Hai liệt sĩ chung một bằng?
Theo ông Nguyễn Hữu Chính (thôn Xuân Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đó chính là câu trả lời của phòng Lao động thương binh xã hội huyện Sóc Sơn vào thời điểm năm 2011 khi gia đình ông làm hồ sơ xin cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hai liệt sĩ Nguyễn Văn Hoài (1945-1967) và liệt sĩ Nguyễn Văn Cúc (1941-1966) là hai chú ruột của ông Chính.
Năm 2011 gia đình chỉ nhận được bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Văn Cúc còn hồ sơ của ông Nguyễn Văn Hoài bị Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Sóc Sơn trả lại.
Không cam tâm với câu trả lời của Phòng LĐTB&XH huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Đức Chính đã mang tất cả hồ sơ liên quan tới hai liệt sĩ đến Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội. Và ông đều nhận được câu trả lời rằng, hai liệt sĩ Nguyễn Văn Hoài và Nguyễn Văn Cúc là người riêng biệt và phải được cấp hai bằng Tổ quốc ghi công.
“Năm 2016 ngay tại Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội họ đã gọi điện trực tiếp xuống Phòng LĐTB&XH huyện Sóc Sơn yêu cầu họ phải hướng dẫn và làm bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình chúng theo Thông tư 16 (Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng - PV).
Sau đó gia đình tôi đã hoàn thành hồ sơ theo đúng yêu cầu và nộp từ 2/8/2017 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy bất cứ thông báo nào từ Phòng LĐTB&XH huyện Sóc Sơn”, ông Chính chia sẻ.
Ông Chính cho biết, vì quá nóng lòng khi hơn một năm nay chưa có hồi âm từ cơ quan chức năng, mới đây ông đã lên phòng Lao động thương binh xã hội huyện Sóc Sơn để hỏi thăm tình hình thì nhận được câu trả lời “Đợi nghị quyết gì mới để cấp bằng Tổ quốc ghi công”(?). Như vậy suốt gần 7 năm qua câu trả lời dành cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hoài vẫn chỉ là sự chờ đợi.
Điều đáng nói, hồ sơ về liệt sĩ Nguyễn Văn Hoài đều được gia đình giữ gìn cẩn thận và hoàn toàn là giấy tờ gốc bao gồm: Huân chương kháng chiến chống Mỹ (10/03/1987); Huân chương chiến công giải phóng cấp 08/12/1975; Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ cấp 20/06/1982; Huy chương chiến sĩ vẻ vang cấp 17/12/1971; Bảng vàng danh sự cấp 2/12/1972; lịch sử cách mạng xã Bắc Phú 1930-2006 cũng ghi nhận tên của hai ông là liệt sĩ.
|
Huy chương chiến sĩ vẻ vang của liệt sĩ Nguyễn Văn Hoài |
Điều trái ngược ở chỗ dù có cùng hồ sơ với các giấy tờ giống nhau nhưng chỉ có liệt sĩ Nguyễn Văn Cúc được cấp bằng Tổ quốc ghi công còn liệt sĩ Hoài thì hoàn toàn chưa được nhận. Càng khó hiểu hơn khi suốt 7 năm qua mặc cho gia đình đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu hai liệt sĩ khi đó mới vừa tròn mười chín, đôi mươi đã xung phong lên đường nhập ngũ. Khi đó, cụ Ngô Thị Thức mẹ ruột của hai chiến sĩ đã giấu nỗi đau, động viên hai con lên đường tòng quân cứu nước.
Và chẳng bao lâu sau ngày hai con đi nhập ngũ bà liên tiếp nhận được giấy báo tử của hai con trai. Suốt hơn 50 năm ngày con hy sinh, mong ngóng con được đón nhận bằng Tổ quốc ghi công nhưng đến khi nhắm mắt ước nguyện này của cụ Thức vẫn chưa thực hiện được.
Tủi hờn người ở lại
Suốt 7 năm qua hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Chính đã đi tìm lại công bằng cho người chú ruột nhưng dường như đều vô vọng. “Tổn thất to lớn nhất của gia đình là mất xương máu mà không được cấp bằng Tổ quốc ghi công, không được công nhận là liệt sĩ, nếu rơi vào nhà nào thì cũng xót xa như vậy.
Bằng công nhận, Huân chương kháng chiến... bằng thật của liệt sĩ đây mà lại để cho gia đình chúng tôi vất vả như vậy có xứng đáng hay không? Nhà nước ta lúc nào cũng là Nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ mà người ta là liệt sĩ có bằng thật đây mà vẫn để gia đình người ta long đong thế này!”, ông Chính bức xúc nói lên khúc mắc của gia đình.
Khắp căn nhà nhỏ của gia đình ông Chính không có món đồ nào là có giá trị, chỉ có chiếc bàn thờ nơi được dành để hương khói cho liệt Nguyễn Văn Hoài cùng người thân đã mất của gia đình được sơn đỏ mới tinh và gìn giữ. Đối với ông Chính thứ gia đình gìn giữ nhất là những tấm bằng khen, huân chương kháng chiến... ghi nhớ công ơn của 3 liệt sĩ.
“Bao nhiêu gia đình có hai liệt sĩ người ta đã có bằng Tổ quốc ghi công, người ta có cả bằng Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng gia đình tôi đến giờ khi cụ bà thân sinh ra hai liệt sĩ đến khi mất vẫn không được công nhân, gia đình tôi rất đau lòng. Mà nói chỗ đông người mình rất là ức chế vì người ta không quan tâm đến mình. Lúc nào lên xã, lên huyện hỏi họ đều bảo “Cứ yên tâm, sẽ quan tâm, sẽ được cấp” nhưng gia đình tôi yên tâm tới giờ gần 10 năm rồi.
Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều chỉ đòi hỏi trả lại bằng Tổ quốc ghi công cho ông Hoài thôi. Vì ông là người liệt sĩ thật chứ không phải liệt sĩ giả mà đến giờ phút này tại sao ông vẫn không được cấp bằng tổ quốc ghi công như của người khác?”, bà Lê Thị Thuận (vợ ông Nguyễn Hữu Chính) uất nghẹn khi nói về thiệt thòi của gia đình.
Nhiều năm qua, hai vợ chồng ông Chính không biết bao nhiêu lần “vác” hồ sơ, bắt xe bus... đi tới gõ cửa nhiều cơ quan để hỏi han, hoàn thành hồ sơ cho ông Nguyễn Văn Hoài nhưng vẫn chưa có kết quả. Những ngày nắng, mưa mang theo nỗi tủi hờn nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng ông Chính có ý định dừng lại.
Chia sẻ với PV ông Chính khẳng định: "Dù mất bao lâu, đi bao nhiêu nơi đi chăng nữa gia đình tôi cũng quyết tâm phải lấy lại được công bằng cho chú Hoài. Đó là danh dự, là những thứ mà chú và gia đình tôi xứng đáng nhận được".
Gia đình ông Nguyễn Hữu Chính là gia đình có truyền thống cách mạng lâu đời, ngoài hai liệt sĩ Nguyễn Văn Hoài và Nguyễn Văn Cúc gia đình còn có liệt sĩ Nguyễn Văn Khiêm (anh ruột ông Chính). Đồng thời, bố của ông Chính cũng tham gia du kích và sau đó trở thành bộ đội kháng chiến chống Pháp.
Một gia đình có truyền thống cách mạng vẻ vang nhưng lại đang phải chịu những thiệt thòi to lớn về tinh thần bởi sự tắc trách của các cơ quan chức năng. Đến bao giờ những hi sinh của người đi trước được đền đáp một cách xứng đáng cũng như gia đình, người thân của họ không còn phải chịu thiệt thòi, tủi hờn?