ông san lấp, cơi nới thêm một phần diện tích đất nữa làm thành nhà đất diện tích 26m2. 

Năm 1971, bà Phạm Thị Minh Thái (em họ bà Sòng) đến ở nhờ gia đình ông rồi sử dụng luôn phần diện tích đất này cho đến nay. Trong quá trình sử dụng, năm 1997 bà Thái mua thêm khoảng hơn 40m2 đất nữa. Lúc này, diện tích đất của nhà đất số 471 Trần Khát Chân tăng lên thành hơn 60m2 và bà Thái đã xây thành nhà 5 tầng. Ông Kính đã gửi đơn yêu cầu bà Thái trả lại phần diện tích đất đang sử dụng của gia đình ông đến chính quyền địa phương đề nghị giải quyết.

Về nhà đất số 473 Trần Khát Chân, ông Kính khẳng định đây là tài sản, là quyền sử dụng đất riêng của cá nhân ông. Theo đó vào khoảng năm 1974-1975, do những biến cố trong gia đình, được sự giúp đỡ của bạn bè, họ hàng, ông đã tiến hành cơi nới, san lấp ra hồ Ba Thành được khoảng 17m2 đất. Năm 1976 ông dựng nhà trên diện tích đất này và chuyển ra ở riêng. Năm 1989, ông Kính lấy vợ và gia đình ông sinh sống tại đây.

“Trong quá trình sử dụng đất tôi được ông Nguyễn Văn Trường, là hộ liền kề cho thêm một diện tích đất khoảng 6,5m2. Năm 1997, tôi đã phá nhà cũ để xây dựng căn nhà bê tông 1 tầng, 1 tum. Lúc này, UBND phường Thanh Nhàn đã lập biên bản về việc xây dựng và xác định nhà đất của tôi là “Do tư nhân tự quản, gia đình đã sử dụng từ lâu, không có tranh chấp khiếu kiện”. Đến năm 1999, gia đình tôi xây thêm thành nhà 5 tầng như hiện nay. Không hiểu liên quan gì mà bà Thái lại  kiện tôi ra TAND quận Hai Bà Trưng để đòi lại quyền sử dụng đất tại số 473 và cho rằng đất này là của bà Thái” - ông Kính nói.

Cũng theo ông Kính phản ảnh, một trong những điều khiến gia đình bị đơn phản ứng là cách thức thu thập lời khai trong quá trình thụ lý vụ án của cán bộ TAND quận Hai Bà Trưng: “Ngày 22/1/2018, Thẩm phán và Thư ký TAND quận Hai Bà Trưng đã đến nhà em trai tôi để lấy lời khai của bố tôi là ông Hoàng Ngọc Trịnh. Tuy nhiên, từ năm 2015 sức khỏe và trí nhớ của bố tôi đã bị suy giảm trầm trọng, không còn minh mẫn, bệnh viện điều trị xác định bố tôi đã bị sa sút tâm thần, bị teo não tuổi già. Hơn nữa, lúc đó chỉ có duy nhất bố tôi ở nhà, nhưng thẩm phán của tòa án vẫn tiến hành lấy lời khai của bố tôi qua khe cửa sắt đang khóa. Trước đó tôi cũng đã trao đổi với thẩm phán về tình trạng sức khỏe của bố tôi khi tòa có giấy báo mời ông đến làm việc” – ông Kính bức xúc kể. Sự việc trên đã được em trai ông Kính tiến hành lập vi bằng.

Theo ông Kính, Hội đồng định giá tài sản xác định đất tại số 473 Trần Khát Chân có giá 300 triệu đồng/m2, với căn cứ là “mức giá giao dịch trên thị trường” là vô lý. Bởi đất tại số 473 Trần Khát Chân chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa đủ điều kiện để Nhà nước công nhận là giao dịch hợp pháp nên không thể giải thích rằng đó là mức giá giao dịch trên thị trường được? Hơn nữa, ngày 15/1/2019 tiến hành định giá tài sản nhưng phải đến ngày 21/3/2019 tòa án mới có thông báo kết quả định giá và ngày 2/4/2019 mới giao thông báo cho tôi”, ông Kính cho biết. 

Đọc thêm