Về “thủ phủ” hải đường
Từ nhiều năm nay, làng Đồng Dụ (xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) được biết đến là “thủ phủ”, “vương quốc” của hải đường. Hỏi trưởng thôn Dân Hạnh (xã Đặng Cương) về diện tích trồng hải đường, ông Đỗ Văn Minh lắc đầu vì không thống kê được. “Hải đường không trồng tập trung mà đa số trồng trong vườn. Làng Đồng Dụ có 3 thôn là Dân Hạnh, Tự Lập, Hòa Nhất với khoảng hơn 1000 hộ thì số nhà có trồng hải đường phải tới 70, 80%. Nhà ít thì có vài cây làm cảnh, nhà nhiều trồng cả vườn đến hàng trăm cây”, ông Minh cho hay.
Đến Đồng Dụ những ngày cuối năm, đi khắp đường làng, ngõ xóm, vào nhà nào cũng bắt gặp những cành hải đường chúm chím đỏ hồng, nhụy vàng óng giữa đám lá xanh.
Đi qua “cơn bão” thu mua hải đường của thương lái hơn 10 năm trước, nhà ông Nguyễn Sinh Súy (90 tuổi, thôn Dân Hạnh) là hộ hiếm hoi còn giữ được cây hải đường đại thụ. Đứng cạnh cây hải đường cao đến 3m, đường kính gốc hơn 30cm, cành lá, hoa, nụ xum xuê, ông Súy kể: “Lúc nhỏ, tôi đã thấy gốc hải đường to bằng cái phích, năm nay tôi ngoài 90 thì cây hải đường này chắc chắn cũng phải trên trăm năm tuổi”.
Gia đình ông Súy cũng là một trong vài hộ ở Đồng Dụ trồng hải đường với quy mô tương đối lớn. Sở hữu gần 3 sào với vài trăm gốc hải đường các thế hệ hải đường “con”, hải đường “cháu”. “Những năm gần đây, nhiều hộ trong làng chuyển sang trồng đào nhưng gia đình tôi vẫn chung thủy với hải đường”, con dâu ông Súy cho hay.
Người dân Đồng Dụ cho biết, hải đường không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ nhưng cũng có những “bí quyết” riêng. Hải đường không trồng cành mà ươm bằng hạt. Sau 2, 3 năm, nếu chăm sóc tốt thì hải đường ra bói. Sau 5 năm mới có hoa đẹp. Hải đường không chơi cây thế (bonsai) mà để cây phát triển tự nhiên. Nhưng thường người trồng sẽ để số cành lẻ, 3 hay 5 (số dương) chứ không để số chẵn 2, 4 (số âm). Cây hải đường đẹp phải là cây có cành lá, hoa nụ đều, không dầy hay thưa quá, hoa to, mập, lá xanh, có thêm vài lộc non là đẹp nhất.
|
Hải đường hoa khắc trên Nghị đỉnh ở Đại Nội Huế - Ảnh: sdl.thuathienhue.gov.vn |
Hải đường mà không phải hải đường
Người yêu hoa hải đường, hẳn đều nghe đến câu thơ trong Truyện Kiều: “Hải đường lả ngọn đông lân/Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”. Cũng trong kiệt tác này, đại thi hào Nguyễn Du còn một lần nữa nhắc đến loài hoa này, trong câu: “Hải đường mơn mởn cành tơ/Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”.
Hải đường vốn là một trong những loài hoa quý phái, có truyền thống lâu đời ở Á Đông. Người Trung Quốc xưng tụng loài hoa này với những mỹ từ “quốc diễm”, “bách hoa chi tôn”, “hoa trung thần tiên”. Tương truyền, Đường Minh Hoàng từng ví vẻ đẹp của hoa hải đường với vẻ đẹp của Dương Quý Phi, nên hải đường còn được gọi là “hoa chi quý phi”.
Nhưng loài hải đường mỏng manh trong truyện Kiều hay trong thơ văn Trung Quốc lại không phải hải đường mà ta thường thấy. Hóa ra đây là hai loài cùng tên nhưng khác họ. Hải đường phương Bắc là loài cây nhỡ rụng lá, thuộc họ tường vi (hoa hồng - Rosaceae), hoa nở vào tháng 4 dương lịch, sắc hồng nhạt, cánh mỏng gần giống hoa anh đào. Còn hải đường Việt Nam lại là loài thực vật hạt kín thuộc chi Trà (camellia, họ Chè - Theaceae).
Điều này cũng đã được vua Minh Mạng minh định. Đại Nam nhất thống chí, thiên kinh sư chép: kính xét bài thơ “Vịnh hải đường” trong Minh Mệnh thánh chế có lời chú rằng: theo Quần phương phả thì hải đường có bốn loại, là chiêm cánh, tây phả, thùy lục và mộc qua. Ngoài ra lại có loại hoa vàng, loại hoa thơm nhưng cánh đều mềm, hoa nhỏ, hoặc sắc vàng, hoặc đỏ lợt, hoặc như yên chi. Hải đường phương Nam thì cây cao, lá to vừa dài vừa nhọn, sắc đỏ tươi, ruột có nhị, cánh to mà dày, lúc nở đẹp hơn hoa phù dung nên tục gọi là “sen cạn”; so với hoa hải đường ở đất Thục thì đẹp hơn nhiều.
|
Mua hải đường ngày giáp Tết ở Hà Nội, năm 1928. Ảnh: Flickr Manhhai |
Ngày Tết không thể thiếu hoa hải đường
Cùng tên không cùng họ với hải đường phương Bắc nhưng không vì thế mà hải đường phương Nam kém cao sang. Chẳng thế mà, “hải đường hoa” đã được vua Minh Mạng cho khắc lên Nghị đỉnh (một trong cửu đỉnh) để “làm của báu”, con con cháu cháu giữ gìn và được nhiều nhà vườn xứ Huế ưa chuộng.
Cũng thật thú vị bởi trong những bức ảnh người Pháp chụp khung cảnh ngày Tết ở Hà Nội gần trăm năm trước có một bức hình chụp nhóm người áo dài khăn đóng đang chọn mua hải đường cùng chú thích: “Le Têt à Hanoi (Janvier 1928) - A l'approche du Têt - Les marchands de fleur du “Haï Duong”” (Tết ở Hà Nội, tháng 1 năm 1928, những ngày giáp Tết - người bán hoa hải đường).
Còn đối với những người dân ở làng Đồng Dụ, trong nhà ngày Tết mà thiếu cành hải đường thì chưa phải là Tết. “Tết có thể thiếu đào nhưng hải đường thì không thể thiếu. Hải đường thân gỗ, bền hoa nên có thể bày xuyên tết, suốt từ 25, 26 tháng Chạp đến qua rằm tháng Giêng. Hoa đỏ thắm, cánh tròn dày, nổi bật giữa đám lá xanh như lời nguyện ước cho năm mới may mắn, vẹn tròn”, ông Súy bảo./.
Trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã ví sánh hải đường với mẫu đơn: “Một thân hòa tốt lại sang/Phú quý âu chăng kém hải đường”.
Nhà thơ cận đại Nguyễn Công Trứ thì dùng hình ảnh hải đường tượng trưng cho người vợ còn “đào tơ” trong mối tình “đũa lệnh”: “Nhất tọa lê hoa áp hải đường”
(Bài “Tuổi già cưới vợ hầu”).