Hà Nội: Dấu hiệu “chống lưng” cho doanh nghiệp chiếm dụng đất công, xây dựng nhiều công trình trái phép tại xã Tiên Dương

(PLVN) - Đại diện UBND xã Tiên Dương khẳng định, “vì vượt quá thẩm quyền xử lý, xử phạt, cưỡng chế nên UBND xã đã có không ít lần Báo cáo lên UBND huyện Đông Anh, đề nghị chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xử lý Công ty TNHH bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương về hành vi vi phạm chiếm dụng gần 6.000 m2 đất công của Nhà nước để xây dựng công trình và xây dựng trạm trộn bê tông trái phép”.
Trụ sở UBND xã Tiên Dương

Từ năm 2017 cho đến nay, ông Phan Văn Hiến (thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) đã chiếm dụng gần 6.000 m2 đất công của Nhà nước để sử dụng xây dựng trạm trộn bê tông và xây dựng một số công trình trái phép. Nhưng các cấp chính quyền huyện Đông Anh không xử lý, gây bức xúc cho người dân.

Để cho những vi phạm tồn tại kéo dài, trước hết phải kể đến trách nhiệm của UBND xã Tiên Dương đã không ngăn chặn, xử lý kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước, dẫn đến, để cán nhân, doanh nghiệp vi phạm lớn đến mức vượt thẩm quyền xử lý.

Đáng nói, cấp dưới và đơn vị chuyên trách để vi phạm quản lý đất đai, xây dựng nghiêm trọng, trong thời gian dài, gây ảnh hướng xấu đến dư luận, nguồn thu thuế của nhà nước, nhưng lại không được cơ quan cấp trên huyện Đông Anh xem xét, xử lý dẫn đến vi phạm phức tạp, khó giải quyết.

 Hàng nghìn m2 đất công của Nhà nước bị chiếm dụng nhưng chính quyền địa phương "bất lực"

Người dân ở xã Tiên Dương vô cùng bức xúc về việc, trạm trộn bê tông của Công ty TNHH bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương do ông Phan Văn Hiến làm giám đốc, hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường sống; vận chuyển làm rơi, vãi vật liệu ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trong thời gian dài. 

Trước đó, UBND xã cho ông Phan Văn Hiến thuê gần 6.000 m2 đất này không đúng thẩm quyền nhưng đã hết hạn và đã được UBND xã thanh lý hợp đồng từ năm 2017. Từ đó ông Hiến không chịu trả đất và tự biến gần 6.000m2 đất nông nghiệp thành những công trình xây dựng trái phép và trạm trộn bê tông hoạt động trái phép.

Theo tài liệu, UBND xã Tiên Dương đã lập không ít biên bản vi phạm đối với ông Hiến từ năm 2017 và đề nghị doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng mọi yêu cầu của chính quyền xã chỉ nằm trên giấy, không được thi dẫn đến cá nhân, doanh nghiệp coi thường tính nghiêm minh của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương cho biết, “UBND xã đã nhiều lần lập biên ban vi phạm đối với ông Phan Văn Hiến, giám đốc Công ty Bình Dương và báo cáo lãnh đạo UBND huyện Đông về tình trạng Công ty Bình Dương chiếm dụng đất trái phép của nhà nước, xây dựng trạm trộn bê tông, xây dựng một số công trình trái phép và UBND huyện cũng đã có chỉ đạo rồi nhưng chưa làm tới”.

Gần 6.000m2 đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý nay bị doanh nghiệp chiếm dụng, xây dựng nhiều công trình trái phép 

Hiện trạng trạm trộn bê tông và một số công trình được xây dựng trái phép hiện nay, trước đây là đất nông nghiệp do UBND xã Tiên Dương quản lý.

Năm 2011, UBND xã đã ký hợp đồng cho ông Phan Văn Hiến thuê gần 6.000 m2, mục đích sử dụng theo hiện trạng trồng cây hàng năm với thời hạn 5 năm. Đến năm 2017, UBND xã Tiên Dương đã có biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, ông Phan Văn Hiến vẫn không chịu trả đất cho UBND xã Tiên Dương mà “cố thủ” chiếm giữ diện tích đất trên để xây dựng trạm trộn bê tông và một số công trình trái phép.

“Ông Phan Văn Hiến, giám đốc Công ty Bình Dương không chấp hành xử lý những vi phạm, coi thường những yêu cầu, đề nghị của UBND xã, trong nhiều năm chiếm dụng hàng nghìn m2 đất trái phép để sử dụng kinh doanh, sản xuất thu giá trị tiền lớn, nhưng UBND xã cũng không thu được một đồng thuế nào”, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương than thở.

Lạ lùng thay với những sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp lớn như vậy mà chính quyền huyện Đông Anh vẫn không “dám đụng” là lý do gì. Dư luận và người dân đang rất cần câu trả lời từ lãnh đạo UBND huyện Đông Anh.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đọc thêm