Hà Nội: Cung Thiếu nhi bị phản ánh chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định

(PLVN) - Hơn 10 năm qua, chị Đỗ Thị Hòa và anh Nguyễn Doãn Thịnh là nhân viên Văn phòng Tổng hợp, có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với Cung Thiếu nhi Hà Nội (trực thuộc Thành đoàn Hà Nội). Ngày 1/1/2021 vừa qua, hai người này nhận được Quyết định (QĐ) chấm dứt HĐLĐ do ông Lê Quang Đại, GĐ Cung Thiếu nhi ký, lý do tinh giản biên chế và HĐLĐ năm 2020.
Anh Thịnh, chị Hòa phản ánh sự việc với PV.

Chị Hòa, anh Thịnh cho rằng Cung Thiếu nhi đã có dấu hiệu vi phạm trong quá trình xây dựng và thực hiện Đề án về cơ cấu, tổ chức bộ máy và vị trí việc làm Cung Thiếu nhi, giai đoạn 2020-2025. Ban GĐ đã không thực hiện quyền tham gia ý kiến của viên chức, người lao động (NLĐ) theo Điều 7 Nghị định 04/2015/NĐ-CP và Quy chế dân chủ của Cung Thiếu nhi, mà chỉ thông báo NLĐ biết khi sự việc đã rồi. 

Theo Kế hoạch số 03 KH/CTN - TCHC ngày 26/8/2020 của Cung Thiếu nhi quy định: “Các phòng, khoa căn cứ vị trí việc làm tại phòng, khoa mình tiến hành họp cán bộ, rà soát, phân loại cán bộ, viên chức, NLĐ và đề xuất nhân sự với Ban Chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và vị trí việc làm cơ quan”. 

Chị Hòa, anh Thịnh cho rằng họ và nhiều viên chức, NLĐ của Cung không được tham gia họp rà soát, phân loại, đề xuất nhân sự thuộc diện tinh giản biên chế hoặc chấm dứt HĐLĐ, vi phạm quy trình trong Kế hoạch 03. “Cuộc họp sáng 24/9/2020 với toàn thể cán bộ, NLĐ không có nội dung rà soát, đánh giá viên chức, NLĐ. Cuộc họp chiều ngày 24/9/2020 để rà soát, phân loại viên chức, NLĐ lại thiếu thành phần quy định tại Kế hoạch số 03”, chị Hòa, anh Thịnh nói.

Cung cũng bị phản ánh không thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo Điều 44, Điều 46 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ). Đó là không xây dựng phương án sử dụng lao động (SDLĐ) theo quy định; không lấy ý kiến Công đoàn cơ sở về phương án SDLĐ; không gửi phương án SDLĐ cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trước 30 ngày.

Chị Hòa và anh Thịnh còn cho rằng, mặc dù đang điều trị ốm đau nhưng Cung vẫn đơn phương cho chấm dứt HĐLĐ. Việc làm này là trái khoản 1 Điều 7 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giảm biên chế, quy định: “Những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền” thuộc trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế. Khoản 1 Điều 39 BLLĐ 2012 cũng quy định, NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với trường hợp: “NLĐ ốm đau… đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh…”. 

Trao đổi với PV về vấn đề trên, đại diện lãnh đạo Cung cho biết, anh Thịnh, chị Hòa nằm trong bộ phận dịch vụ, từ năm 2018 đến nay không có việc làm, cơ quan vẫn phải trả lương trong vòng 2019, 2020. Tình thế này buộc Cung phải rà soát, tinh giản những bộ phận lao động dôi dư và anh Thịnh, chị Hòa nằm trong diện dôi dư.

“Về quy trình, Cung thực hiện theo đúng Đề án về nhân sự tinh giản đã được cấp trên là Thành đoàn phê duyệt. Cung thành lập Ban Chỉ đạo rà soát bao gồm 11 người, là lãnh đạo các bộ phận. Công đoàn đã gặp gỡ toàn bộ NLĐ để thông báo tình hình thực tế của Cung, cơ quan cũng có động viên NLĐ xin chuyển công tác, hoặc giới thiệu vị trí việc làm ở những đơn vị khác...”, vị này lý giải.

Về việc anh Thịnh, chị Hòa cho rằng mình không thuộc trường hợp không xem xét tinh giản, đại diện Cung cho biết: Cung áp dụng khoản b Điều 38 BLLĐ 2012 là NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp: “NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục… mà khả năng lao động chưa hồi phục”.

“Theo quy định trên, bà Hòa điều trị u não từ năm 2017 và Cung vẫn chi trả lương, tạo điều kiện điều trị từ 2017 - 2020. Áp vào luật qua 12 tháng rất lâu rồi”, đại diện Cung nói.

Về phía chị Hòa, anh Thịnh, vẫn cho rằng đó là những phản hồi thiếu thuyết phục, chưa hợp lý, thiếu căn cứ pháp luật; nên kiến nghị Thành đoàn, cơ quan chức năng làm rõ sự việc để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Đọc thêm