Hà Nội: Tiểu thương Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ cầu cứu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong nhiều năm liền, Ban quản lý chợ Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín tự ý cho xây dựng thêm các kiốt trái phép, bố trí các gian hàng không có trong quy hoạch nhằm đưa thêm người vào kinh doanh và có nhiều hành động gây cản trở hoạt động buôn bán của các tiểu thương chính đáng có hợp đồng thuê ki-ốt.
Chợ Hà Vỹ
Chợ Hà Vỹ

Ban quản lý chợ lộng quyền

Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của một số tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Vỹ về việc Ban quản lý chợ nơi đây tự ý “cơi nới” kiốt, cho thuê vị trí bán hàng trái phép gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của những gian hàng bên trong.

Lần theo thông tin người dân cung cấp, 2h sáng ngày 20/5/2022, PV đã về khu chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc này và nhận thấy một nghịch cảnh, bất hợp lý.

Cụ thể, trong khi nhiều gian kiốt bên trong được xây dựng khang trang theo đúng quy hoạch, có giao kết hợp đồng lại vô cùng vắng vẻ, rất ít khách lui tới thì ở khoảng lưu không và các lối đi đầu cổng chợ (ngay sát cạnh BQL chợ) lại tấp nập kẻ mua người bán gia cầm. Ô tô, xe máy xếp la liệt ngay dưới lối lưu thông vào các gian kiốt bên trong.

Trao đổi với phóng viên, các tiểu thương trong chợ Hà Vỹ - những người có hợp đồng thuê kiốt với chính quyền sở tại không giấu nổi sự bức xúc. Họ cho biết, sau một thời gian chợ Hà Vỹ đi vào hoạt động, BQL chợ đã tự ý cho thuê khoảng hơn 20 vị trí kinh doanh gia cầm tại khu vực đầu chợ không nằm trong 162 gian kiốt theo quy hoạch.

“Vị trí của các hộ kinh doanh trái phép này nằm ở đầu chợ, nên việc kinh doanh của các hộ cuối chợ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do các hộ kinh doanh trái phép này chịu ít chi phí nên giá bán hàng hóa rẻ hơn, lại có vị trí thuận lợi nên khách hàng rất ít khi vào cuối chợ”, một tiểu thương bức xúc cho biết.

Khoảng lưu không cạnh trụ sở BQL chợ đang bị chiếm dụng làm nơi bán hàng.

Khoảng lưu không cạnh trụ sở BQL chợ đang bị chiếm dụng làm nơi bán hàng.

Được biết, các hộ kinh doanh hợp pháp phải trả tiền thuê kiốt với giá 110 triệu đồng nhưng lại không thể cạnh tranh được, không ít hộ phải đóng cửa. Một số hộ muốn bán được hàng đã mang hàng hóa lên phía đầu chợ nơi có các gian hàng trái phép để bán nhưng lại bị BQL chợ bắt cân và phạt. Trong khi đó, các hộ kinh doanh trái phép thì không chịu bất kỳ trách nhiệm gì.

Mới đây một số tiểu thương phản ánh, sau khi có đơn gửi các cơ quan chức năng, BQL chợ Hà Vỹ có dấu hiệu gây khó dễ, trù dập những người dám đứng lên tố cáo những sai phạm trên.

Điều đáng nói, theo ghi nhận của PV, ngay lối vào các kiốt, một dãy dài gia cầm các loại, xe tải để la liệt dưới nền đất, chắn ngang lối đi của các phương tiện muốn vào bên trong, tiềm ẩn rủi ro liên quan đến phòng cháy và chữa cháy và lối thoát nạn cho các hộ kinh doanh hợp pháp.

Do không thuộc quy hoạch nên các hộ này cũng không thể đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực chợ. Cứ vào mùa hè hoặc những độ trời mưa thì mùi hôi từ rác thải, chất thải của những khu vực này càng nghiêm trọng, nhếch nhác, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh và ô nhiễm môi trường cho cả khu chợ.

Quá bức xúc, một số tiểu thương đã phản ánh, kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng không nhận được những phản hồi thích hợp, các vi phạm không những không giảm bớt mà còn có xu hướng tăng thêm. Nguy hiểm hơn, sau khi có đơn phản ánh, xuất hiện một số đối tượng xã hội đen vào chửi bới và đe dọa khiến các tiểu thương rất lo sợ.

Chính quyền xã nói gì?

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết, đơn kiến nghị các tiểu thương không những gửi lên xã mà còn gửi lên Sở Công thương, UBND huyện. Đến ngày 25/4, huyện có phiếu giao việc về xã, yêu cầu phòng Kinh tế huyện và UBND xã phối hợp chỉ đạo, xử lý dứt điểm các nội dung trong đơn.

“Ngày 26/4, đích thân tôi ra trực tiếp chỉ đạo và yêu cầu giải tán tất cả các kiốt bên ngoài bán không đúng quy định, thông báo cho BQL chợ nếu không làm được thì nghỉ, giải tán để thay đổi BQL mới. Tôi đã nói với các tiểu thương rồi, kể cả ngày mai tôi nghỉ thì hôm nay tôi sẽ làm hết chức năng nhiệm vụ, bởi đây là quyền lợi của tiểu thương và toàn dân”, ông Phát quả quyết.

Cận cảnh 13 kiốt trái phép được xây dựng và cho thuê trái phép.

Cận cảnh 13 kiốt trái phép được xây dựng và cho thuê trái phép.

Liên quan đến 13 kiốt trái phép cuối chợ, ông Phát thừa nhận, đây là số kiốt được lãnh đạo xã thời kỳ trước thông đồng với BQL chợ xây dựng và cho thuê sai quy định, trái thẩm quyền. Sau khi được bầu làm Chủ tịch xã, ông Phát đã yêu cầu những người có liên quan hoàn trả lại tiền sau khi khấu hao thời gian để xã tiến hành thanh lý hợp đồng với 13 kiốt trên.

“Phần tiền chênh của 13 kiốt này nộp kho bạc thì ít, phần chia thì không nói, chia nhau rồi. Số kiốt cho thuê từ năm 2017 đến năm 2023 giấy trắng mực đen là hơn 400 (triệu đồng). Chính vì tôi lên nên đã yêu cầu những ai ăn tiền thì bỏ ra, chung tiền ra để trả lại người ta”, ông Phát nói.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Theo phản ánh của các tiểu thương, khu vực cuối chợ theo quy hoạch được phê duyệt khi xây dựng chợ mới dành để trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường nhưng hiện nay lại đang tồn tại 13 kiốt được xây dựng trái phép. Những kiốt này được chính những người trong BQL chợ xây dựng lên để trục lợi bằng cách cho người nhà bán hàng hoặc cho thuê lại. Ước tính số tiền bỏ ngoài ngân sách của số kiốt này là không hề nhỏ.

Đọc thêm