Hà Nội: Dân vẫn bất an với công tác PCCC tại các khu nhà tái định cư

(PLO) - “Trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) của lãnh đạo UBND TP là như thế nào? Đặc biệt với những khu nhà tái định cư là nơi dành cho những người bị thu hồi đất phục vụ dự án lớn của thành phố, nhưng đời sống của người dân không được đảm bảo về PCCC”. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) bày tỏ quan điểm trong phiên chất vấn tại Kỳ họp HĐND TP Hà Nội, hôm qua (2/8).
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội giải trình chất vấn của các ĐB.
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội giải trình chất vấn của các ĐB.

ĐB Nam cho rằng, theo số liệu báo cáo của UBND TP thì tại các khu nhà tái định cư thành phố đã có tủ phòng cháy, thiết bị báo cháy… nhưng thực tế, ngay trong tháng 7/2016, Ban Pháp chế đi giám sát công tác PCCC tại Đền Lừ và Mễ Trì là hai khu tái định cư của thành phố thì những tồn tại trong kết luận tại kỳ giám sát và chất vấn trước đã nêu ra vẫn chưa được khắc phục, không đạt yêu cầu.

Cụ thể, bơm chữa cháy có nhưng hỏng, không có hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy không hoạt động, máy phát điện trong hầm để xe các tòa nhà không có biện pháp cách ly, không có phương tiện dập cháy nếu xảy ra sự cố, không có thang cứu hộ cứu nạn…

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, 6 tháng đầu năm 2016, tuy số vụ cháy trên địa bànthành phố đã giảm hơn so với cùng kỳ nhưng số người chết và thiệt hại về tài sản thì không giảm, với 2 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.

Trước số liệu trên, ĐB Nguyễn Bích Thủy (Cầu Giấy) cho rằng, công tác khắc phục chưa được triệt để. Cảnh sát PCCC đã lập nhiều biên bản kiểm tra đối với các cơ sở vi phạm, nhưng đến nay không được xử lý. “Vậy trách nhiệm xử lý sau kiểm tra, thanh tra của lực lượng PCCC thành phố được thực hiện như thế nào? Các công trình được nghiệm thu về PCCC còn thấp, tại sao vẫn có nhiều công trình đi vào hoạt động?”, ĐB Thủy thắc mắc.

Giải trình chất vấn của các ĐB, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, Thành uỷ, HĐND, UBND TP đã dành nhiều công sức chăm lo cho công tác này cả về cơ sở vật chất, con người, điều kiện làm việc, từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập về công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô. 6 tháng qua, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã xử phạt hơn 3,6 tỷ đồng đối với những cơ sở vi phạm.

Liên quan đến những tồn tại ở các khu nhà tái định cư, Tướng Định cho rằng đây là “tồn tại lịch sử”. Nếu khắc phục về vấn đề tuyên truyền, huấn luyện, treo nội quy hướng dẫn thì lực lượng Cảnh sát PCCC làm được nhưng tất cả những vấn đề còn lại liên quan đến mua sắm thì cần kinh phí.

Đề cập đến trách nhiệm để tồn tại, đi vào hoạt động những toà nhà không có giấy chứng nhận nghiệm thu về PCCC, Tướng Định cho rằng, ngoài phần lỗi trước tiên thuộc về người dân, chủ doanh nghiệp thiếu ý thức trách nhiệm, còn liên quan đến kinh phí đầu tư và nhiều kẽ hở trong cơ chế quản hiện nay, khiến các cơ quan quản lý cho người dân vào ở các toà nhà đã được nghiệm thu mà chưa có giấy nghiệm thu về PCCC.  

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, ông Định cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm, lực lượng PCCC chưa thực sự làm hết trách nhiệm, chưa thúc đẩy được việc nghiêm túc chấp hành trong công tác PCCC.

Giải trình thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, tại phiên họp của UBND thành phố, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn đề này. Về trách nhiệm, đối với các chủ đầu tư vi phạm, UBND TP chỉ đạo phải cưỡng chế thực hiện, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý; cơ quan PCCC, nếu không thực hiện nghiêm túc cũng sẽ bị xử lý.

Đọc thêm