Hà Nội: Thẩm phán chỉ đạo phá nhà gia đình chính sách?

(PLO) - Không có quyết định cưỡng chế, không phối hợp với chính quyền địa phương, nhưng ông Hoàng Mạnh Thắng (Thẩm phán TAND huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) vẫn chỉ đạo phá dỡ công trình xây dựng của gia đình chính sách, gây nên sự phẫn nộ, uất ức cho người dân.
Bếp và chuồng bò của gia đình bà Nguyễn Thị Tẩn bị phá hủy hoàn toàn
Bếp và chuồng bò của gia đình bà Nguyễn Thị Tẩn bị phá hủy hoàn toàn

Tự ý tháo dỡ công trình xây dựng

Trong đơn kêu cứu, bà Nguyễn Thị Tẩn (SN 1940, tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) cho biết, vào khoảng 9h ngày 22/10/2018, ông Trần Văn Quỳnh (trú tại Đồi Lý, xã An Phú, huyện Mỹ Đức) cùng ông Hoàng Mạnh Thắng (Thẩm phán TAND huyện Mỹ Đức) đã đến nhà bà đòi phá dỡ công trình xây dựng trên đất thổ cư của gia đình. 

Tuy nhiên, khi gia đình bà không đồng ý, yêu cầu văn bản, quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng thì ông Thắng đã tuyên bố: “Chúng tôi là người của UBND huyện Mỹ Đức cử xuống để dỡ bỏ công trình xây dựng của gia đình bà trên đất của anh Quỳnh. Vì vậy, không phải xin ý kiến của ai” (?!). Đồng thời, ông Thắng bảo ông Quỳnh “đi thuê máy múc về san phẳng chỗ này trong hôm nay”. Tuy nhiên, ông Quỳnh không thuê được nên cả hai bỏ đi nơi khác. Tưởng chỉ dừng lại ở đó, thế nhưng đến khoảng 13h, ông Thắng và ông Quỳnh quay lại, dẫn theo 3 người xông thẳng vào nhà đập phá bếp và chuồng bò có diện tích khoảng hơn 30m2.

“Lúc ông Thắng kéo người đến đập phá, trong nhà chỉ có mấy mẹ con, đều là phụ nữ, lại không hiểu biết nhiều về pháp luật nên không dám ngăn cản. Hơn nữa, thấy các ông ấy hùng hổ, lại xưng là cán bộ huyện cử xuống nên gia đình hoàn toàn bất lực, không biết kêu ai cứu”, bà Tẩn nói.

Quan sát tại hiện trường sự việc, PV ghi thấy bếp và chuồng bò của gia đình bà Tẩn đã bị san phẳng, chỉ còn những mảng tường vỡ vụn và những cây kèo, cột nằm chỏng chơ…

Bất chấp pháp luật?

Khi chúng tôi hỏi lý do ông Quỳnh và ông Thắng kéo đến phá nhà thì bà  Trần Thị Hạnh (con gái bà Tẩn) cho biết: “Cách đây không lâu chúng tôi mới biết anh Hưng là người mua đất của mẹ tôi đã bán lại cho anh Quỳnh. Khi đến tiếp nhận mảnh đất đó, anh Quỳnh cho rằng nhà tôi lấn chiếm diện tích đã bán, vì vậy đòi gia đình tôi phải trả thêm đất. 

Tuy nhiên, gia đình tôi không hề lấn chiếm một tấc đất nào, hiện trạng đất và các công trình xây dựng trước và sau khi bán vẫn vậy. Anh Quỳnh đã làm đơn kiện ra TAND huyện Mỹ Đức. Mặc dù Tòa chưa thụ lý nhưng không hiểu sao Thẩm phán Hoàng Mạnh Thắng lại đến “dằn mặt”, rồi chỉ đạo phá nhà tôi? Cả gia đình tôi dù sống trong khó khăn nhưng từ xưa đến nay có gây thù, chuốc oán với ai bao giờ đâu? Tại sao các anh ấy lại lạm quyền, bất chấp pháp luật, ức hiếp gia đình chúng tôi như vậy?”.

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Trần Quang Chương – Phó Trưởng Công an xã An Phú, cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc một số người lạ đến đập phá các công trình xây dựng của gia đình bà Tẩn, chúng tôi đã đến hiện trường để ghi nhận sự việc. Tại hiện trường, các công trình xây dựng như bếp, chuồng bò có diện tích hơn 30m2 đã bị san phẳng.

Hiện nay, gia đình bà Tẩn đã làm đơn gửi các cấp chính quyền địa phương đề nghị làm rõ. Thực tế, chúng tôi cũng mới nắm bắt được sự việc sau khi gia đình phản ánh, chúng tôi cũng không hiểu tại sao cán bộ cấp huyện xuống địa phương thực hiện tháo dỡ công trình xây dựng mà không thông qua chúng tôi, cũng không có văn bản đề nghị phối hợp với cấp chính quyền địa phương?”.

Cũng theo ông Chương, gia đình bà Tẩn là một trong những gia đình khó khăn, thuộc diện chính sách. Căn nhà bà Tẩn đang sinh sống cũng là nơi thờ liệt sĩ Trần Văn Thưởng (anh chồng bà Tẩn). Vừa qua, theo chính sách hỗ trợ vật nuôi cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà Tẩn có nhận được sự hỗ trợ một con bò để chăn nuôi. 

Trao đổi sự việc nêu trên, Luật sư Đoàn Chính Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Nếu đúng như phản ánh của bà Tẩn, việc tháo dỡ làm biến dạng, hủy hoại toàn bộ công trình xây dựng tồn tại trên đất của công dân đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Hành vi tự ý phá dỡ công trình xây dựng có thể coi là hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Việc xử lý vi phạm được căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà áp dụng các quy định pháp luật. Theo đó, nếu tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng có giá trì từ 2.000.000đ đến dưới 50.000.000đ thì bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 50.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội có tổ chức hoặc tài sản trị giá hơn 50.000.000đ đến 200.000.000đ… thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đọc thêm