Nhà máy 'chế rác thành phân bón' biến thành… phế thải?

(PLO) - Những năm qua, nhiều tỉnh thành đã vay vốn ODA để xây nhà máy “biến rác thành phân bón” quy mô  hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, nhiều nhà máy lại lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, sản phẩm làm ra không bán được, nhà máy xuống cấp, nằm “đắp chiếu”. Trong khi, tiền đi vay thì không thể trả được.
Nhà máy xử lý rác bị đắp chiếu ở Hải Dương
Nhà máy xử lý rác bị đắp chiếu ở Hải Dương

Xin trả lại nhà máy 137 tỷ đồng  

Cuối 2012, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hải Dương được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương đầu tư bắt đầu vận hành. Nhà máy có tổng vốn đầu tư là hơn 137 tỷ đồng. Trong đó, gần 60 tỷ đồng là nguồn vốn vay ODA của Tây Ban Nha và gần 78 tỷ đồng từ ngân sách.

 Hoạt động chưa bao lâu, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Dương đã chuyển nhà máy cho Công ty CP Môi trường APT – Seraphin Hải Dương quản lý, vận hành. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, do sản phẩm phân hữu cơ không tiêu thụ được nên dây chuyền sản xuất phân vi sinh phải tạm dừng hoạt động, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt được chuyển sang nhà máy xử lý rác thải Seraphin để đốt.

Tiếp nhận nhà máy được 2 năm, đầu năm 2015, công ty CP môi trường APT – Seraphin Hải Dương đã xin trả lại dự án này. Lý do là không đủ năng lực tài chính để tiếp tục đầu tư, vận hành nhà máy “không khả thi này”. Lúc này, tỉnh Hải Dương đã phải chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm “ông chủ” mới cho nhà máy là Công ty CP Môi trường Bắc Việt. Nhưng vừa được chọn không lâu, tháng 5 năm nay, Công ty này cũng xin thôi không tiếp nhận, thực hiện dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư  tỉnh Hải Dương, đầu tháng 8/2016, Sở đã có báo cáo UBND tỉnh chọn Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương làm nhà đầu tư mới. Như vậy, sau 4 năm khánh thành, nhà máy “biến rác thành phân” ở Hải Dương vẫn trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, còn các doanh nghiệp thì lần lượt “bỏ của chạy lấy người”.

Nhà máy xử lý rác hoạt động gián đoạn đã dẫn đến tình trạng lượng rác tồn đọng không xử lý kịp, có thời điểm lượng rác tồn đọng lên đến khoảng 22.000 tấn, cộng với lượng phân vi sinh không tiêu thụ được ủ thành mùn đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhà máy xử lý rác hơn 600 tỷ đồng cũng “đắp chiếu”

Từng được đánh giá có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc và ngân sách, nhưng Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát (Hải Phòng) đã ngưng hoạt động hơn 2 năm nay. Dự án quản lý và xử lý chất thải rắn TP Hải Phòng được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 8/1997 nhằm quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn. 

Dự án được triển khai tại phường Tràng Cát, quận Hải An, trên diện tích 60 ha, trong đó 40 ha làm bãi đổ rác, 20 ha xây nhà máy xử lý rác.

Dự án giai đoạn 1 là sử dụng công nghệ ủ vi sinh để xử lý chất thải đô thị, gồm: cung cấp thiết bị, kỹ nghệ để chuẩn hoá rác và bùn cống ga thành sản phẩm hữu cơ có ích; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho nhà máy chế biến phân ủ có công suất xử lý 200 tấn chất thải và 40 tấn bùn từ các cống ga mỗi ngày với tổng mức đầu tư 27,786 triệu USD (tương đương hơn 600 tỷ đồng), trong đó vốn vay ưu đãi của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là 19,6 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và đấu giá quyền sử dụng đất là 5,7 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng.

Được khởi công tháng 9/2003 nhưng do một số vướng mắc nên đến tháng 10/2004 mới được triển khai. Cuối năm 2008, sau rất nhiều trục trặc, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng cuối cùng cũng được hoàn thành với dây chuyền công nghệ thiết bị được đánh giá tiên tiến nhất cả nước lúc đó.

Nhà máy đã lắp đặt 4 dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ vi sinh tiên tiến của Hàn Quốc, gồm: phân loại, lên men bằng phương pháp sinh học, công đoạn ủ chín và tự động sàng, đóng bao. Nhà máy có hệ thống điều khiển hiện đại, bãi chôn lấp chất thải rắn và 47 xe chuyên dụng, nhập khẩu từ Hàn Quốc phục vụ sản xuất.

Sau khi vận hành chạy thử theo công suất thiết kế, tuy nhiên, năm 2013 đến nay nhà máy ngưng hoạt động, trong khi gói thầu cuối cùng là xây dựng hệ thống thoát nước chung quanh chưa được thực hiện.

Không chỉ ở Hải Dương, Hải Phòng mà rất nhiều nhà máy xử lý rác vay vốn ODA từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ ở nhiều tỉnh thành đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu. Nhà máy “biến phân thành rác” ở TP Lào Cai này được đưa vào vận hành thử nghiệm từ đầu tháng 10/2015 với kinh phí đầu tư trên 81 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của Pháp là 66,3 tỷ đồng, vốn ngân sách là gần 15 tỷ đồng. Thế nhưng, vận hành chưa được bao lâu, nhà máy đã phải tạm dừng  và cuối tháng 3/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã phải chỉ đạo tạm dừng hoạt động nhà máy từ 1/4.

Ngay tại Hà Nội, Nhà máy xử lý rác làm phân tại Cầu Diễn do Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội quản lý vận hành cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhà máy có vốn đầu tư hơn 61 tỷ đồng từ năm 2001 (một nửa vay ODA của Tây Ban Nha) từng bị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá là “đầu tư lớn nhưng hoạt động cầm chừng, công suất thiết kế là 180 tấn/ngày song chỉ hoạt động với công suất 30 tấn/ngày, thua lỗ, kém hiệu quả nhưng chậm được tháo gỡ, xử lý.

Tại sao những nhà máy xử lý rác được đầu tư tiền tỷ nhưng hoạt động không hiệu quả?. Có hay không sự lãng phí do những quyết định đầu tư vội vàng. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các số báo tiếp theo.