Ghi nhận từ phường Lê Đại Hành
Có mặt tại bộ phận tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới thấy hết cảnh đông đúc khi người dân đi làm các thủ tục hành chính. Căn phòng tầng 1 rộng chừng vài chục mét vuông của phường khi ấy mới là đầu giờ sáng nhưng đã chật kín người, chỉ chừa khoảng hơn một mét giữa lấy lối đi lại, còn lại hai bên đặt 2 cái bàn to, dài song song nhau để cán bộ ngồi làm việc. Phía trước cửa, hai hàng người đứng xếp hàng thẳng tắp trước máy photo liên tục in sao.
“Ở đây các cán bộ làm sao y, chứng thực không những làm tất cả các ngày từ thứ hai đến thứ sáu theo quy định của Nhà nước mà còn làm thêm cả sáng thứ bảy để giải quyết riêng việc chứng thực cho dân. Mỗi ngày phường chúng tôi sao y, chứng thực xấp xỉ 1.000 các loại văn bản giấy tờ cho người dân, số tiền nộp cho Nhà nước trung bình khoảng 3 triệu đồng” - ông Đặng Trần Phan, cán bộ tư pháp phường Lê Đại Hành nhẩm tính rồi cho biết.
Chị Nga, nhà ở Cầu Gỗ cho biết: “Tôi có mặt ở đây từ lúc 7h30 sáng để chờ được sao y, chứng thực hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh để kịp nộp cho trường mầm non, năm nay bé nhà tôi bắt đầu đi học. Tôi nghe người hàng xóm nói nếu không đến sớm thì sẽ phải chờ đợi rất lâu nên phải cố gắng thu xếp việc nhà để đi chứng thực”.
Lê Đại Hành là một trong những phường của quận Hai Bà Trưng và thành phố Hà Nội có số lượng người đến chứng thực giấy tờ lớn nhất. Bà Hoàng Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Người dân có nhu cầu đến làm các thủ tục hành chính thì chúng tôi không thể không làm. Mỗi ngày với 4 cán bộ tiếp nhận hồ sơ, rồi Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phường ngồi ký mà cũng không hết việc”.
Thực trạng chung?
Tại UBND quận Ba Đình, chị Nguyễn Thu Hương là kế toán một công ty xây dựng khệ nệ ôm một đống giấy tờ vừa photo, đang chờ tới lượt mình làm thủ tục sao y, giọng mệt mỏi nói: “Giấy gì người ta cũng bắt có chứng thực! Bên cơ quan yêu cầu giấy tờ sao y, chứng thực thì chúng tôi sao dám yêu cầu ngược lại rằng chỉ cần photo bản sao và cầm bản chính đi đối chiếu là được? Tháng nào ít nhất tôi cũng “được gặp” các anh chị ở UBND quận Ba Đình này đôi lần. Tại quận Ba Đình, các cán bộ làm nhanh nên ngay trong sáng hay cùng lắm là chiều lấy được luôn giấy tờ, chứ một số phường, quận khác phải đến ngày hôm sau mới lấy được”.
Tại UBND quận Cầu Giấy, anh Tấn đang gấp rút chứng thực sổ đỏ và sổ hộ khẩu gia đình nộp gấp cho cơ quan Thuế để công ty anh kịp giao hóa đơn cho khách, anh ngán ngẩm cho biết: “Mấy ngày hôm nay tôi cứ chạy đến cơ quan Thuế rồi về UBND quận Cầu Giấy, mỗi lần đến cơ quan thuế là họ bảo thiếu một thứ. Không biết bao giờ tôi mới xong mấy khoản giấy tờ này, thấy mệt và đau đầu quá!”.
Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã quy định rõ: “Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính”.
Mới đây nhất, ngày 20/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực vẫn bị lạm dụng ở nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có Hà Nội. Việc làm này không những gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội mà còn tạo áp lực, quá tải đối với UBND cấp quận, huyện, cấp xã, phường trong công tác chứng thực. Một bộ phận công chức, viên chức khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính do tâm lý ngại đối chiếu, sợ trách nhiệm nên đã yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực mà không tiếp nhận bản sao để tự đối chiếu với bản chính.
“Phải tuyên truyền rộng rãi Chỉ thị 17 đến người dân và các cơ quan chức năng để mọi người biết và tuân thủ nghiêm. Quan trọng nhất, đó là nơi nhận hồ sơ, giấy tờ không được đòi hỏi bản sao có chứng thực mà chỉ cần yêu cầu người dân đem bản chính đến để đối chiếu. Nếu nơi nào thực hiện không nghiêm, cần có biện pháp xử lý” - bà Hoàng Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành nhấn mạnh.
Đây cũng là ý kiến của nhiều cơ quan hành chính cấp cơ sở (quận, huyện, xã phường). Bởi lẽ, việc tiếp nhận hồ sơ nhất thiết phải có sao y bản chính không những khiến người dân tốn kém, mệt mỏi mà còn tạo gánh nặng cho cơ quan nhà nước trong điều kiện công việc nhiều, biên chế lại có hạn.