Đừng để ngộ độc mới kiểm tra, ngăn chặn
“Thời gian gần đây, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh, sản xuất, vận chuyển thực phẩm bẩn, song vấn đề cốt lõi để người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn chưa được quan tâm đúng mức. Chính người bán cũng không thể biết thực phẩm đó sạch hay bẩn, an toàn hay không?”.
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Bích Hợi (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) trong đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP Hà Nội mới đây. Bà Hợi băn khoăn: Vào mùa Trung thu, không biết Hà Nội có bao nhiêu cơ sở làm bánh vi phạm ATVSTP được xử lý? Các cơ quan chức năng khi kiểm tra, giám sát liệu có phát hiện sớm được không, hay chỉ đến khi người dân ngộ độc mới kiểm tra, ngăn chặn?
Cùng quan tâm đến chủ đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, cử tri các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hai Bà Trưng, Long Biên, Đống Đa… cũng bày tỏ lo lắng trước sự khó kiểm soát về thực phẩm bẩn bán trà trộn ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Cử tri đề nghị, UBND TP cần chỉ đạo, phát triển mô hình quản lý theo chuỗi sản phẩm cung ứng trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi - kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. “Khi nào người nông dân mất đi khái niệm “một bên rau để ăn, một bên rau để bán” thì mới có thực phẩm an toàn theo đúng nghĩa đen của nó”, bà Nguyễn Thị Mơ (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) nêu ý kiến.
Trước thực trạng hiện nay, ông Phùng Duy Mận (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp cấp bách, tăng cường mở các đợt kiểm tra, xử lý nghiêm minh để bữa ăn của người dân bớt chất độc hại, thêm chất dinh dưỡng. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng nên mở thêm các điểm cung cấp thực phẩm sạch, quản lý tốt các chợ và cam kết bán thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Xây dựng chuỗi thực phẩm sạch
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện Hà Nội đã xây dựng 21 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm với 4,5 nghìn tấn thịt lợn; 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm; 140 triệu quả trứng gia cầm; 29 nghìn tấn sữa từ đầu năm 2016 đến nay. Ngoài ra, Sở NN&PTNT thành phố còn phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bắc Ninh triển khai mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Đơn cử, tại quận Đống Đa đã thí điểm liên kết mô hình cung cấp rau, thịt, trứng an toàn để cung cấp cho bếp ăn bán trú của các trường mầm non, tiểu học và nhân dân phường Kim Liên, Ô Chợ Dừa. Trước nhu cầu cao của người tiêu dùng, tháng 7/2016, UBND quận Đống Đa đã khai trương 2 điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại Ki ốt B4 tập thể Kim Liên, phường Kim Liên và số 1N Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa; đồng thời tiếp tục hướng dẫn các phường có địa điểm khả thi mở cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát.
Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào: “Để bảo đảm sức khỏe nhân dân, thời gian tới, UBND quận sẽ đẩy mạnh thực hiện mô hình chuỗi cung ứng rõ ràng, minh bạch, giám sát từ cơ sở nuôi trồng an toàn đến cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói và kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn quận nói riêng và Thủ đô nói chung”.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, trả lời các kiến nghị của cử tri về lĩnh vực ATVSTP, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Thành phố đang nỗ lực bằng mọi biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng thực phẩm bẩn. Đến nay, thành phố đã xây dựng đề án, lộ trình đồng bộ để kiểm soát an toàn thực phẩm, trong đó tháng 11/2016 sẽ có 5 xe chuyên dụng test các mẫu thực phẩm”.
Trước đó, UBND thành phố đã sắp xếp, phân công trách nhiệm quản lý về ATTP trên địa bàn thành phố, trong đó, giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP thành phố tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoạch định những vấn đề có tính chiến lược để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác ATTP thuộc lĩnh vực quản lý.