Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn trong thi hành án hành chính

(PLO) - Công tác thi hành án hành chính (THAHC) trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan THADS quan tâm, chú trọng.
Hình minh họa

Hầu hết các vụ việc THAHC đã được cơ quan THADS ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với người phải thi hành án. Tuy nhiên, thực tiễn THAHC trên địa bàn Hà Nội còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Một trong những khó khăn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là do một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP nên việc triển khai, phổ biến Luật chưa đạt kết quả cao.

Việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án đôi lúc chưa kịp thời, sâu sát; vẫn còn trường hợp UBND quận, huyện không thông báo kết quả THAHC cho cơ quan THADS và TAND đã xét xử sơ thẩm.

Đáng chú ý, thực tế hiện nay cho thấy Tòa án hai cấp TP Hà Nội thụ lý, giải quyết ngày càng nhiều vụ án hành chính. Kể từ ngày 1/7/2016, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, số lượng vụ án hành chính do Tòa Hành chính, TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết tăng đột biến. Cụ thể, năm 2017 thụ lý mới 471 vụ; năm 2018 (tính từ 1/10/2017 đến 31/8/2018) thụ lý mới 697 vụ. Còn trước đó, khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2010, số lượng án hành chính thụ lý không nhiều. Năm 2015, thụ lý 246 vụ; năm 2016 thụ lý 144 vụ.

Tuy số lượng vụ án hành chính Tòa án các cấp thụ lý ngày càng nhiều nhưng số lượng bản án, quyết định của Tòa án chuyển cho cơ quan THADS để thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm theo dõi THAHC là rất ít. Trong 3 năm 2015, 2016 và 2017, các cơ quan THADS trực thuộc TP Hà Nội chỉ tiếp nhận và thụ lý, đôn đốc, theo dõi tổng số 20 bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trong đó, một số bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc tổ chức THAHC của các cơ quan, tổ chức cũng như công tác theo dõi án hành chính của cơ quan THADS. Mặt khác, hầu hết bản án, quyết định về hành chính liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau khi tòa tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng phải thực hiện lại trình tự, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức thương lượng, làm việc với người dân nên mất nhiều thời gian. Có trường hợp, UBND đã ban hành quyết định bồi thường mới nhưng người dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại kéo dài.

Một khó khăn khác phải kể đến là việc thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về các vụ án hành chính, người phải thi hành án đại đa số là Chủ tịch hoặc UBND cấp tỉnh, huyện và cấp phường, xã chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng gia tăng.

Thậm chí, có những địa phương, sau khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó Chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó Phó Chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào. Tại Hà Nội, trong 3 năm gần đây, TAND Hà Nội xét xử gần 200 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND tham gia tố tụng. 

Để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Tổng cục THADS cần kiến nghị xem xét quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính như quyết định phạt tiền hoặc xử lý hành chính nêu tên trên phương tiện truyền thông… Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

Tại các đơn vị, địa phương có số lượng vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài, cần tổ chức kiểm tra công tác THAHC nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, tránh tình trạng tồn đọng án hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giảm uy tín của cơ quan nhà nước và gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Đọc thêm