Không thể đánh đồng khái niệm “trữ lượng” là “được phép khai thác”
Nội dung biên bản kiểm tra lập sáng 25/12/2017 về phản ánh liên quan đến việc khai thác đất đưa khai khỏi khu vực mỏ để tiêu thụ cho thấy: “Theo báo cáo của Cty TNHH MTV Phát triển Miền núi (Cty) thì trong quá trình bóc đất tầng phủ, C ty đã vận chuyển khoảng 14.000m3 đất ra khỏi khu vực mỏ để tiêu thụ.
Theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010, Cty có nghĩa vụ khai thác tối đa khoáng sản chính, khoảng sản đi kèm. Mặt khác, theo Giấy phép số 2557/GP-UBND ngày 12/9/2016 có ghi trữ lượng đất san lấp là 125.383m3 và công ty đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trữ lượng đất này. Do vậy, việc Cty khai thác, bóc đất phủ và vận chuyển ra ngoài khu vực mỏ để tiêu thụ là phù hợp với quy định của pháp luật…”.
Tuy nhiên, có thể thấy trong Giấy phép khai thác khoáng sản (GPKTKS) số 2557/GP-UBND ngày 12/9/2016 không hề có nội dung nào cho phép “khai thác đất san lấp” cả. Tuy Giấy phép có đề cập đến “trữ lượng đất san lấp” nhưng điều này cũng không thể đồng nghĩa với việc “được khai thác”
Tại Điều 1 của GPKTKS trên chỉ “cho phép Cty khai thác đá xây dựng bằng phương pháp lôjộ thiên mỏ đá xây dựng tại khu vực Rú Chào”. Điều 2 của Giấy phép có yêu cầu “Cty tiến hành hoạt động khai thác mỏ đá xây dựng theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất quy định tại Điều 1 của Giấy phép”. Trong khi đó, Điều 1 của Giấy phép không hề đề cập đến “công suất khai thác” của đất san lấp thì Cty dựa vào cơ sở nào để khai thác loại khoáng sản này?
Hơn nữa, như PLVN đã từng phản ảnh thì tại Điều 1 của Điểm 7, Điều 2 của GPKTKS số 2557/GP-UBND ngày 12/9/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, “việc quản lý sử dụng các sản phẩm khai thác phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đúng theo quy định tại Phụ lục số 04”.
Tại Phụ lục 04 kèm theo Giấy phép trên chỉ thể hiện sản lượng khai thác hàng năm là “120.000m3 nguyên khai/năm” và “sản phẩm sau chế biến” là “đá các loại (đá hộc, đá xay)” chứ không hề có sản phẩm nào là “đất san lấp” cả.
Ngoài ra, tại Quyết định số 1958/QĐ-UBND ngày 14/7/2016 của UBND tỉnh Hà Tĩnh (về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án “đầu tư khai thác và chế biến đá xây dựng tại khu vực mỏ đá Rú Chào) cũng chỉ phê duyệt công suất khai thác là 120.000m3 đá nguyên khai/năm và không đề cập đến nội dung khai thác đất san lấp.
Với những nội dung trên, không hiểu sao, việc Cty khai thác và chuyển đi tiêu thụ hơn 14.000m3 đất vẫn được Đoàn kiểm tra cho là “phù hợp với quy định”. Hơn nữa, số lượng đất trên cũng chỉ là căn cứ vào báo cáo của Cty chứ Đoàn kiểm tra cũng không có điều kiện để xác minh số lượng này có đúng thực tế hay không.
Nhiều vi phạm nhưng chỉ yêu cầu “khắc phục”
Ngoài nội dung kiểm tra về việc khai thác đất, Đoàn kiểm tra còn tiến hành xác định các mốc ranh giới mỏ theo tọa độ ghi trong giấy phép bằng máy GPS cầm tay thì không có các mốc ranh giới trên thực địa.
Quá trình kiểm tra cũng xác định Cty TNHH MTV Phát triển Miền núi chưa có kết quả quan trắc định kỳ về môi trường 9 tháng đầu năm 2017; Chưa thông báo Giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; Chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường lần 1 năm 2016, lần 2 năm 2017 (tổng số hơn 600 triệu đồng); Chưa lập và thông báo Kế hoạch khai thác, đăng ký ngày bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh với cơ quan nhà nước; Chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; Chưa lắp camera giám sát tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan; Chưa có báo cáo công tác quản lý chất thải nguy hại tại Sở TN&MT; Chưa lập và niêm yết, công khai kế hoạch quản lý môi trường của Dự án…
Tuy đã chỉ ra hàng loạt sai phạm như trên, nhưng Đoàn kiểm tra không lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định mà chỉ yêu cầu Cty TNHH MTV Phát triển Miền núi làm báo cáo giải trình các tồn tại, kế hoạch khắc phục, cam kết thực hiện.
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 33/2017/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.) thì các hành vi vi phạm trên đều phải bị lập biên bản, xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả. Đơn cử, hành vi không thông báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực của Giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản, bị phạt từ 1 triệu đến 5 triệu đồng; hành vi không lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển quặng nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan (đối với khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp), bị xử phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng; Hành vi không thực hiện việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản, bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng….
Năm 2013, Cty TNHH MTV Phát triển Miền Núi đã sử dụng đất “ngoài ranh giới mỏ”
Ngày 21/12/2017, Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh phối hợp với UBND xã Kỳ Thọ tổ chức kiểm tra hiện trường tại khu vực mỏ đá Rú Chào. Kết quả kiểm tra cho thấy các mốc mỏ bằng bê tông theo Giấy phép khai thác không có trên thực địa. Ngoài ra, có 0,7ha ngoài ranh giới mỏ theo đại diện Công ty thực hiện từ năm 2013 để làm bãi tập kết sản phẩm và một phần đất bị sạt lở của hộ ông Nguyễn Tiến Lý đã được đền bù từ năm 2016.
Tuy nhiên trước đó, tại Báo cáo số 2283/STNMT-KS ngày 25/8/2016, Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: “Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép 3472/GP-UBND ngày 29/11/2010, Cty đã chấp hành các quy định của pháp luật…”.
Như vậy, tại thời điểm tháng 8/2016, phải chăng Sở TN&MT Hà Tĩnh đã không phát hiện được việc Cty TNHH MTV Phát triển Miền Núi sử dụng “lố” 0,7ha đất ngoài ranh giới mỏ từ năm 2013? Từ đó, Sở này mới có đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH MTV Phát triển Miền Núi.