Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11

Hà Tĩnh triển khai đồng bộ hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLVN) - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ra đời đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo chuyển tích cực về hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác PBGDPL. Sau 10 năm thi hành, luật PBGDPL góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh.
Hiệu quả thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ở Hà Tĩnh.
Hiệu quả thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ở Hà Tĩnh.

Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện sát với yêu cầu thực tiễn

Sau khi Luật PBGDPL được ban hành, ngày 24/10/2012, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 3183/QĐ-UBND. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL hoặc kế hoạch công tác tư pháp trong đó có công tác PBGDPL. Ngày 15/12/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở.

Để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 04/12/2020, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thi hành nghiêm túc, đồng bộ Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm “Thực tiễn 10 năm thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn”.

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm “Thực tiễn 10 năm thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác PBGDPL được triển khai đồng bộ và hiệu quả, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương. Theo đó, trung bình hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp ban hành khoảng 30 văn bản, các huyện, thành phố, thị xã ban hành khoảng 50 văn bản để hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã được kiện toàn 05 lần.

Hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh gồm 39 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Trong 10 năm thi hành Luật, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức 08 đợt kiểm tra, Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện tổ chức hơn 100 đợt kiểm tra. Qua công tác kiểm tra kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp ngày càng đi vào nề nếp, phát huy tốt vai trò chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác PBGDPL tại địa phương. Ông Nguyễn Duy Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho biết: Sau khi UBND TP. Hà Tĩnh thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL, do phó chủ tịch thành phố đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng, thường trực Hội đồng là Trưởng phòng Tư pháp và các thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, các phòng, ban, ngành, đơn vị cấp thành phố.

Đa dạng hoá hình thức truyên truyền PBGDPL.

Đa dạng hoá hình thức truyên truyền PBGDPL.

Các thành viên Hội đồng đại diện cho ngành, đơn vị mình thường xuyên khâu nối, phối hợp với phòng Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL để thực hiện các chương trình ký kết từ đầu năm và xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL cho từng quý, từng tháng căn cứ vào tính bức thiết và yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố và của ngành tại từng thời điểm.

Hình thức triển khai đa dạng và phong phú

Để đảm bảo chất lượng công tác PBGDPL, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kết hợp có hiệu quả giữa các hình thức tuyên truyền pháp luật truyền thống và các hình thức mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hơn 50.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hưởng ứng hơn 800 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, in ấn và cấp phát gần 4 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật. Các hình thức tuyên truyền pháp luật khác như: qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, lồng ghép với sinh hoạt thôn, xóm, đoàn thể...

Một trong các hình thức PBGDPL được triển khai và mang lại hiệu quả rõ nét là tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật. Trong đó nổi bật như: Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, toàn tỉnh có 242.716 bài dự thi (ước tính khoảng 1/5 dân số của tỉnh tham gia); Hội thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn tỉnh; Hội thi Thanh niên với an toàn giao thông, Hội thi tìm hiểu mô hình hợp tác xã kiểu mới, Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với pháp luật”…

Theo báo cáo của Sở GDĐT Hà Tĩnh, Trung bình mỗi năm học, các trường học trên địa bàn tổ chức hơn 300 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh.

Theo báo cáo của Sở GDĐT Hà Tĩnh, Trung bình mỗi năm học, các trường học trên địa bàn tổ chức hơn 300 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do trung ương tổ chức và dành nhiều kết quả nổi bật như “Pháp luật học đường”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”…Trong những năm qua, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống cổng/trang thông tin của các ngành, địa phương thường xuyên được cập nhật, kịp thời đăng tải các văn bản pháp luật để cán bộ, Nhân dân tìm hiểu.

Một số ngành, địa phương khai thác có hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền như: Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn, các huyện: Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà... Hình thức tập huấn pháp luật trực tuyến được tỉnh triển khai và mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Hình thức PBGDPL thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Đội ngũ hòa giải viên thường xuyên được kiện toàn và tập huấn, bồi dưỡng. Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1.964 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên. Từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều đạt trên 80%.

Trong triển khai công tác PBGDPL, nhiều mô hình hay, sáng tạo được xây dựng và phát huy hiệu quả cao như: mô hình “Địa bàn không ma túy” và “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ma túy” do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương, đã nhân rộng được 40 mô hình trên địa bàn tỉnh; mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được xây dựng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “Hỏi đáp pháp luật”; các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”… Đặc biệt, tại Hà Tĩnh có mô hình “Sinh hoạt Ngày pháp luật hằng tháng”, theo đó vào ngày 28 hằng tháng, các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp ở cơ quan, đơn vị mình.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Những năm qua, công tác PBGDPL luôn được UBND tỉnh và các cấp, ngành quan tâm, chú trọng, từ đó tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, thúc đẩy phát triển KT-XH. Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; quan tâm bố trí nguồn lực con người và kinh phí cho công tác PBGDPL trên địa bàn.

Đọc thêm