“Một thông hai tắc”
Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở được thông xe vào sáng 9/11/2020. Sau nhiều năm chờ đợi, công trình chính thức được đưa vào khai thác với kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh.
Tuy nhiên, sau hai ngày thông xe, trên khắp các trang mạng xã hội lại xuất hiện nhan nhản hình ảnh chụp lại cảnh ùn tắc nghiêm trọng tại trục đường này qua và quanh khu vực nút giao Ngã Tư Sở trong khung giờ cao điểm, thậm chí ngoài giờ cao điểm. Ngán ngẩm với tình trạng ùn tắc nặng nề tại cung đường này, nhiều người đã có những lời lẽ ví von “một thông hai tắc”. Cụm từ “Ngã tư khổ” đã biến mất nhiều năm nay lại được nhiều người nhắc đến.
Tương tự, dự án cầu vượt hồ Linh Đàm nối từ Vành đai 3 dưới thấp sang đường Pháp Vân mới được đưa vào sử dụng cũng vậy. Người dân hy vọng áp lực giao thông sẽ được giải tỏa. Nhưng tại các "nút thắt" từ các khu đô thị lân cận đổ ra đường Ngọc Hồi, Giải Phóng, tình hình giao thông vẫn luôn căng thẳng vào những giờ cao điểm, ngay cả ngày cuối tuần.
Trước đó, đầu năm 2020, Tuyến số 1 thuộc Dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, hay còn gọi là đường nối trục Nguyễn Xiển - Xa La chính thức thông xe sau gần 6 năm kể từ ngày khởi công.
Mặc dù được đánh giá là tuyến giao thông quan trọng mở ra hướng lưu thông từ Vành đai 3 đến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), góp phần giảm ùn tắc giao thông cho cung đường Phùng Hưng và Nguyễn Trãi - Trần Phú - Kim Giang - đường 70. Tuy nhiên, sau gần một năm được đưa vào khai thác, đường Nguyễn Xiển - Xa La vẫn chưa thể hiện được “sứ mệnh” của mình khi tình trạng ùn tắc trên tuyến đường 70 vẫn diễn ra nghiêm trọng.
Ngoài những khu vực trên, trục giao thông Trần Phú - Nguyễn Trãi, Xã Đàn – Trần Khát Chân, Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng, Tố Hữu – Lê Văn Lương hiện là những tuyến đường hiện đại nhất của Hà Nội với hầm chui, đường dưới thấp và đường trên cao.
Sau khi các hạng mục xây dựng công trình được hoàn thành, mặt đường đã được cải tạo, mở rộng và chỉnh trang đi lại êm thuận. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ tình trạng ùn tắc giao thông tại đây chẳng những không giảm mà còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.
Còn nhiều bất cập
Tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh – Láng, theo một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân ùn tắc xuất phát một phần từ việc thiết lập thời lượng đèn tín hiệu tại đây chưa phù hợp.
Cụ thể, hướng Trường Chinh - Láng, thời lượng đèn tín hiệu đỏ là 76 giây, trong khi hướng đường Trường Chinh rẽ trái sang Nguyễn Trãi, thời lượng đèn đỏ kéo dài tới 93 giây. Nhiều xe đi hướng rẽ do không muốn phải chờ quá nhiều nhịp đèn đã “chồm” lên cả làn đường dành phía phương tiện đi thẳng, khiến tốc độ lưu thông của các phương tiện chậm lại. Các phương tiện phía đường trên cao đổ xuống, đường Trường Chinh đổ về liên tục dẫn đến ùn ứ kéo dài.
Nhiều ý kiến lo ngại Hà Nội mở đường đến đâu ùn tắc giao thông sẽ theo đến đó nếu các khu đô thị, chung cư cứ mọc lên dày đặc hai bên tuyến đường như hiện nay. Như vậy, diện tích đất giành cho giao thông lại càng thua kém diện tích đất ở. Nhiều người lo ngại, với tình trạng này, cuộc đua vực dậy diện tích giao thông ngày càng trở nên khó khăn và bị “hụt hơi” trước sự gia tăng của diện tích đất ở.
Bàn về tình trạng ùn tắc trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nhiều chuyên gia giao thông, nhà quy hoạch đánh giá là không bình thường. Ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông, cho rằng, ùn tắc tại Hà Nội thường có diễn biến phức tạp kể từ khi tổ chức lại các nút giao thông mới.
Nhiều tuyến đường vừa làm xong, chưa phát huy hiệu quả, đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phân luồng, đảm bảo giao thông. Do vậy mới tồn tại nghịch lý, đường càng to càng tắc nghẽn giao thông.
Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong các điểm ùn tắc tại Hà Nội hiện nay theo số liệu khảo sát của liên ngành Hà Nội, có đến 80% là do tổ chức giao thông, công tác điều tiết, tổ chức giao thông của các cơ quan có trách nhiệm chưa thật sự phù hợp, hiệu quả và cần phải xem lại.
Đánh giá về tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra tại các dự án chống, giảm ùn tắc mới được thông xe, Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia Quy hoạch và Tổ chức giao thông đô thị cho biết: “Khi chúng ta làm mới, hay mở rộng một tuyến đường cục bộ trên mạng lưới sẽ gây ra một tác động làm thay đổi về mặt phân bổ lưu lượng trên mạng lưới.
Có những đoạn tuyến chúng ta làm mới hoặc là nâng cao sẽ hút nhiều lưu lượng vào đoạn đó hơn. Dẫn đến là những đoạn sau đó mà chưa mở rộng với năng lực còn thấp kém thì không thể tiếp nhận được cái lưu lượng mới tăng thêm, nên mức độ ùn tắc lại càng nghiêm trọng hơn”.
Mặc dù Chính phủ và các địa phương đều đề ra rất nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, nhưng dường như vẫn ở mức "cấp cứu " hay "chữa cháy". Cần một đề án tổng thể dài hạn và ưu tiên từng giải pháp trong quá trình triển khai mới mong giảm ùn tắc giao thông bền vững.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch từ năm 2004 đến nay. Trong tất cả những lần quy hoạch đều đặt ra đảm bảo hài hòa việc phân bố dân cư, phân bố không gian và quy hoạch giao thông.
Gần đây nhất là quy hoạch được duyệt năm 2011, đến năm 2016 Thủ tướng Chính phủ có xác định quy hoạch giao thông, trong đó có xác định rõ quy hoạch nào được ưu tiên và mạng lưới giao thông sẽ phải điều chỉnh như thế nào. Đây là thách thức rất lớn cho thành phố Hà Nội bởi lịch sử để lại cho Hà Nội mạng lưới đường giao thông thấp hơn rất nhiều đối với định mức những đô thị khác.
"Ví dụ, bình thường một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%. Nên việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Chỉ tính riêng những tuyến đường trong nội đô tính đến năm 2030 phải cần đến trên 70.000 tỷ mới giải quyết nhu cầu cơ bản để hạn chế việc ách tắc giao thông.
Trong khi đó, vừa thực hiện mạng lưới giao thông cho hoàn chỉnh nhưng vừa phải phát triển, phân bố dân cư. Tuy nhiên, quy hoạch trong nội đô hiện nay gia tăng vượt quá mức trong kế hoạch dự định", TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.