Hà Tĩnh: Chủ tịch phường trần tình vụ “thiện nguyện tối thiểu 500 ngàn đồng”

(PLO) - "Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh muốn xây sửa các bia ghi danh liệt sĩ với mục đích đền ơn đáp nghĩa. Nhưng dự toán công trình đều lên đến tiền tỷ, dẫn đến việc phường nào cũng “đau đầu” đi xin tiền. Phường sửa chữa thì nơm nớp “để là cái áo, tháo thì cái giẻ”, phường xây mới thì lo chưa xong đã hết tiền…" 
Phối cảnh công trình nhà bia tưởng niệm phường Bắc Hà, dự toán 1 tỷ đồng
Phối cảnh công trình nhà bia tưởng niệm phường Bắc Hà, dự toán 1 tỷ đồng

“Không đặt mức thì không đạt như ý”

PLVN đã đưa tin, một số hộ dân phường Bắc Hà (Hà Tĩnh) phản ánh việc phường kêu gọi ủng hộ thiện nguyện để sửa chữa nhà bia ghi danh liệt sỹ phường (xây 20 năm, nay đã xuống cấp), nhưng “tối thiểu” phải 500 ngàn đồng/hộ. Nhiều người dân không đồng tình việc đặt mức như này. Thư kêu gọi được đóng dấu đỏ của phường, Chủ tịch UBND phường ký tên.

Trao đổi với PLVN, Chủ tịch phường Trần Viết Minh cho biết: “Không phải tất cả đều đồng tình, nhưng nếu không đưa ra mức, người dân góp 5 - 3 chục cũng được thì không thể đạt như ý, không được quy mô như mong muốn”. 

Giải thích về mức “tối thiểu” 500 ngàn đồng/hộ, ông Minh tính toán: Để làm bia ghi danh này dự toán 1,2 tỷ đồng. Phường có khoảng 2.700 hộ dân, “trừ hao” khoảng 700 hộ (khó khăn, gia đình chính sách…) có thể không đóng hoặc đóng ít. Như vậy, các hộ còn lại mỗi hộ phải tối thiểu 500 ngàn đồng, còn lại phường đi xin thêm nơi khác. 

Ông cho hay: “Riêng thư này tôi đã nghiên cứu cả tháng trời. Trước khi ban hành thư, tôi đi thăm dò hết, cán bộ cốt cán, cán bộ tỉnh…. Tinh thần của phường là vận động, dân cho thì cho, không cho thì thôi”.

Dù ông Minh nói “ai không có 500 mà nộp 100 cũng được”, nhưng người dân bức xúc cho biết trong buổi họp tổ dân phố, một tổ trưởng nói ai không nộp đủ sẽ bị “khó khăn” khi lên phường làm việc (như xin giấy tờ, đóng dấu…). Ông Minh khẳng định “không có chuyện đó” và “trách nhiệm của chính quyền là phải phục vụ những yêu cầu hợp pháp của dân”.

Được biết, chủ trương sửa chữa nhà bia của phường Bắc Hà vẫn chưa được TP Hà Tĩnh phê duyệt. Lãnh đạo phường nói đang “vận hàng song song” vừa xin "chủ trương của thành phố, vừa xin dân ủng hộ. Hiện cũng chưa rõ Nhà nước có ủng hộ kinh phí cho việc này hay không, được thì bao nhiêu, nên chủ yếu trông vào đóng góp của dân. 

Đến hết tháng 3, hết hạn đóng góp, phường mới căn cứ vào số tiền thu được để quyết định làm đến mức nào. Dân góp nhiều làm nhiều, góp ít làm ít. “Phải “đo bò làm chuồng”, xem ủng hộ như nào. Lo lắng nhất “để là cái áo mà tháo thì cái giẻ”, bươi ra mà không có tiền thì chết ngay”, ông Minh nói.

Nhiều phường “đau đầu” 

Đi trước Bắc Hà trong việc vận động dân xây nhà bia tưởng niệm như trên là Văn Yên, một phường khác của TP Hà Tĩnh. Từ năm 2016, Văn Yên đã vận động người dân đóng góp làm mới nhà bia, dự toán 3 tỷ. Thư kêu gọi ủng hộ của phường này cũng đặt mức: tối thiểu 200 ngàn đồng/hộ nông dân, 300 ngàn đồng/hộ kinh doanh buôn bán… 

Nhưng khác với Bắc Hà, chủ trương này của Văn Yên đã được thành phố phê duyệt, ngân sách hỗ trợ không quá 1 tỷ. Thư kêu gọi của Văn Yên đóng dấu Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường, do Chủ tịch Lê Hữu Bình ký. 

Phối cảnh công trình nhà bia tưởng niệm phường Văn Yên, dự toán xây dựng 3 tỷ đồng
Phối cảnh công trình nhà bia tưởng niệm phường Văn Yên, dự toán xây dựng 3 tỷ đồng

Ông Bình giải thích: “Số tiền xây nhà bia là quá lớn, ban vận động đã thảo thư kêu gọi với tinh thần đóng góp tự nguyện, nhưng phải đặt mức cụ thể như vậy để mong muốn người dân có mức công bằng, có trách nhiệm”. 

Ông Bình thừa nhận có người dân phản ánh việc này, nhưng ban vận động đều giải thích rõ, ai đóng 50 – 100 ngàn “anh em vẫn vui vẻ”.

Phường Văn Yên có gần 1000 hộ dân. Hiện hơn 90% hộ dân của phường đã ủng hộ được vài trăm triệu đồng, ngân sách đã giải ngân một phần nhưng công trình này vẫn chưa hoàn thành vào tháng 3 được như dự kiến vì thiếu tiền.

Chủ tịch phường Lê Đình Thắng cho hay: “Công trình xuống cấp, không làm không được, mà làm thì đau đầu”. Hiện phường đang phải kêu gọi tiếp các nguồn ủng hộ hợp pháp để hoàn thành công trình.

Đại diện các phường đều khẳng định đây là hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Tuy nhiên, dự toán đều lên đến tiền tỷ, dẫn đến việc phường nào cũng “đau đầu” đi xin tiền. Phường sửa chữa thì nơm nớp “để là cái áo, tháo thì cái giẻ”, phường xây mới thì lo “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền”… 

Vậy, Hà Tĩnh có chủ trương như nào về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn? PLVN đã liên hệ với UBND TP Hà Tĩnh. Đại diện TP hẹn sẽ làm việc với các phòng chức năng để trả lời báo, nhưng đến nay vẫn chưa liên lạc lại.

Ông Thái Quốc Văn, nguyên Phó trưởng Ban dân vận tỉnh ủy Hà Tĩnh, một người dân phường Bắc Hà nói: “Dân ý kiến là đúng, đã kêu gọi tự nguyện thì không nên đưa mức. Phường dứt khoát phải tiếp thu, điều chỉnh và thông báo lại tinh thần của phường đến với người dân”. Ông Văn cho rằng hoạt động đền ơn đáp nghĩa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng phải làm thế nào cho "hợp lòng dân", được dân ủng hộ, phù hợp với hoàn cảnh. Có như thế mới đúng với tinh thần nhân văn của việc đền ơn đáp nghĩa. 

Đọc thêm