Tàu cá vỏ sắt mang số hiệu HT 96709 TS thuộc sở hữu của ông Trần Xuân Sinh (trú tại thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh), công suất 829 CV đã cập cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) đã thu được mẻ cá thu hơn 2 tấn sau 13 ngày ra khơi đánh bắt.
Ông Sinh cho biết, trong 4 lần con tàu vỏ thép của ông ra khơi đánh bắt thì đây là lần đầu tiên trúng đậm mẻ cá. Ba lần trước, tàu của ông Sinh ra khơi nhưng sản lượng đánh bắt chỉ đủ chi phí trang trải.
Theo ông Sinh, ngày 27/3, con tàu vỏ thép của ông bắt đầu ra khơi. Sau đó, tàu đang đánh bắt cách tại vùng biển cách cảng Cửa Sót khoảng 170 hải lí thì phát hiện một đàn cá thu "khủng" khoảng 3 tấn nên tiến hành dùng lưới vây bắt.
“Loài cá thu này hiếm đi theo bầy lắm, chúng chỉ đi lác đác vài chục con là nhiều. Khi phát hiện đàn cá này anh em ngư dân chúng tôi cũng giật mình vì bao năm làm nghề đánh cá chưa khi nào gặp được bầy cá thu lớn đến như thế. Sau khi dùng lưới bủa vây, một số cá đã nhanh chóng thoát ra ngoài nên chúng tôi chỉ bắt được khoảng hơn 2 tấn”, ông Sinh vui mừng cho biết.
Cá được thương lái đến mua tại chỗ |
Để hốt trọn mẻ cá hơn 2 tấn này từ nơi đánh bắt về cảng Cửa Sót, 7 ngư dân trên tàu đã phải làm việc cật lực hơn 1 ngày đêm ròng.
“Một con cá thu mà chúng tôi đánh bắt được con nhỏ nhất cũng khoảng 5 kg, lớn nhất hơn 10 kg. Muốn đánh bắt được loại cá này thì phải đi xa hàng trăm hải lí. Việc hốt hơn 2 tấn cá khiến 7 anh em trên tàu mệt lắm nhưng với giá thành cao nên chúng tôi hết sức phấn khởi”, một thuyền viên trên tàu cá của ông Sinh nói.
Ông Sinh cho biết thêm, tàu cá vỏ sắt đánh bắt có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với tàu gỗ. Mọi thao tác đều do máy vận hành, nên giảm công sức lao động cho ngư dân, độ an toàn cao. Chuyến đi biển trong 13 ngày, tàu cá vỏ sắt chỉ tiêu hao khoảng 40 triệu tiền dầu.
Với giá bán thị trường hiện nay, loại cá này được các thương lái thu mua với giá từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, ước tính ông Sinh thu về gần 400 triệu đồng sau chuyến ra khơi.