Hà Nội: Cấp sổ đỏ trên đất ở có tranh chấp tại xã Đông Dư, cần làm rõ vi phạm của cơ quan quản lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Căn cứ tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh, Công an huyện Gia lâm xác định ô đất số 06 khu Đầm Biển, xã Đông Dư có nguồn gốc là đất giãn dân mang tên ông Nguyễn Văn Thỉnh được anh Nguyễn Hữu Nhật  và Nguyễn Hữu Thất bán cho ông Lê Văn Thậm từ năm 2000. Ông Thậm xây dựng nhà ở và xưởng sản xuất sử dụng ổn định đến nay, nhưng không nhận được giấy tờ mảnh đất là do có sự vi phạm thỏa thuận của bên bán.
Đây là ô đất số 06 đang được gia đình ông Lê Hồng Sơn sử dụng từ năm 2000, nhưng Giấy chứng nhận QSD đất lại đứng tên ông Nguyễn Văn Thỉnh.
Đây là ô đất số 06 đang được gia đình ông Lê Hồng Sơn sử dụng từ năm 2000, nhưng Giấy chứng nhận QSD đất lại đứng tên ông Nguyễn Văn Thỉnh.

Theo đơn tố giác của Anh Lê Hồng Sơn (trú tại thôn 1 Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) gửi các cơ quan chức năng, năm 2000 bố ông là Lê Văn Thậm mua mảnh đất giãn dân tại ô số 06, tờ bản đồ số 321, diện tích 200m2 đất ở tại khu Đầm Biển, xã Đông Dư với giá 48 triệu đồng thông qua môi giới là ông Nguyễn Hữu Thất và ông Nguyễn Hữu Nhật (hiện giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Đông Dư) nhưng sau đó gia đình ông không được nhận giấy tờ của mảnh đất này.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết, sau việc thỏa thuận mua mảnh đất này, bố ông là Lê Văn Thậm đã chuyển đủ số tiền và nhận giao đất xây dựng nhà xưởng sử dụng ổn định và nộp thuế theo quy định trong nhiều năm và không có tranh chấp.

Tuy nhiên phía bên bán chây ỳ không giao giấy tờ, để sự việc kéo dài. Sau đó gia đình ông phát hiện mảnh đất của gia đình đang sử dụng lại được cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Nguyễn Văn Thỉnh vào năm 2004.

Ngay thời điểm đó, bố tôi Lê Văn Thậm đã làm đơn gửi đến các cấp chính quyền huyện Gia Lâm để khiếu nại về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Thỉnh trên diện tích đất của gia đình đang sử dụng. Đồng thời gia đình tôi đã có đơn tố giác đến Công an huyện Gia Lâm.

Theo kết quả xác minh của Công an huyện Gia Lâm, trước năm 2000, xã Đông Dư được UBND thành phố Hà Nội cấp đất làm khu giãn dân tại khu Đầm Biển, Hồng Hà, xã Đông Dư, Gia Lâm. Lúc đó anh Nguyễn Văn Thành là cán bộ Công an huyện có nhờ anh Nguyễn Hữu Nhật (Trưởng Công an xã) mua giúp mảnh đất giãn dân mang tên ông Nguyễn Văn Thỉnh, trú tại xóm 06, xã Đông Dư là bố vợ anh Nhật.

Anh Thành đã trả số tiền cho anh Nhật là 20 triệu đồng. Sau đó, anh Thành không có nhu cầu mua mảnh đất nói trên nên đã gặp anh Thất và anh Nhật đề nghị bán giúp và trả lại tiền cho anh. Sau đó có ông Nguyễn Văn Đức đưa ông Lê Văn Thậm đến xin mua suất đất mà anh Thành trả lại. Ông Thậm đã trả cho anh Thất số tiền 48 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng trả lại cho anh Thành, nộp vào ngân sách xã 14 triệu đồng, bồi dưỡng cho ông Nguyễn Văn Thỉnh 8 triệu đồng, còn lại 6 triệu đồng anh Thất giữ lại chi tiêu.

Theo xác định của Công an huyện Gia Lâm, sau khi anh Thất nhận tiền của ông Thậm, anh Thất đã đưa cho ông Thậm ký 3 bản hợp đồng chuyển nhượng và đưa cho anh Nhật để về đưa cho ông Thỉnh ký để làm thủ tục sang tên thửa đất nói trên cho ông Thậm. Sau đó UBND xã đã cử cán bộ địa chính và cán bộ Tư pháp xuống giao đất cho ông Thậm.

Gia đình ông Thậm đã xây dựng nhà ở và xưởng sản xuất sử dụng từ đó đến nay. Bản thân ông Thậm đã gặp ông Thất nhiều lần yêu cầu trả giấy tờ thửa đất và anh Thất đã yêu cầu anh Nhật trả giấy tờ cho ông Thậm nhưng anh Nhật cứ dây dưa không trả lại quyết định cấp đất và hồ sơ cho ông Thậm.

Để làm rõ đơn tố cáo của của ông Lê Văn Thậm (bố anh Lê Hồng Sơn), Công an huyện đã lấy lời khai của cán bộ địa chính xã Đào Phong Hải cho biết, sau khi có quyết định cấp đất giãn dân của UBND TP cho các hộ dân, anh được UBND xã giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ tư pháp đi cắm mốc giới giao đất cho các gia đình.

Khi đi cắm mốc giới có cả những hộ được cấp theo quyết định, đồng thời có cả các hộ chuyển nhượng ngay sau khi có quyết định. Việc giao đất cụ thể cho những ai thì anh không nhớ. Anh Hải biết việc ông Thậm mua thửa đất ô số 5 và số 6 và làm nhà xưởng sản xuất gốm sứ.

Được biết, ông Lê Văn Thậm (đã mất) và con trai là ông Lê Hồng Sơn đã có đơn đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai huyện Gia Lâm dừng mọi giao dịch liên đối với Giấy chứng nhận QSD đất số 659772 mang tên ông Nguyễn Văn Thỉnh được cấp năm 2004.

Đồng thời gia đình ông Lê Hồng Sơn đã có đơn gửi các cấp chính quyền huyện Gia Lâm làm rõ khuất tất trong việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất đối với ô đất trên, đồng thời đề nghị UBND xã Đông Dư giải quyết sự việc và UBND xã có kết luận không giải hòa được giữa 2 bên, vì phía gia đình ông Nguyễn Văn Thỉnh không hợp tác nên không có căn cứ để giải quyết nên UBND xã hướng dẫn gia đình ông Lê Hồng Sơn khởi kiện ra Tòa án.

Đến nay gia đình ông Lê Hồng Sơn đã khởi kiện ông Nguyễn Văn Thỉnh ra Tòa án và được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý theo Thông báo số 113/TB-TLVA về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất”.

Điều đáng nói, việc UBND huyện Gia Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không xác minh rõ về người sử dụng đất đã dẫn đến vụ việc tranh chấp này. Do vậy, UBND huyện và những công chức liên quan đến việc cấp sổ đỏ này cần phải bị xem xét trách nhiệm.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi thông tin vụ việc này.

Đọc thêm