Ám ảnh tai nạn giao thông
Quốc lộ 5 qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài khoảng 44Km, bắt đầu từ Km33+720 xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang đến Km77+830 xã Kim Lương, huyện Kim Thành. Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, hiện nay tình trạng mặt đường xuống cấp trầm trọng khiến tai nạn giao thông ngày một gia tăng. Mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt xe lưu thông qua tuyến đường này. Quốc lộ 5 cũng là con đường sợ hãi với cánh tài xế bởi dọc hai bên tuyến đường này có mật độ dân cư khá đông đúc cùng nhiều nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp, trường học, chợ, các nhiều điểm giao cắt ngã ba, ngã tư khiến việc tham gia giao thông phức tạp, nguy cơ mất trật tự an toàn toàn giao thông luôn tiềm ẩn xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, Quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hải Dương, đã xảy ra khoảng 10 vụ tai nạn giao thông, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8, trung bình mỗi tháng có 4 người chết, bị thương. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hải Dương, đây là tuyến đường xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất trong các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Anh Bùi Quang Toản, phường Bình Hàn, TP. Hải Dương cho biết: mặt đường Quốc lộ 5 hiện nay đang hằn lún, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều đoạn mặt đường hằn thành rãnh do đơn vị bảo trì xử lý hằn lún bằng cách dùng máy cào để cào bằng phần gồ lên, khiến mặt đường càng nham nhở. Hành nghề xe ôm tại khu vực nhà hàng 559, TP. Hải Dương nhiều năm, anh đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông rất thương tâm xảy ra.
Ghi nhận của phóng viên nhiều ngày qua cho thấy, hạ tầng trên tuyến đường này còn nhiều bất cập. Suốt 44Km đường chạy qua tỉnh, nhiều đoạn đường bị cào xới, hệ thống vạch sơn chỉ dẫn làn đường mờ, không được kẻ vạch trả lại nguyên hiện trạng khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, tại các ngã ba, ngã tư dù có đèn tín hiệu nhưng do không có vạch chỉ dẫn làn đường nên không ít trường hợp điều khiển phương tiện giao thông đứng lung tung, chen chúc, lấn sang làn đường của nhau dẫn tới việc hướng đi bị chồng chéo. Ngoài ra, hệ thống biển báo cũng thưa thớt. Ở những đầu đường nhánh ra ngã ba, ngã tư không có biển báo chỉ dẫn nhắc lại, bổ sung. Tình trạng ùn tắc tại những vị trí này không phải là hiếm.
Ông Vũ Văn Đích, người dân sống gần Khu công nghiệp Đại An, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng cho biết, đoạn đường Quốc lộ 5 trước cổng khu công nghiệp có cột đèn tín hiệu. Nhưng đèn ở đây không đồng mức, vạch kẻ đường không có khiến các phương tiện dừng đèn đứng không theo quy củ, vị trí nào, mạnh ai người nấy đi.
Bao giờ người đi đường hết sợ?
Theo Trung tá Đỗ Quốc Tuấn, Phó trưởng Trạm Ba Hàng, thuộc phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an tỉnh Hải Dương, đường xấu là một trong những nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5. Hạ tầng giao thông trên tuyến đường ngày càng mất an toàn. Trong quá trình chắp vá, sửa chữa, nâng cấp, cào bóc phần trồi lún, hư hỏng của mặt đường, đơn vị tu sửa chưa sơn lại các vạch kẻ đường, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Bên cạnh đó, việc triển khai Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ - QCVN 41:2016/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải trên tuyến Quốc lộ 5 thời gian qua chưa được đồng bộ. Hầu hết tại các nút giao thông ngã ba, ngã tư, nơi khu đông dân cư chưa có biển báo hạn chế tốc độ nhắc lại. Cả tuyến đường có rất nhiều cầu vượt, có thể gắn các biển báo giao thông để tuyên truyền, nhắc nhở song không được tận dụng.
Từ những bất cập trên dẫn đến công tác xử lý các vi phạm về tốc độ, sai làn đường của lực lượng Cảnh sát giao thông gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào giờ cao điểm, khi công nhân ở các khu công nghiệp tan làm, mật độ tham gia giao thông tại các ngã ba, ngã tư tăng cao đột biến.
|
Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng phòng PC67 Công an tỉnh Hải Dương |
Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng phòng PC67 Công an tỉnh Hải Dương cho biết, trước thực trạng trên, nhằm đẩy lùi vấn đề tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, tìm ra biện pháp khắc phục những bất cập trên.
Ngày 8/6/2017, Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 106/BATGT-A1 về việc khắc phục các bất cập về hạ tầng trên Quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hải Dương báo cáo, đề nghị Bộ Giao thông vân tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý Đường bộ I, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), đơn vị được giao quản lý Quốc lộ 5 khẩn trương tiến hành sửa chữa hằn lún mặt đường, sửa chữa dải phân cách giữa để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; sớm triển khai lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại một số nút giao thông.
Ngày 3/7/2017, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 7195/BGTVT-KCHT về việc đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 5 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương trong đó chỉ đạo xử lý khắc phục hằn lún vệt bánh xe và kiểm tra tình trạng giao thông, tổ chức giao thông tại nút giao km47+750/QL5. Tuy nhiên, tình trạng đường xuống cấp và xảy ra nhiều tai nạn cơ bản vẫn chưa được khắc phục.
Được biết, trước đây, Quốc lộ 5 do Tổng cụ Đường bộ khai thác và quản lý. Nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng được lấy từ Qũy bảo trì đường bộ quốc gia. Từ năm 2016, Công ty Vidifi được giao quản lý và khai thác tuyến đường này. Việc thu phí trên Quốc lộ 5 nằm trong phương án tài chính đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Vidifi được thu phí trên Quốc lộ 5 để thu hồi vốn đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và không phải bỏ chi phí duy tu, bảo dưỡng. Hiện Công ty Vidifi đã lập dự án sửa chữa tổng thể tuyến đường với tổng chi phí khoảng 2.000 tỷ đồng.