Hà Tĩnh “ưu ái bia Sài Gòn” là cạnh tranh không lành mạnh

(PLO) - Tiến sỹ Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật ( Bộ Tư Pháp) khẳng định như vậy với PLVN. Ông Sơn cho rằng các sở Tư Pháp, Công Thương có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh để xử lý vấn đề này.
Chuyên gia pháp lý cho rằng những bản cam kết như thế này đã vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Chuyên gia pháp lý cho rằng những bản cam kết như thế này đã vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Tiến sỹ Lê Hồng Sơn phân tích : “ Đối với những những bản cam kết giữa UBND một số huyện tại Hà Tĩnh với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ về việc : “ Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải ưu tiên sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, bia 333,… để góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh, chung tay xây dựng quê hương,xây dựng  Nông thôn mới” đã vi phạm khoản 1, điều 6, luật Cạnh tranh :
Điều 6. Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước
Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:
1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
UBND một số huyện đã sử dụng công quyền để ép buộc các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ kinh doanh bia Sài Gòn, và đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thị trường sẽ mất tính tự do cạnh tranh nếu như tất cả các huyện tại Hà Tĩnh sử dụng “chiêu thức” buộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ phải cam kết sử dụng, tiêu thụ sản phẩm  bia Sài Gòn trong khi đây không là hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
"Để xử lý sự việc trên, UBND các huyện phải lập tức thu hồi những bản cam kết trên lại. Đồng thời UBND tỉnh Hã Tĩnh cần phải vào cuộc , xử lý vụ việc một cách nghiêm minh. Các sở Tư Pháp, sở Công Thương có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh để xử lý những vấn đề trên, Ông Sơn cho biết thêm.
Một trong những bản cam kết các hộ kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh phải ký kết và thực hiện.
Một trong những bản cam kết các hộ kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh phải ký kết và thực hiện.
Trao đổi với PV PLVN, ông Cao Xuân Hiến – Trưởng phòng điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh – Cục quản lý Cạnh tranh ( Bộ Công Thương ) cũng cho biết, từ thông tin phản ánh từ báo chí về sự việc “ Hà Tĩnh “ưu ái” bia Sài Gòn”, Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đang tiến hành thu thập thêm thông tin về sự việc này. "Vì đây là sự việc liên quan đến chính sách của địa phương. Nên phía Cục Cạnh tranh chưa thể đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào, sau khi làm rõ sự việc, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí", ông Hiến khẳng định.
Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ của Chính phủ (hôm 1/10 vừa qua), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết , với những thông tin ban đầu thì việc Hà Tĩnh yêu cầu nhân dân, cán bộ uống bia Sài Gòn là không phù hợp với quy định trong pháp luật. Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh đã có văn bản đề nghị tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về những nội dung mà một số cơ quan truyền thông đã đưa tin liên quan đến vụ việc này.
Trước đó, như PLVN đã thông tin, các hộ kinh doanh, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phải ký vào bản cam kết “lạ” với nội dụng đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn. Cơ quan công quyền của tình này còn có nhiều văn bản "lạ" yêu cầu các nhà hàng đẩy mạnh và ưu tiên dùng bia Sài Gòn.
Theo đó, các nhà hàng phải cam kết ưu tiên sử dụng, tích cực mời chào để người tiêu dùng tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm trên nhằm góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Vì thế, bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi cơ quan, đoàn thể, thậm chí mỗi công nhân, viên chức nhà nước cũng được định hướng là trong mỗi cuộc ăn uống, tiệc tùng, liên hoan nên ưu tiên dùng bia Sài Gòn. Nếu làm sai “tôn chỉ” ở “trên” thì phải chịu trách nhiệm. Đó mới gọi là đóng góp, xây dựng quê nhà, cụ thể uống một lon bia đóng góp 3.000 đồng vào thuế cho tỉnh.
Chưa hết, mỗi phường xã thì cán bộ bắc loa phát thanh đọc cả ngày để kêu gọi mọi người dân dùng bia Sài Gòn. Ví dụ điển hình là tại xã Cẩm Yên (huyện Cẩm Xuyên), cứ mỗi buổi chiều đến, loa phát thanh xã lại vang lên kêu gọi nhân dân sử dụng bia Sài Gòn.
Sự việc này làm xôn xao dư luận, nhiều ý kiến cho rằng Hà Tĩnh "ưu ái" bia Sài Gòn là làm hạn chế quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn dịch vụ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho tới nay "sự việc" vẫn chưa được "ngã ngũ" và đang phải chờ kết luân cuối cùng từ cơ quan quản lý cạnh tranh.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm