Hải Dương: Cần sớm làm rõ vụ bắt giữ tàu trên sông Thái Bình

(PLO) - Phản ánh đến Báo PLVN, ông Nguyễn Tiến Thành (trú tại xã Thượng Đạt, TP Hải Dương) cho biết: khoảng 22h ngày 4/6/2017, khi tàu của ông đang lưu thông trên sông Thái Bình đoạn qua xã Thái Tân (huyện Nam Sách) thì bị một số người tấn công, bắt giữ. Sau đó chiếc tàu này đã bị chìm và một người đến nay vẫn mất tích.
Các ông Nguyễn Tiến Thành, Cao Văn Nhật, Phùng Văn Bảy và Đinh Văn Ngàn trao đổi sự việc với phóng viên
Các ông Nguyễn Tiến Thành, Cao Văn Nhật, Phùng Văn Bảy và Đinh Văn Ngàn trao đổi sự việc với phóng viên

Bị giữ tàu trong đêm

Theo ông Thành trình bày, vào khoảng 22h ngày 4/6/2017, chiếc tàu sắt của ông do ông Cao Văn Nhật (trú tại khu 5, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) điều khiển cùng ông Đinh Văn Ngàn, Phùng Văn Bảy và Đinh Ngọc Dũng đang lưu thông trên sông Thái Bình đoạn thôn Đình, xã Thái Tân (huyện Nam Sách) thì bất ngờ xuất hiện một chiếc xuồng máy chở khoảng 10 người áp sát. Sau đó nhóm người này dùng đất, đá ném và nhảy lên tàu tấn công tất cả những thành viên có mặt tại đây. 

“Để bảo vệ tính mạng của mình, tôi và anh Ngàn buộc phải nhảy xuống sông bơi để trốn thoát, trên tàu lúc này chỉ còn lại ông Dũng và ông Bảy”, ông Nhật cho biết.

“Bị tấn công, tôi chạy vào khu để bếp gas trên tàu ẩn nấp. Tuy nhiên, thấy các đối tượng khua khoắng, đập phá tàu dữ dội, do hoảng sợ nên tôi đã bỏ chạy ra ngoài và bị các đối tượng này hành hung. Lúc tỉnh dậy tôi đã thấy tàu được kéo sát vào bờ. Lúc lên bờ tôi lại tiếp tục bị hành hung đến bất tỉnh, lúc tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Sách”, ông Bảy kể lại.

Ngay khi nghe tin tàu của mình gặp “sự cố”, ông Thành đã đến thôn Tân Thắng để nắm bắt sự việc thì được biết tàu của ông đang bị bắt giữ với lý do khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình?

“Tại đây tôi được ông Phạm Văn Hiển - Trưởng thôn Tân Thắng cho người ra nói với tôi rằng, hãy vào đàm phán với nhân dân để được thả tàu luôn. Thấy vậy tôi nói tàu tôi không sai phạm gì nên không nộp tiền chuộc, sau đó tôi nghe thấy ông Hiển nói với một số người rằng nếu tôi không chuộc thì bơm nước vào cho tàu chìm”, ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, khi đến nơi bị giữ tàu thì không thấy ông Dũng đâu và sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, nghi ngờ ông Dũng bị chìm cùng chiếc tàu, gia đình ông đã nhiều lần yêu cầu trục vớt tàu lên để tìm kiếm, nhưng ông không nhận được sự hợp tác. Được biết, một số người dân thôn Tân Thắng đã yêu cầu ông Thành phải nộp 200 triệu đồng thì mới thả tàu nhưng ông không đồng ý vì cho rằng mình không vi phạm. 

Do đó, ông Thành đã làm đơn trình báo đến UBND xã Thái Tân, UBND và Công an huyện Nam Sách.

Cần nhanh chóng điều tra, làm rõ

Ngày 8/6/2017, UBND xã Thái Tân mời ông Thành đến trụ sở làm việc có đại diện của UBND và Công an huyện Nam Sách, lãnh đạo UBND xã Thái Tân và lãnh đạo thôn Tân Thắng. Ông Thành cho biết, tại buổi làm việc, ông đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ sự việc tàu của ông bị bắt giữ trái phép và hỗ trợ việc tìm kiếm ông Dũng. “Tuy nhiên, đại diện chính quyền đã không đưa ra ý kiến giải quyết cụ thể, trong khi ông Phạm Văn Hiển, trưởng thôn lại đề nghị tôi phải đến đối thoại và đền bù cho người dân vì cho rằng tàu của tôi hút cát trái phép làm lở đất và mất hoa màu”, ông Thành phản ánh.

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với ông Hoàng Ngọc Hưởng - Chủ tịch UBND xã Thái Tân, được ông Hưởng xác nhận có việc tàu của ông Thành bị người dân bắt giữ và bị chìm tại thôn Tân Thắng. “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi cũng đã mời chủ tàu về và làm trung gian để hợp tác với người dân tìm cách tháo gỡ. UBND xã cũng đã có báo cáo gửi UBND và Công an huyện”, ông Hưởng nói. Cũng theo ông Hưởng, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc người dân giữ tàu và sau đó chủ tàu tự đến thỏa thuận với người dân để được thả tàu.

Trao đổi với PLVN, Thượng tá Lê Minh Khang, Phó trưởng Công an huyện Nam Sách cho biết: “Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện điều tra, làm rõ”. 

Đọc thêm