Hải Dương: Bãi sông Thái Bình bị “xẻ thịt” trục lợi

(PLO) - Theo phản ánh, năm 2008, ông Đỗ Văn Tăng, Giám đốc Công ty thương mại vận tải Thành Đạt (có trụ sở tại Cụm Công nghiệp Ba Hàng, xã Nam Đồng, TP Hải Dương) được UBND tỉnh Hải Dương cho phép xây dựng bến cảng bốc xếp vật liệu tạm thời tại bãi sông tả Thái Bình (xã Nam Đồng, TP Hải Dương) thuộc dự án nhà máy gạch tuynel của Thành Đạt với diện tích 24.860m2.
Trạm trộn bê tông bên bờ sông Thái Bình
Trạm trộn bê tông bên bờ sông Thái Bình

Tuy nhiên, sau đó, ông Tăng đã cho các đơn vị khác thuê lại diện tích trên để kinh doanh bến bãi. Ngày 12/5/2014, ông Tăng đã ký hợp đồng cho thuê bến cảng với Công ty TNHH thương mại và xây dựng Việt Hòa (xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà). Diện tích cho thuê 11.560m2, thời hạn 10 năm, giá thuê 200 triệu đồng/năm. Diện tích đất còn lại cũng được ông Tăng cho một đơn vị khác thuê để làm bến bãi.

Kể từ khi thuê lại bến, Công ty Việt Hòa thường xuyên có hoạt động bốc xếp vật liệu xây dựng. Nhiều xe có trọng tải lớn ra vào chuyên chở. Nhiều thời điểm mùa mưa bão, dù tỉnh đã ban hành lệnh cấm các bến bãi ngoài đê tập kết vật liệu; phải hạ thấp độ cao và giải tỏa vật liệu tồn tại trên các bãi tập kết nhưng bến bãi này vẫn bất chấp. Và từ ngày công ty trên xây dựng một trạm trộn bê tông, số lượng xe bồn ra vào thường xuyên làm đường xá bụi mù mịt, môi trường ô nhiễm. Chưa kể rất nhiều tàu thuyền cập bến bên sông.

Theo tìm hiểu, kể từ khi triển khai xây dựng bến “tạm thời” trên, ông Tăng đã một số lần xin gia hạn hoạt động bến bãi vào các năm 2013, 2015. Mới đây, ngày 31/10/2017, ông Tăng tiếp tục xin gia hạn thời gian cho phép hoạt động bến cảng bốc xếp vật liệu xây dựng, trạm trộn Asphal, đường điện, bổ sung một trạm trộn bê tông thương phẩm tạm thời, bổ sung hai trạm cân tải trọng và đường lên dốc đê tại khu vực.

Trả lời vấn đề này, tỉnh đã có Quyết định số 1315/QĐ-UBND ngày 27/4/2018 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương ký. Đối chiếu với quyết định này, một số hạng mục như trạm trộn Asphal, đường điện, bổ sung một trạm trộn bê tông thương phẩm tạm thời, bổ sung hai trạm cân tải trọng… đều không được UBND tỉnh Hải Dương cho phép xây dựng và hoạt động, đồng thời trước ngày 15/5/2018, công ty phải dừng mọi động liên quan đến đê điều, di dời các công trình tạm, vật liệu, máy móc…

Thế nhưng, trên thực tế, bất chấp sự chưa cho phép của cấp có thẩm quyền, trạm trộn bê tông cũng như vật liệu tại bến này vẫn hoạt động rầm rộ. Một số ý kiến người dân địa phương đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý vấn đề này. 

Đọc thêm