Hà Nội: Chính quyền huyện Gia Lâm thờ ơ trước những khiếu nại của công dân

(PLVN) -  Trước những dấu hiệu khuất tất trong việc thu hồi đất, bồi thường để thực hiện Dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ việc mở rộng cơ sở sản xuất Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền huyện Gia Lâm, nhưng sau thời gian dài UBND huyện này vẫn không có văn bản trả lời nội dung khiếu nại của công dân.
Diện tích 434m2 của gia đình bà Phương được UBND xã xác nhận đất thổ cư, huyện cấp giấy chứng nhận sang đất trồng cây lâu năm

Từ năm 2018, UBND huyện Gia Lâm đã ký Thông báo thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Phương, thôn Dương Đanh, xã Dương Xá, với diện tích 434 m2 đất để thực hiện Dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ việc mở rộng cơ sở sản xuất Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam.

Sau đó, Trung tâm phát triển quỹ đất có Văn bản số 13 Hướng dẫn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án trên. Tuy nhiên, theo Hướng dẫn số 13, ngày 11/12/2018 thì hầu hết người dân nơi đây không đồng tình, vì cho rằng đây là Dự án mở rộng cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân về hỗ trợ, giá bồi thường.

Theo bà Nguyễn Thị Phương, thời điểm năm 2018, gia đình bà cũng nhiều lần đề nghị với UBND xã Dương Xá và Tổ công tác giúp việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ về việc chính quyền địa phương đứng ra thu hồi đất cho doanh nghiệp là không phù hợp, nhưng không được xem xét, giải quyết.

Cho đến năm 2019, mặc dù những kiến nghị của bà Phương vẫn chưa được UBND xã Dương Xá và Hội đồng giải quyết thỏa đáng, xong UBND xã vẫn thực hiện việc kê khai, kiểm đếm cây cối, hoa màu, công trình trên diện tích đất của gia đình bà.

Theo tài liệu, năm 2002 gia đình bà Phương mua lại diện tích đất 434m2 của ông Nguyễn Thanh Tú và được Chủ tịch UBND xã Dương Xá Dương Hải Quân xác nhận là loại đất thổ cư, tờ bản đồ số 11, số thửa đất 82 (2). 

Nhưng đến năm 2013, UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lại ghi số thửa đất 82 (1), tờ bản đồ số 11; thời hạn sử dụng 50 năm; đất trồng cây lâu năm. 

Được biết, Năm 2019, bà Phương đã đề nghị Chi nhánh đăng ký đất đai huyện Gia Lâm cung cấp dữ liệu về thửa đất số 82 (1). Tuy nhiên, Chi nhánh huyện Gia Lâm không có thông tin về quy hoạch sử dụng đất đối với thửa đất trên và thửa đất không có hạn chế về quyền.

Bà Phương trình bày, "trước những kiến nghị và khiếu nại của tôi đến nay đều chưa được chính quyền huyện Gia Lâm giải quyết, tôi vẫn đang đợi UBND xã Dương Xá và UBND huyện Gia Lâm trả lời về những dấu hiệu khuất tất trong việc chính quyền đứng ra thu thu hồi đất cho doanh nghiệp Stanley Việt Nam làm thương mại và đưa giá bồi thường không thực tế, rẻ mạt".

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm khẳng định, Trung tâm có ký hợp đồng với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam để thay doanh nghiệp thực hiện việc giải phóng mặt bằng cho nhanh tiến độ.

Được biết, ngày 15/3/2020, bà Nguyễn Thị Phương có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Gia Lâm và một số cơ quan có liên quan về phương án bồi thường, hỗ trợ không đúng với loại đất của gia đình và UBND huyện Gia Lâm triển khai dự án khi chưa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết từ năm 2016. Nhưng cho đến nay bà Phương vẫn chưa nhận được phản hồi từ UBND huyện Gia Lâm.

Thay vào đó, ngày 16/6/2020, UBND huyện Gia Lâm ra Quyết định về việc thu hồi 434m2 đất của gia đình bà Phương và Trung tâm phát triển quỹ đất liên tục gửi Thông báo cho bà Phương đến nhận tiền bồi thường. 

Dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ việc mở rộng cơ sở sản xuất Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam là Dự án thương mại, sản xuất, kinh doanh nên doanh nghiệp muốn lấy đất nông nghiệp, đất ở thì phải đứng ra thỏa thuận với người dân. Nhưng những khiếu nại của công dân bị chính quyền địa phương thờ ơ, không giải quyết thỏa đáng.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm