Hà Nội: Một hộ dân bị “làm khó” khi cấp sổ đỏ?

(PLO) - Báo PLVN đã phản ánh việc bà Kiều Thị Thành (trú tại cụm 1, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với diện tích đất của gia đình sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ những năm 1990. Nhưng suốt một thời gian dài, bà Thành vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Thửa đất của gia đình bà Thành đề nghị được cấp sổ đỏ
Thửa đất của gia đình bà Thành đề nghị được cấp sổ đỏ

Đủ điều kiện nhưng không được cấp?

Bà Thành cho biết, năm 1990, Quỹ tín dụng nhân dân xã Sen Chiểu bị vỡ nợ, không có khả năng thanh toán tiền gửi của bà. Một năm sau, UBND xã đã giao cho gia đình bà thửa số 144, tờ bản đồ số 13 cụm 4 (diện tích 597,5m2) để đối trừ vào số tiền gia đình bà gửi tại quỹ. Sau khi được giao đất, gia đình bà tôn tạo đất và năm 1992 thì xây dựng nhà ở kiên cố và sử dụng ổn định, liên tục chưa bao giờ bị xử phạt vi phạm về sử dụng đất đai cũng như về xây dựng.

Năm 2004, gia đình bà kê khai, nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ gửi UBND xã. Tuy nhiên, Hội đồng xét duyệt xã Sen Chiểu lại cho rằng, đất của gia đình bà Thành cần phải áp dụng theo Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 23/11/2001 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) “quy định tạm thời xử lý một số vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai” và Công văn số 199 của Sở Địa chính tỉnh Hà Tây (cũ) để làm căn cứ xét đủ điều kiện cấp sổ đỏ, theo đó gia đình bà chỉ được cấp sổ đỏ với diện tích 200m2 và phải nộp 100% giá đất.

“Đất có nguồn gốc và thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình tôi, được sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ những năm 1990, nộp thuế sử dụng đất ở theo quy định từ năm 1992 đến năm 2004, đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, việc xét duyệt hồ sơ xin cấp sổ đỏ của gia đình tôi đã không được UBND xã chấp nhận”, bà Thành cho biết.

Cũng theo bà Thành, tháng 12/2015 gia đình bà tiếp tục làm hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ nhưng gửi UBND xã Sen Chiểu không xét duyệt và cho rằng đất của gia đình bà không đủ điều kiện cấp sổ đỏ do nguồn gốc đất nhận giao thầu của UBND xã trong thời hạn 20 năm (kể từ 30/11/1991 đến 30/11/2011. Cho rằng đánh giá như vậy là suy diễn, không có căn cứ, bà Thành đã gửi hồ sơ xin cấp sổ đỏ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND huyện Phúc Thọ, đề nghị giải quyết việc công nhận quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ của gia đình.

Chính quyền “né tránh”?

Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp sổ đỏ của gia đình bà Thành, Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Phúc Thọ đã có Văn bản số 42/TB-TNMT ngày 14/10/2016 về việc luân chuyển hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Thành cho UBND xã Sen Chiểu để xác minh, thẩm định nguồn gốc đất.

Ngày 10/11/2016, Phòng TNMT huyện Phúc Thọ có Thông báo số 43/TB-TNMT “Về việc trả lại hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất” của hộ bà Thành, nội dung: Ngày 27/10/2016, UBND xã Sen Chiểu có Báo cáo số 34/BC-UBND về kết quả xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của hộ bà Thành. Theo báo cáo thì hồ sơ của bà Thành không đủ điều kiện do không đúng nguồn gốc sử dụng đất (đất đấu thầu của UBND xã) và “Phòng TNMT trả lại hồ sơ cho bộ phận nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thuộc văn phòng UBND huyện để trả hồ sơ cho công dân theo quy định”.

Để làm rõ sự việc trên, phóng viên đã đến UBND huyện Phúc Thọ liên hệ làm việc, tìm hiểu thông tin, thì được cán bộ văn phòng yêu cầu để lại Giấy giới thiệu, nội dung làm việc và số điện thoại, sau đó sẽ thông báo lại. Thấy “bặt vô âm tín”, phóng viên tiếp tục liên hệ qua điện thoại thì được cán bộ Văn phòng UBND huyện Phúc Thọ cho biết, nội dung làm việc và Giấy giới thiệu đã được chuyển cho Phòng TNMT, đề nghị phóng viên liên hệ làm việc. 

Tuy nhiên, khi đến Phòng TNMT huyện Phúc Thọ thì chúng tôi được cán bộ ở đây cho biết, không nhận được ý kiến gì của Văn phòng UBND huyện liên quan đến nội dung làm việc của phóng viên? Cán bộ ở đây tiếp tục yêu cầu phóng viên để lại nội dung làm việc và số điện thoại để báo cáo Trưởng phòng và sẽ thông báo sau, nhưng đến nay vẫn không hồi âm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu cho biết: năm 1989 HTX Công-Nông-Thương Tín bị vỡ, không có khả năng thanh toán. Bà Thành có ý kiến UBND xã giao cho thửa đất trên để được đối trừ vào số tiền gia đình đã gửi HTX nhưng không được chấp nhận. Đất của hộ gia đình bà Thành có nguồn gốc là đất do UBND xã giao thầu trong thời gian 20 năm. “Mặc dù Biên bản hợp đồng giao khoán không có chữ ký của bên nhận thầu, bên giao khoán thầu và dấu xác nhận của UBND xã thế nhưng các đồng chí nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã và Tổ giao thầu thời đó đều có xác nhận đất của hộ bà Thành có nguồn gốc là đất nhận giao thầu của xã”, ông Tín cho biết.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm