Mâu thuẫn thường xuyên
Theo nội dung vụ án, gia đình bà Điệp và ông Đỗ Văn Phong (sinh năm 1963) là hai hộ kinh doanh liền kề với nhau tại quốc lộ 21b, thị trấn Vân Đình. Gia đình bà Điệp và ông Phong thường xuyên có mẫu thuẫn với nhau. Năm 2017, mâu thuẫn giữa bà Điệp và ông Phong trở nên căng thẳng. Ông Phong dùng bơm xe gây thương tích cho bà Điệp. Với hành vi trên, năm 2018, ông Phong bị TAND thành phố Hà Nội kết án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Dẫu tưởng với sự phán xử của pháp luật, mâu thuẫn của ông Phong và gia đình bà Điệp được giải quyết. Thế nhưng, đến sáng 22/5/2020, khi con trai bà Điệp là anh Nguyễn Văn Thìn dọn hàng ra trước cửa hàng để bán thì ông Phong chửi bới và lao vào đánh.
Đúng lúc này, bà Điệp đang quét dọn lòng đường trước cửa hàng, thấy con trai mình liên tục bị đánh thì lao vào căn ngăn. Bà Điệp liền dùng xẻng hót rác hất cát, bụi vào người ông Phong, cầm xẻng hót rác đánh và ném vào người ông Phong.
Sau khi được mọi người xung quanh và ông Nguyễn Văn Đỗ (chồng bà Điệp) can ngăn, vụ xô xát mới dừng lại. Ngay sau đó, Công an thị trấn Vân Đình đã tới hiện trường, thu thập chứng cứ và lập biên bản sự việc. Sau quá trình điều tra, ngày 10/6/2020, Công an huyện Ứng Hoà ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Điệp.
Ngày 29/10/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ứng Hoà ra bản cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Điệp theo điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS 2015.
Ngày 29/3/2021, TAND huyện Ứng Hoà căn cứ điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS 2015, tuyên phạt bà Nguyễn Thị Điệp 30 tháng tù giam.
Cho rằng Bản án số 14/2021/HS-ST ngày 29/3/2021 của TAND huyện Ứng Hoà là không khách quan, có nhiều khuất tất, nhiều điểm chưa được làm rõ, có dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm, bà Điệp làm đơn kháng cáo và kêu oan gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét.
Nhiều điểm còn chưa được làm rõ
Theo lời kêu oan của bà Điệp, việc TAND huyện Ứng Hoà kết án bà theo điểm d khoản 2 Điều 134 BLHS 2015 là trái quy định. Bà Điệp cho rằng, thương tích 14% ở mắt của ông Phong không phải do hành vi của bà gây ra. Bởi lẽ, trong quá trình và sau khi xảy ra xô xát, ông Phong không hề có biểu hiện bị thương tích ở mắt. Cụ thể, theo Biên bản làm việc của Công an thị trấn Vân Đình (Bút lục số 82) được lập lúc 9h ngày 22/5/2020 ngay sau khi xảy ra sự việc cãi vã, xô xát giữa ông Phong và gia đình bà Điệp thể hiện rõ “Không ghi nhận thương tích của ai”.
Bên cạnh đó, theo Biên bản làm việc giữa Công an thị trấn Vân Đình và Bệnh viện Đa khoa Vân Đình ngày 22/5/2020 ghi rõ: “Đỗ Văn Phong nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, G – 15 điểm, đau vùng thái dương trái, không sưng nề, xây xước nhỏ vùng ngực và cánh tay phải, cắt lớp vi tính sọ não chưa phát hiện tổn thương. Chẩn đoán ban đầu bệnh nhân tổn thương phần mềm và vùng đầu, ngực, ngoài ra không ghi nhận thương tích gì khác”.
Giấy ra viện ngày 2/6/2020 của Bệnh viện Vân Đình thể hiện Đỗ Văn Phong nhập viện ngày 22/5/2020 và ra viện ngày 2/6/2020. Chẩn đoán: Đa chấn thương phần mềm.
Cùng với các tài liệu trên, toàn bộ diễn biến vụ việc xô xát được camera gia đình bà Điệp ghi lại và giao nộp cho Toà án. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, không có dấu vết cắt, ghép, chỉnh sửa nội dung hình ảnh trong các file video.
Theo hình ảnh trong video trên, sau khi bị bà Điệp hất cát, bụi vào người, ông Phong không có hành vi, phản ứng tự nhiên, biểu hiện bị bụi, cát bay vào mắt. Ông Phong vẫn liên tục lao vào đánh anh Thìn và bà Điệp.
Chứng kiến sự việc xô xát, nhiều nhân chứng cũng cho biết sau khi xảy ra xô xát, ông Phong vẫn bán hàng, giao hàng một cách bình thường. Bà Doãn Thị Hồng - chủ quán bán thịt lợn đối diện cửa hàng ông Phong và bà Điệp cho biết: “Khi xảy ra xô xát, tôi đứng bán thịt phía đối diện bên đường, tôi thấy ông Phong đánh cháu Thìn, bà Điệp đang quét dọn thì cầm xẻng hất vào người ông Phong. Sau khi xô xát dừng lại, ông Phong vẫn chở chum cho khách hàng bình thường”.
Theo bà Điệp, việc ông Phong nằm viện gần 10 ngày, được bệnh viện cho về và không ghi nhận thương tích ở mắt đã được thể hiện rõ trong các bút lục của vụ án. “Tuy nhiên, không hiểu vì sao kết luận giám định pháp y thương tích của ông Phong lại xác định thương tích tại mắt trái lên tới 15%. Thương tích này từ đâu ra? Do ai gây ra? Từ bao giờ? Phải chăng do ông Phong bị bệnh lý từ trước?” - bà Điệp nêu thắc mắc.
Bà Điệp đặt nghi vấn: Tại Bút lục 45 là tờ điều trị chính của bác sỹ Phạm Văn Huế xác nhận ngày 22/5/2020, bệnh nhân chấn thương đầu, ngực vào viện ngoài ra chưa phát hiện tổn thương khác. Ngày 23, 24/5/2020 diễn biến bệnh không có gì. Những ngày điều trị sau đó cũng không đề cập đến việc điều trị mắt, các thuốc điều trị cũng không có thuốc điều trị mắt. Thế nhưng, tại tờ điều trị, ngày 25/5/2020, có phần chữ ghi nội dung đau chói mắt trái, chỉ định khám khoa mắt của bác sỹ Quách Trọng Huế trái ngược với chính cung cấp của bác sỹ này tại Bút lục 21. Phần chữ này không bình thường, phải chăng nó được ghi thêm vào sau đó? Phải chăng hồ sơ bệnh án đã bị sửa chữa lại?
Có dấu hiệu vi phạm tố tụng?
Bên cạnh việc Bản án chưa làm rõ nhiều tình tiết quan trọng, bà Điệp còn cho rằng, Bản án còn nhiều thiếu sót, có dấu hiệu vi phạm tố tụng và bỏ lọt tội phạm.
Cụ thể, bà Điệp cho rằng, TAND huyện Ứng Hoà đã không xem xét đến lỗi của bị hại là ông Phong trong vụ việc. Theo đó, việc ông Phong hành hung con trai bà là anh Thìn mới là nguyên nhân dẫn đến sự việc.
Theo chứng cứ trong vụ án là clip của gia đình bà Điệp ghi lại, toàn bộ việc hành hung anh Thìn của ông Phong xảy ra tại mặt quốc lộ 21b. Vị trí anh Thìn bị hành hung là trước cửa nhà, gần chợ cóc địa phương và ngay sát ngã ba trung tâm thị trấn Vân Đình. Sự việc ông Phong hành hung anh Thìn gây sự thu hút của hàng chục tiểu thương và người dân tham gia giao thông khi đi qua khu vực.
Mặc dù thương tích của anh Thìn là 0%, nhưng việc ông Phong hành hung anh Thìn có đủ dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND huyện Ứng Hoà lại không xem xét đến vấn đề này.
Cùng với đó, bà Điệp cho rằng, TAND huyện Ứng Hoà đã thiếu sót khi không xác minh, xem xét tới những người làm chứng như bà Hồng. “Việc lấy lời khai của người làm chứng là bước quan trọng để chứng minh tội phạm, thế nhưng, TAND huyện lại “bỏ qua” vấn đề này”, bà Điệp nói.
Ngoài ra, bà Điệp còn cho rằng, hành vi hất cát, bụi vào ông Phong chỉ là hành vi phòng vệ chính đáng, trong lúc bị kích động tinh thần vì hành vi trái pháp luật của ông Phong với con trai bà là anh Thìn. Việc ông Phong thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình bà Điệp, thậm chí là hành hung, gây thương tích nặng cho bà Điệp đã từng xảy ra. Khi nhìn thấy con bị đánh, bà Điệp buộc phải có hành vi đáp trả để ngăn chặn hành vi tấn công hung hăng của ông Phong.
“Nhưng TAND huyện Ứng Hoà lại cho rằng tôi “Cố ý gây thương tích” cho ông Phong là không chính xác. Ông Phong to lớn, tôi thì thấp bé chỉ 40kg, làm sao tôi có thể chống đỡ hành vi tấn công liên tục của ông Phong. Kể cả tôi có hất cát vào người ông Phong, ông ấy vẫn liên tục lao vào đánh đấm con tôi và tôi. Hành vi hất cát, ném xẻng vào người ông Phong là hành vi chính đáng, không phải là phạm tội”, bà Điệp nói.
Được biết, bà Điệp đã làm đơn kháng cáo gửi tới TAND thành phố Hà Nội để tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật. Gia đình bà Điệp cũng như hàng trăm người dân tại thị trấn Vân Đình đang mong chờ phán xét khách quan, chính đáng của cơ quan có thẩm quyền, để không bỏ lọt tội phạm và làm oan sai người vô tội.