Hà Tĩnh họp bàn vụ ngôi đình “đi làm nhiệm vụ văn hóa”: Ý kiến “châm ngòi” cuộc tranh cãi quyết liệt

(PLVN) - Hà Tĩnh vừa tổ chức cuộc họp vào ngày 20/3 bàn về việc chuyển trả đình Chợ Trổ cho xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Đã chưa “chốt” được phương án cuối cùng, ý kiến của Sở VHTT&DL còn châm ngòi cho một cuộc tranh cãi mới.
Đánh giá cấu kiện đình Chợ Trổ sau hạ giải vào sáng 21/3
Đánh giá cấu kiện đình Chợ Trổ sau hạ giải vào sáng 21/3

Sở VHTT&DL “không nắm được vấn đề”?

PLVN đã có loạt bài phản ánh về việc xã Bùi La Nhân đề xuất tỉnh Hà Tĩnh “trả” lại đình Chợ Trổ vốn của xã, hơn 50 năm trước được di dời đến làm nhà trưng bày trong Khu lưu niệm (KLN) Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân). 

Về việc dư luận cho rằng Dự án triển khai quy hoạch tại KLN đang tu bổ đình Chợ Trổ thành đình Tiên (cách gọi dân gian của đình làng Tiên Điền), PGĐ Sở Nguyễn Cảnh Thụy nói trong cuộc họp: “Dư luận hiểu nhầm, thậm chí một số cán bộ văn hóa cũng hiểu nhầm. Tôi nói đúng câu chữ là “tu bổ, chuyển về vị trí đình xã”. “Đình xã” là đình nói chung, không phải đình nào của xã nào”.

Ông Thụy nói: Đình Chợ Trổ vẫn là đình Chợ Trổ, chỉ di chuyển vài chục mét ngay trong vùng lõi KLN, được tu bổ tôn tạo để trưng bày như một công trình di tích kiến trúc đình làng xã, nhằm tái tạo không gian văn hóa tiêu biểu của làng xã Hà Tĩnh thời Nguyễn Du.

Trước ý kiến này, TS Lê Quang Úy, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho rằng: Sở VHTT&DL “không nắm được vấn đề, vòng vo, giải thích loanh quanh”. Ông Úy cho biết, ngay tại cuộc họp của Hội Kiều học bàn về việc tổ chức Lễ hội Nguyễn Du năm 2019, nguyên Bí thư Tỉnh ủy là TS Đặng Duy Báu (người Tiên Điền) cũng phản đối việc đưa đình Chợ Trổ phục dựng thành đình Tiên.

Là người chủ trì cuộc họp “trả” đình nhưng đại diện Sở VHTT&DL cũng không nắm được diễn biến sự việc và những thông tin dư luận phản ánh để giải thích thỏa đáng. PGĐ Nguyễn Cảnh Thụy không biết UBND tỉnh đã có văn bản thể hiện rõ nội dung phục hồi đình Chợ Trổ thành đình Xã (đình Tiên).

Quyết định (QĐ) 1264 ngày 6/5/2019 về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích gốc KLN Nguyễn Du (giai đoạn 1) có ghi rõ: “Hiện đình Xã (đình Tiên) đã là phế tích và không có ảnh tư liệu, phương án cải tạo là di chuyển và phục hồi đình Chợ Trổ thành đình Xã”.

Thế nhưng, ông Thụy cho rằng: “Đơn vị tham mưu quyết định như này cũng hiểu nhầm, không đúng tinh thần quy hoạch”. Ông Thụy cho rằng QĐ này không phải do Sở VHTT&DL tham mưu mà BQL dự án đầu tư và xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư mới của Dự án - gọi tắt là BQL Dự án) nên Sở “không biết và không chịu trách nhiệm”, dù trong Điều 2 QĐ 1264 có ghi rõ trách nhiệm của Sở VHTT&DL cùng các đơn vị khác phải “thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai đúng quy định hiện hành”. Ông Thụy vẫn cho rằng “không biết” và khi nào chủ đầu tư mới cần trao đổi thì liên hệ với Sở để phối hợp.

Trong khi đó, đại diện BQL Dự án lại khẳng định chỉ triển khai dự án trên cơ sở tiếp quản hồ sơ từ Sở VHTT&DL. 

Thực tế, trong quá trình thi hành QĐ 1264, có những văn bản khác đã thi hành sự “hiểu nhầm” trên quan điểm ông Thụy. Ví dụ Báo cáo hạ giải của đơn vị thi công công trình Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc tại KLN ghi:  “Hiện nay đình Xã (đình Tiên) đã là phế tích và không có ảnh tư liệu... Để phục hồi di tích đình Xã, theo quy hoạch tổng thể… cho phép đưa đình Chợ Trổ về vị trí đình Xã để phục hồi di tích đình Xã”.

Trên một số kênh thông tin chính thống của tỉnh Hà Tĩnh cũng đưa tin Dự án tu bổ, tôn tạo KLN Nguyễn Du triển khai Giai đoạn 1, đưa đình Chợ Trổ tu bổ thành đình Tiên.

“Giấy trắng, mực đen” như vậy, thực tế diễn ra như vậy, vì vậy UBND Hà Tĩnh cần có thông tin chính xác về sự việc để tránh gây tranh cãi không cần thiết.

Quyết định 1264 của UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2019
Quyết định 1264 của UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2019

“Cần bàn bạc với tầm nhìn đúng mức hơn”

Kiến trúc sư Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng thì phân tích: “Dư luận hiểu đúng chứ không hiểu nhầm. Chính đại diện Sở VHTT&DL mới nhầm. Các anh cứ loanh quanh lấy từ ngữ trong các quyết định để biện bạch “đình xã” là đình chung, không phải riêng cho xã Tiên Điền là hiểu chưa đầy đủ”. 

Trong cuộc họp ngày 20/3, Sở VHTT&DL đề xuất phương án giải quyết việc xã Bùi La Nhân “xin lại” đình Chợ Trổ: Giữ lại đình tại KLN, xin chủ trương phục dựng “phiên bản” đình Chợ Trổ tại xã Bùi La Nhân. 

Ông Hoàng Anh nói: “Ý tưởng đưa đình Chợ Trổ để trưng bày cho kiến trúc đình làng của Hà Tĩnh ở thời Nguyễn Du là không được. Vì đình Chợ Trổ xuất xứ trong bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá tâm linh và phong tục tín ngưỡng riêng của một địa phương, không phải điển hình cho các đình ở Hà Tĩnh. Kiến trúc đình cũng không phải tiêu biểu đặc sắc nhất”.

“Về góc độ tâm linh, không thể đặt một ngôi đình đã từng thờ vị Thành hoàng nơi khác để làm “đại diện” về đình trên đất Tiên Điền được, nhất là đặt trong vùng lõi của KLN Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn – Tiên Điền”. 

“Ngay việc đề xuất phục dựng “phiên bản” đình Chợ Trổ cho xã Bùi La Nhân cũng nhầm. Người dân muốn đưa đình về quê chứ không phải đòi dựng cái mới”.

Về những vướng mắc như phía Sở VHTT&DL nêu ra như quy hoạch đã được phê duyệt, công cuộc bảo tồn kỳ công cho ngôi đình đã “lão hóa”, ông Anh cho rằng các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm rõ ràng để chấm dứt mắc mứu giữa dân cư và các cấp quản lý. 

Ông Bùi Đức Hạnh, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL cũng bảo vệ quan điểm nên trả đình về cho xã Bùi La Nhân. Ông nói: “Thời kỳ còn đương nhiệm, tôi đã đồng ý chủ trương đề nghị lên cấp trên trả đình về cho xã Đức Nhân (cũ), nhưng chưa giải quyết xong thì tôi nghỉ hưu. Đến nay tôi vẫn cho rằng dứt khoát nên trả đình cho xã. Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách tu bổ di tích hàng năm và thêm các nguồn vận động khác. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng dân Bùi La Nhân thừa tâm huyết và đủ hiểu biết để bảo vệ di tích của cha ông một cách chu đáo”. 

“Về hạng mục “đình xã” ở trong KLN Nguyễn Du, dự án bây giờ nên phục dựng một đình mới theo kiến trúc phù hợp với thời đại Nguyễn Du. Như thế tránh được sự chắp vá trong quá trình bảo tồn Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, xứng tầm công lao sự nghiệp của Danh nhân văn hóa thế giới”.

Với việc giải quyết đề nghị “xin lại” đình của xã Bùi La Nhân, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cần sớm có câu trả lời dứt điểm, theo ông Hoàng Anh: “Cần bàn bạc công khai, thẳng thắn với góc nhìn, tầm nhìn đúng mức hơn. Những người có trách nhiệm nếu hiểu không sâu, nắm không chắc thì không tham mưu tốt được. Nếu cứ đưa ra cái cớ chấp hành các quyết định của cấp trên để thoái thác trách nhiệm, chức năng của các tổ chức, cá nhân liên quan là hành động tắc trách, vô cảm”.

Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Phan Tấn Linh: 

“Theo tôi, cơ quan quản lý về văn hóa cần tham mưu theo hướng: 1: Đình Chợ Trổ phải được trả về nơi xuất xứ của nó là xã Đức Nhân, nay là xã Bùi La Nhân. Di sản phải được đối xử có văn hoá và phải được bảo tồn, phát huy theo các quy định của Nhà nước. 2: Việc phục dựng kiến trúc, hoa văn đình làng tại KLN có cần thiết hay không là còn tuỳ vào quy hoạch, thiết kế tổng thể của cả KLN, ý kiến của các nhà khoa học, nhu cầu của nhân dân và quyết định của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở tham mưu của cơ quan quản lý văn hoá. 3: Trách nhiệm của UBND huyện Đức Thọ, xã Bùi La Nhân là phải tiếp nhận, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. UBND huyện tạo mọi điều kiện để cơ quan chức năng trả di sản về đúng nơi xuất xứ”.

Đọc thêm