Hà Nội: Vì sao dự án chung cư ngõ 183 Hoàng Văn Thái chưa thể thực hiện?

(PLO) - Một dự án đang được Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng xúc tiến xin cấp phép xây dựng tại địa chỉ: khu đất số 40 ngõ 183 Hoàng Văn Thái (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng đang vấp phải sự phản đối của các hộ dân nơi đây bởi theo họ việc xây dựng thêm một chung cư cao tầng tại khu vực này sẽ gây nhiều hệ lụy mà chủ đầu tư cố tình không nhìn thấy. 

Các hộ dân không đồng tình

Trong đơn gửi đến Báo Pháp luật Việt Nam, các hộ dân thuộc tổ 16, 17, 23C phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết: khu đất số 40 ngõ 183 Hoàng Văn Thái diện tích 3451,2 m2 có nguồn gốc là đất quốc phòng do Quân chủng phòng không - Không quân quản lý. Ngày 24/3/2016 Bộ Tổng tham mưu có quyết định thu hồi diện tích đất này, giao cho Tổng công ty 319 đầu tư xây dựng khu nhà ở cho các gia đình quân đội và hiện khu đất đã được cấp giấy phép quy hoạch dự án nhà chung cư với quy mô cao 25 tầng và 3 tầng hầm.

Theo các hộ dân, trước đây khu đất dự kiến xây dựng nhà công vụ cao 5-7 tầng cho cán bộ công nhân viên, không hiểu sao mãi đến tháng 9/2016 các hộ dân mới được biết khu đất đã được cấp giấy phép quy hoạch dự án nhà chung cư với quy mô cao như vậy.

Bức xúc trước việc quy hoạch khu đất bị thay đổi, các hộ dân đã đồng loạt gửi đơn đến chủ đầu tư và các cơ quan chức năng TP. Hà Nội nhiều lần, các đơn vị này cũng đã có văn bản phúc đáp nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng ý với các văn bản trả lời.

Theo người dân, quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đã có vi phạm quy chế dân chủ, bởi theo Luật Quy hoạch đô thị số 01 ngày 20/7/2015 tại mục 2, Điều 20 đã quy định rõ cơ quan, tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch đô thị trước khi xem xét quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, trước khi quy hoạch để thực hiện dự án, các hộ dân là những người sinh sống liền kề không hề được họp bàn, lấy ý kiến, theo họ, 100% các hộ dân thuộc tổ 16, 17, 23C không đồng ý xây chung cư tại đây.

Điều mà các hộ dân lo lắng là, với một diện tích nhỏ, nằm lọt giữa 3 dãy nhà dân, khu đất không đủ điều kiện để xây dựng chung cư cao 25 tầng, tòa nhà không phù hợp với không gian khu vực và chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Nguy cơ rạn nứt, lún, sụt các công trình nhà của các hộ dân đang sinh sống liền kề, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân là không tránh khỏi. Ngoài ra còn là áp lực về giao thông, môi trường, hệ thống thoát nước, rác thải, y tế và trường học, khu vui chơi giải trí, an ninh trật tự, an toàn cháy nổ v.v. 

Đặc biệt, dự án trên cần phải đáp ứng đầy đủ các loại giấy phép trước khi triển khai xây dựng như: đánh giá tác động môi trường; phương án phòng cháy, chữa cháy; các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật và đấu nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; khả năng sử dụng hạ tầng xã hội của khu vực… Những giấy phép này phải được công khai cho các hộ dân biết, thế nhưng, tại cuộc họp với các hộ dân, Tổng Cty 319 không đưa ra được các văn bản đó.

Theo ông Nguyễn Minh Dũng (địa chỉ: số 26 ngách 38), ngõ 183 Hoàng Văn Thái là ngõ cụt, hẹp và đã có khu chung cư Hà Đô với 3 tòa nhà cao tầng. Mật độ dân cư của khu vực rất đông, giao thông khó khăn và nhiều áp lực với hạ tầng. Khu đất số 40 không rộng, mật độ xây dựng trên địa bàn rất cao nên không phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, việc cấp Giấy phép quy hoạch số 4982 ngày 31/8/2016 của Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội là trái với các quy định của pháp luật, gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Trả lời từ phía chủ đầu tư

Trong cuộc làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, một đại diện Tổng công ty 319 cho biết, tại Văn bản số 7442 gửi UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã cấp Giấy phép quy hoạch số 4982 ngày 31/8/2016 cho dự án với chức năng, quy mô phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt tại khu vực, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được Bộ Quốc phòng chấp thuận, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, các yêu cầu về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan và khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội, hạ tầng khu vực.

Rất nhiều hộ dân phản đối việc triển khai thực hiện dự án này.

Liên quan đến phản ánh, kiến nghị của các hộ dân, đại diện chủ đầu tư cho biết: theo thiết kế, công trình có khoảng lùi so với chỉ giới đường đỏ ngõ 183 Hoàng Văn Thái khoảng 9,56-10m, lùi so với ngách 183/38 Hoàng Văn Thái khoảng 8m… đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc giải thích cho các hộ dân tại Công văn số 7442/QHKT-P2 ngày 08/12/2016. Đối với những đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, PCCC … sẽ được các cơ quan quản lý chuyên ngành thỏa thuận theo quy định trong quá trình hoàn thiện các thủ tục tiếp theo của dự án.

Ngoài ra, việc xây dựng 03 tầng hầm để đảm bảo chỗ đỗ xe cho bản thân công trình theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và bổ sung một phần nhu cầu đỗ xe công cộng phục vụ dân cư khu vực là phù hợp với chủ trường của Thành ủy Hà Nội. Chủ đầu tư cũng đã chủ động ký hợp đồng với công ty bảo hiểm để bảo hiểm khi xây dựng công trình nếu có sụt lún, rạn nứt, ảnh hưởng tới kết cấu công trình, tài sản của các hộ dân liền kề dự án.

Tuy nhiên theo quan điểm từ các hộ dân, cách giải thích từ phía đại diện chủ đầu tư - Tổng công ty 319 xem ra chưa sát với Nghị định của Chính phủ nên chưa đủ sức thuyết phục các hộ dân dừng khiếu nại và vẫn đang quyết tâm đấu tranh để dự án trên phải được điều chỉnh theo hướng hợp lý nhất, đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía: người dân và doanh nghiệp. 

Thiết nghĩ, chủ đầu tư cần thiết phải xem xét, lắng nghe những ý kiến phản biện từ phía người dân, giải quyết thấu đáo vụ việc, có như vậy mới đảm bảo dự án được thi công xây dựng mà không vấp phải sự phản đối nào từ phía người dân.

Theo Khoản 2, Điều 5 Nghị định 71: Trước khi lập dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải tổ chức lập và trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có dự án phát triển nhà ở phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp nơi có dự án đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt và chủ đầu tư không có đề xuất điều chỉnh hoặc trường hợp không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

Trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và đồ án quy hoạch này phải được công bố công khai theo quy định tại Điều 81 của Nghị định này.

Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 71: Nội dung hồ sơ dự án phát triển khu nhà ở bao gồm:

Các giải pháp thực hiện: phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có); phương án sử dụng công nghệ xây dựng; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng đối với dự án; đánh giá tác động môi trường; phương án phòng cháy, chữa cháy; các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật và đấu nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực; khả năng sử dụng hạ tầng xã hội của khu vực;

Nơi để xe công cộng và nơi để xe cho các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong khu vực dự án sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở (gồm xe đạp, xe cho người tàn tật, xe động cơ hai bánh, xe ô tô);...

Đọc thêm