Từ thiết kế ban đầu chỉ 18 tầng nhưng đã được “thổi” thành 30 tầng gây nghi ngại về an toàn; nộp đủ tiền với giá thành một căn hộ nhưng chỉ được ký hợp đồng “góp vốn” và lại không được trở thành cổ đông; chung cư không thành lập Ban quản trị… là phản ánh của người dân tại tòa nhà văn phòng Ngọc Khánh Plaza. Tuy nhiên, những vấn đề này vẫn là “ẩn số” khi chủ đầu tư tòa nhà có biểu hiện bất hợp tác.
Tòa nhà văn phòng Ngọc Khánh Plaza
Liên quan đến tòa nhà này, Báo Công lý số 65 (1708) ra ngày 14/8/2019 đăng bài “Sự cố mất điện tại tòa nhà Ngọc Khánh Plaza: Cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan” nêu vụ việc: Giữa trưa ngày 12/8/2019, cư dân tòa nhà Ngọc Khánh Plaza (số 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình) náo loạn vì sự cố mất điện. Về sự cố này, theo bà Vũ Hồng Nhung, Trưởng Ban quản lý tòa nhà thì nguyên nhân do máy cắt của Điện lực Ba Đình bị sự cố nên không thể đấu nối vào hệ thống thang máy vận chuyển người và điện dân dụng. Bà Nhung cho biết, hệ thống điện của tòa nhà này đã được bàn giao cho Điện lực Ba Đình chịu trách nhiệm. Tuy nhiên do máy cắt hạ thế của Điện lực Ba Đình quá tải nên khi chạy máy phát điện của tòa nhà thì không cung cấp điện cho cầu thang cũng như tòa nhà mà chỉ cung cấp được cho thang hàng.
Về phía Điện lực Ba Đình, ông Nguyễn Sỹ Phong, Đội trưởng đội sửa chữa đang thực hiện nhiệm vụ sửa chữa tại tòa nhà Ngọc Khánh Plaza cũng khẳng định sự cố này là do máy cắt. Về hướng xử lý lâu dài, theo ông Phong thì phải thay máy cắt hạ thế còn đơn vị nào phải chịu trách nhiệm thay thì phải báo cáo lãnh đạo…Tuy nhiên cho đến nay, việc thay máy vẫn chưa được tiến hành.
Quá trình tìm hiểu về vụ cháy nêu trên, chúng tôi nhận được phản ánh đã có nhiều vấn đề tồn tại ở tòa nhà này. Cụ thể là từ thiết kế ban đầu chỉ 18 tầng nhưng đã được “thổi” thành 30 tầng gây nghi ngại về an toàn; người dân nộp đủ tiền với giá thành một căn hộ nhưng chỉ được ký hợp đồng “góp vốn” và không được trở thành cổ đông; chung cư không thành lập Ban quản trị; cầu thang máy đi thẳng vào căn hộ nhưng không lắp camera nên không đảm bảo an toàn…
Để làm sáng tỏ những thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với chủ đầu tư của tòa nhà. Theo bà Nhung thì hiện tòa nhà này có 2 chủ đầu tư là Công ty Vật tư & Dịch vụ kỹ thuật Hà Nội và Công ty CP Đông Dương. Phía Công ty Vật tư & Dịch vụ kỹ thuật Hà Nội, do lãnh đạo đi vắng, nhân viên đã tiếp nhận thông tin, lấy số điện thoại và hẹn sẽ liên hệ sau khi có ý kiến lãnh đạo nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm về lịch làm việc. Về phía Công ty CP Đông Dương, bà Đặng Kim Ánh- Trưởng phòng TCHC cho hay phải báo cáo lãnh đạo và sau đó yêu cầu chúng tôi đề xuất những vấn đề cần thông tin qua mail của công ty là tcth@indochina-invest.com để công ty này trả lời.
Ngày 22/8/2019, chúng tôi đã gửi mail theo địa chỉ hộp thư mà bà Ánh cung cấp và được hồi âm thư “Công ty chúng tôi đã nhận được”. Trong email ngày 22/8/2019, chúng tôi đã đề nghị được làm rõ một số vấn đề như sau:
“Cầu thang máy đi thẳng vào căn hộ nhưng không lắp camera nên không đảm bảo an toàn, người dân đề nghị nhiều nhưng hiện vẫn chưa lắp. Lý do?. Thiết kế ban đầu của tòa nhà là 18 tầng, sau thay đổi thành 30 tầng như hiện nay có bảo đảm an toàn không, cơ sở pháp lý nào?. Căn cứ pháp lý của việc giao căn hộ cho người dân: Chủ đầu tư bán hay người dân góp vốn để được sử dụng căn hộ?. Nếu góp vốn thì họ có được trở thành cổ đông không?. Hiện tại tòa nhà đã có rất đông các hộ dân ở nên theo quy định hiện hành thì Tòa nhà này có phải thành lập Ban quản trị không? ”
Sau đó, chúng tôi đã nhắn tin, gọi điện theo số máy 094…12 đề nghị hồi âm và bà Ánh đã tiếp nhận nhưng đã nửa tháng mà công ty này không hề hồi đáp.
Vậy là, những vấn đề mà người dân sống tại tòa nhà này băn khoăn, mong muốn được làm sáng tỏ từ nhiều năm, đến nay vẫn là “ẩn số” bởi sự im lặng từ phía chủ đầu tư tòa nhà. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan có thẩm quyền để làm rõ về mặt pháp lý những vấn đề mà người dân ở đây quan tâm.