Hà Nội cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tinh thần tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án nhưng Phó Chủ tịch Hà Nội cũng cương quyết, các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi.
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Sáng 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố và nhóm vấn đề thứ 2 là thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát; bảo đảm công tác an sinh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kinh tế tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì tăng trưởng và có một số chuyển biến tích cực so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đặt ra, cần được xem xét, giải trình làm rõ, từ đó xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về việc thúc đẩy các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, trong những năm qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được thành phố rất quan tâm. thành phố đã thực hiện nhiều nội dung thu hút đầu tư ngoài ngân sách và triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa đến phát triển các khu đô thị, phát triển nhà ở… từ đó góp phần hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thu hút nguồn lực để phát triển thành phố và từng bước giúp bộ mặt đô thị thêm khang trang, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ ra vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Có những dự án đã được Hội đồng nhân dân thành phố giám sát, tái giám sát nhưng vẫn còn chuyển biến chưa nhiều, cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Hà Nội có thể ghi nhận tới 1.000 ca/ngày

Trả lời chất vấn một số vấn đề thuộc nhóm 1, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Từ 11/10, số ca mắc tăng cao và với tình hình này, có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, tỷ lệ tiêm chủng vaccine 2 mũi hiện nay tại Hà Nội trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở. Với quyết tâm tập trung của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chủ động, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Biến chủng mới Omicron xuất hiện ở Nam Phi, đã ghi nhận ở nhiều nước, có khả năng lây lan cao hơn Delta. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine có thể bảo vệ được người dân đã tiêm chủng trước biến chủng này. Dù chưa ghi nhận trong cộng động, nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giải trình gen những trường hợp nghi ngờ; kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng này.

Trả lời câu hỏi về giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đã tăng cường tổ chức tập huấn cho lực lượng y tế, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh phía nam để điều trị các bệnh nhân nặng. Hà Nội cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, theo các cấp độ, theo các triệu chứng chuyển tầng.

Thành phố cũng đã quyết định trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp điều trị F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà, giao y tế cơ sở tiếp cận từng hộ gia đình...

Chủ trương này cho thấy phù hợp nguyện vọng người dân, y tế cơ sở cùng các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ chức đoàn thể cơ sở… rất chủ động tiếp cận. “Chúng tôi cũng cần những lực lượng hỗ trợ ngành Y tế trong lúc ngành đã bị quá tải. Tuy nhiên cũng cần sự giám sát chặt chẽ để quản lý F1 hay điều trị F0 tại nhà, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”, bà Hà cho hay.

Dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện sẽ thu hồi

Tại phiên chất vấn các vấn đề nhóm 2, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, về việc thực hiện tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố từ năm 2017 đến nay, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn dự án là hơn 548 nghìn tỷ đồng. Đến nay đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng việc triển khai các dự án còn chậm do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thay đổi Luật đầu tư. Trên cơ sở đó, thành phố yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án. Trong quá trình tổ chức, việc xử lý vi phạm của các nhà đầu tư như vi phạm công tác phòng cháy, chữa cháy, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính…

Về giải pháp, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, các bộ ngành đã kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư, Nhà ở, Đất đai để có thể triển khai được các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Sở cũng tham mưu thành phố các giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục liên thông giữa các sở ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình thủ tục. Ngoài ra, Sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp, để đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân.

Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn về dự án chậm triển khai.

Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn về dự án chậm triển khai.

Tham gia trả lời chất vấn về các dự án chậm triển khai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết 383 dự án trước kia Hội đồng nhân dân thành phố đã có ý kiến, hiện nay các sở, ngành quận huyện tiếp tục triển khai thực hiện.

Đối với 61 dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh, có nguyên nhân chính là do khi sáp nhập 2008, thành phố tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra còn do công tác giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ, năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.

“Sở Tài nguyên và Môi trường lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng. Các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi”, ông Cương nhấn mạnh.

Đọc thêm