Hà Nội: Nhà ở hợp pháp gần một thế kỷ bị “dán mác” tranh chấp thừa kế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngôi nhà 63 Hàng Than được gia đình ông Nguyễn Công Toàn mua bán hợp pháp từ năm 1955 và sử dụng liên tục gần 70 năm qua bỗng nhiên bị liệt vào danh sách là tài sản có tranh chấp thừa kế khi gia đình ông Nguyễn Công Toàn kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đằng sau sự việc bất thường này có “bàn tay” của nhóm lợi ích cố tình tạo tranh chấp để đứng ra dàn xếp nhằm trục lợi?
Cụ Vũ Thị Tỵ cùng chồng là cụ Nguyễn Công Phú mua ngôi nhà 53 Hàng Than từ năm 1955. Sử dụng nhà gần mua 70 năm nay bỗng nhiên bị "tranh chấp thừa kế"
Cụ Vũ Thị Tỵ cùng chồng là cụ Nguyễn Công Phú mua ngôi nhà 53 Hàng Than từ năm 1955. Sử dụng nhà gần mua 70 năm nay bỗng nhiên bị "tranh chấp thừa kế"

Liên tục trong thời gian qua, gia đình ông Nguyễn Công Toàn, trú tại số 63 Hàng Than đã có đơn phản ánh về sự việc bất thường liên quan đến việc ngôi nhà 63 Hàng Than của gia đình ông bị UBND phường Nguyễn Trung Trực ghi chú “có tranh chấp thừa kế” khiến cho việc cấp sổ đỏ đối với nhà đất của gia đình ông bị treo gần 2 năm qua. Điều đáng nói, đằng sau sự việc là hàng loạt những việc làm bất bình thường, bởi đã có người yêu cầu phải chi tiền, nếu không gia đình ông Toàn sẽ không bao giờ làm được.

Ngôi nhà số 63 Hàng Than có nguồn gốc do vợ chồng ông Nguyễn Công Phú và bà Vũ Thị Tỵ, là bố mẹ ông Nguyễn Công Toàn mua từ năm 1955.

Theo chứng thư đoạn mãi lập ngày 29/8/1955 giữa bên bán là vợ chồng ông Hoàng Bá Mai và bà Vũ Thị Dậu với vợ chồng ông Nguyễn Công Phú và bà Vũ Thị Tỵ, ngôi nhà số 63 Hàng Than có diện tích 181m2, có bằng khoán điền thổ số 25 đứng bên bên bán. Trên đất có một ngôi nhà xây dựng theo lối kiến trúc nhà thờ họ bằng gạch lợp ngói.

Vợ chồng ông Nguyễn Công Phú mua bất động sản trên với giá 3 triệu đồng và chứng thư đoạn mãi này đã được chính quyền thành phố Hà Nội thời điểm đó chứng thực đầy đủ.

Sau khi mua ngôi nhà trên, vợ chồng ông Nguyễn Công Phú và các con đã sinh sống tại ngôi nhà này cho đến nay. Hiện nay, ông Nguyễn Công Phú đã mất nhưng bà Vũ Thị Tỵ, vợ ông vẫn còn đang sinh sống cùng các con tại ngôi nhà này.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và 2013, nhà đất nêu trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Công Phú và được pháp luật bảo vệ bởi các giấy tờ sở hữu do chính quyền trước đây cấp.

Năm 2019, bà Vũ Thị Tỵ và các con đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật đối với phần di sản mà ông Nguyễn Công Phú để lại. Việc khai nhận di sản đã thực hiện xong và hoàn toàn không có tranh chấp giữa những người thừa kế tài sản của ông Nguyễn Công Phú.

Theo quy định của pháp luật, người thừa kế của ông Nguyễn Công Phú là vợ và các con ông, ngoài ra không có người nào được thừa kế đối với phần di sản mà ông để lại. Do đó, hoàn toàn không có tranh chấp về thừa kế tài sản mà ông Nguyễn Công Phú để lại.

Năm 2020, ông Nguyễn Công Toàn, đại diện cho những người thừa kế đã thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kết quả khai nhận thừa kế.

Vì nhà đất của bố mẹ để lại, không có tranh chấp với ai nên ông Nguyễn Công Toàn không chấp nhận yêu cầu vô lý này. Ngoài ra, để cẩn thận đối với việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Công Toàn đã liên hệ với Tòa án quận Ba Đình để xác minh về việc nhà đất số 63 Hàng Than của gia đình ông hoàn toàn không có tranh chấp.

Ngày 5/11/2020, Tòa án nhân dân quận Ba Đình đã có văn bản thông báo cho ông Nguyễn Công Toàn về tình trạng nhà đất của gia đình ông.

Theo đó, tại thời điểm tháng 11/2020, Tòa án quận Ba Đình không thụ lý bất cứ tranh chấp nào liên quan đến ngôi nhà số 63 Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình của gia đình ông.

Thực tế sử dụng đất suốt gần 70 năm qua của gia đình ông và các giấy tờ sử dụng đất là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của pháp luật đất đai. Do đó, gia đình ông Nguyễn Công Toàn đã làm hồ sơ đề nghị UBND phường Nguyễn Trung Trực trình UBND quận Ba Đình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông.

Tháng 7/2020, gia đình ông Nguyễn Công Toàn nộp đơn đề nghị cấp sổ đỏ cho gia đình ông. Nhưng gần như ngay sau khi UBND phường nhận được hồ sơ xin cấp sổ đỏ của gia đình ông Toàn thì, UBND phường cũng nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Vân Anh và ông Nguyễn Công Việt là hai người em họ của ông Nguyễn Công Toàn đề nghị không cấp sổ đỏ cho gia đình ông Toàn.

Trong đơn gửi UBND phường Nguyễn Trung Trực, những người này cho rằng, ngôi nhà số 63 Hàng Than mà gia đình ông Nguyễn Công Phú mua năm 1955, mẹ ruột họ cũng “có phần”. Do đó, họ yêu cầu chia thừa kế của mẹ ruột nhưng không cung cấp bất cứ tài liệu, hồ sơ nào kèm theo.

Việc chị em và Nguyễn Thị Vân Anh có đơn nêu trên cho thấy lời đe dọa về việc không thông qua nhóm người đòi “chung chi” để làm sổ đỏ đã thành hiện thực. Ngay lập tức, việc làm hồ sơ cấp sổ đỏ của gia đình ông Nguyễn Công Toàn đã bị gặp khó khi UBND phường Nguyễn Trung Trực gửi hồ sơ lên UBND quận Ba Đình với đoạn ghi chú trong hồ sơ “đất có tranh chấp thừa kế”.

Điều này đã gây sốc cho gia đình ông Nguyễn Công Toàn vị nhà đất của cha mẹ để lại, có giấy tờ hợp pháp bỗng dưng trở thành tài sản có tranh chấp thừa kế với những người hoàn toàn không liên quan đến việc thừa kế tài sản của ông Nguyễn Công Phú.

Sau khi xảy ra việc đơn thư dẫn đến gia đình ông Nguyễn Công Toàn bị “treo” hồ sơ, đã có người đứng ra yêu cầu chi tiền để dàn xếp và giúp gia đình ông Toàn làm xong sổ đỏ theo kiểu khoán dịch vụ. Theo thông tin mà người đại diện cho ông Toàn cung cấp, đã có người đến yêu cầu ông Toàn phải chi nhiều tiền và phải thực hiện thông qua nhóm người này thì mới được cấp sổ đỏ.

Việc người dân bị đẩy vào ma trận hồ sơ cấp sổ đỏ như thế nào và ai là người đòi chung chi để dàn xếp với người có đơn nhằm “tháo gỡ” giúp gia đình ông Nguyễn Công Toàn làm được sổ đỏ cho ngôi nhà số 63 Hàng Than, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh.

Đọc thêm