Hải Dương: Dân mua đất một đằng, chính quyền cấp giấy chứng nhận một nẻo

(PLO) -Người dân mua đất “đường đường chính chính”, canh tác sử dụng ổn định nhưng không được chính quyền công nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, hồ sơ chuyển nhượng của doanh nghiệp có rất nhiều điểm khuất tất, có dấu hiệu của việc “giả mạo hồ sơ”, chiếm đoạt tài sản thì lại được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ. Việc làm này không chỉ khiến dư luận địa phương bức xúc mà còn đặt ra câu hỏi, phải chăng có sự “tiếp tay”, bao che cho sai phạm của doanh nghiệp?
 
Cty Bình Dân bị tố san ủi vào hoa màu của dân
Cty Bình Dân bị tố san ủi vào hoa màu của dân

Đơn kêu cứu khẩn cấp

Trong lá đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chinh phủ, các cơ quan ban ngành tỉnh Hải Dương, huyện Kim Thành và nhiều cơ quan báo chí, ông Phan Văn Chinh ở thôn Phong Nội, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương trình bày:

Gia đình ông là hộ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Khoảng tháng 9/2009, xuất phát từ nhu cầu canh tác sản xuất, ông có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (đất chuyên trồng lúa nước - quen gọi là đất 03) của gần 30 hộ gia đình tại địa phương. Vị trí các thửa đất nằm trong đê tại thôn Phong Nội, xã Bình Dân.

Quá trình nhận chuyển nhượng, ông Chinh có làm hợp đồng với các hộ dân, có phiếu chi tiền cho từng hộ dân với sự làm chứng của ông trưởng thôn. “Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình tôi đã tiến hành canh tác, trồng lúa trên các thửa đất này mà không gặp bất cứ sự tranh chấp hay cản trở nào”, ông Chinh cho biết.

Đến cuối năm 2014, bỗng dưng xuất hiện một nhóm người lạ tự xưng là của Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Bình Dân (gọi tắt là Cty Bình Dân) đến đòi hút cát san ủi vào phần đất mà gia đình ông Chinh đang canh tác. Không đồng tình với việc làm vô lý nói trên, gia đình ông Chinh ra ngăn cản thì bị các đối tượng xăm trổ đe dọa, thách thức.

Trước tình hình căng thẳng, UBND huyện Kim Thành đã tổ chức đối thoại giữa các bên. “Trong cuộc làm việc này, tôi có chất vấn yêu cầu phía công ty đưa ra các bằng chứng chứng minh việc sang nhượng quyền sử dụng đất thì họ chỉ đưa ra được bản hợp đồng photo chứ không có bản gốc, cũng không có bất cứ văn bản giấy tờ nào chứng minh việc chi trả tiền cho bên bán”, ông Chinh khẳng định.

Bản chứng thực của Chủ tịch UBND xã không có số, sổ lưu
Bản chứng thực của Chủ tịch UBND xã không có số, sổ lưu

Đuối lý nên sau vài ngày làm “căng” trên thực địa, phía Cty Bình Dân đành chấp nhận “rút êm”. Kể từ đó đến nay, gia đình ông Chinh vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng ổn định phần đất nói trên. Đầu năm 2016, ông Chinh tiến hành xúc đất trồng chuối, vải và cũng không gặp bất cứ sự phản đối nào từ người dân, doanh nghiệp hay chính quyền địa phương.

Bất ngờ, từ đầu tháng 6/2016 đến nay lại bất ngờ xuất hiện một nhóm người lạ đến san ủi, xâm hại đến cây trồng mà gia đình ông Chinh đang canh tác. “Tính đến ngày 16/6, họ đã san ủi của gia đình tôi hơn 40 gốc vải, hàng trăm gốc chuối và chuẩn bị san ủi, đổ cát vào phần cấy lúa cả gia đình. Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình tôi nên chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ đến cùng, kể cả phải đổ máu”, ông Chinh bày tỏ.

Ký khống hồ sơ, tiếp tay sai phạm?

Vì sao lại có sự chồng chéo, tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông Chinh và Cty Bình Dân như trên, báo cáo số 166/BC-TNMT của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương đã phần nào lý giải.

Theo đó: “Trong số 26 hợp đồng do ông Chinh cung cấp có 18 hợp đồng vợ chồng ông Chinh ký với 18 hộ gia đình, cá nhân có tên trùng với tên của 18 hộ gia đình, cá nhân trong danh sách 43 hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần VLXD Bình Dân, 14/18 hợp đồng trùng khớp số liệu diện tích”.

Để làm rõ sự khó hiểu nói trên, sau khi tiếp nhận đơn thư, nhóm phóng viên Câu chuyện Pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu xác minh. Quá trình điều tra cho thấy, hồ sơ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Cty Bình Dân có hàng loạt khuất tất, sai phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, theo các hồ sơ gốc (chỉ xét các hồ sơ trùng với hồ sơ của ông Chinh), lưu tại Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kim Thành thì phát hiện, các hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Cty Bình Dân có dấu hiệu bất minh, không bình thường. Trong khi các trang 3,4 (có chữ ký của bên chuyển nhượng) là bản viết tay theo mẫu có sẵn thì trang 1,2 (phần thông tin chuyển nhượng) lại được đánh máy hoàn toàn. Phải chăng đã có sự thay đổi về hồ sơ?

Nghi vấn này được củng cố khi các trang hồ sơ không có chữ ký của hai bên, không có dấu giáp lai theo quy định của nhà nước về công chứng, chứng thực. Cụ thể, tại khoản 4 điều 41 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực nêu rõ: “... nếu đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng, thì ký tắt vào từng trang của hợp đồng, trừ trang cuối phải ký đầy đủ; sau đó người thực hiện công chứng, chứng thực chứng nhận hoặc chứng thực và ký tắt vào từng trang của hợp đồng, trừ trang cuối phải ký đầy đủ và đóng dấu vào hợp đồng”.

Sai phạm nối tiếp sai phạm khi tại các bản chứng thực của chủ tịch UBND xã ngoài “chơ vơ” con dấu và chữ ký của ông chủ tịch xã, phần số, sổ lưu hoàn toàn bị bỏ trống. Bất ngờ hơn khi làm việc tại UBND xã Bình Dân, PV được cán bộ ủy ban xác nhận, hiện tại ở UB không lưu giữ bất cứ 1 hồ sơ hay bản chứng thực nào về việc nhận chuyển nhượng của Cty Bình Dân như nêu ở trên.

Trong nội dung chứng thực nêu rõ: “Các bên giao kết đã đọc hợp đồng này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng và đã ký (điểm chỉ) vào hợp đồng này trước sự có mặt của tôi (chủ tịch xã - PV)” nhưng khi phỏng vấn nhiều hộ dân đều khẳng định, họ hoàn toàn không hay biết việc chứng thực này. Như vậy, có hay không việc ông chủ tịch xã đã ký khống vào bản chứng thực cho doanh nghiệp là điều mà các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cần xác minh, làm rõ?

Khuất tất càng lộ rõ khi trong các bản hợp đồng chuyển nhượng của Cty Bình Dân ghi thời điểm bàn giao đất là khi “thu hoạch xong lúa mùa” trong khi các bản hợp đồng được lập vào tháng 12/2010, thời điểm mà vụ mùa đã được thu hoạch xong từ lâu thì rõ ràng không hợp lý. Trước những điểm khuất tất này, trao đổi với PV, ông Vũ Đình Tĩnh - Chủ tịch UBND huyện Kim Thành cũng xác nhận: “Trên thực tế, ông Chinh mới là người nhận sang nhượng của các hộ dân”.

Ngày 13/8/2014, hơn 20 hộ dân ở thôn 5, xã Bình Dân cũng đã làm văn bản gửi các cơ quan chức năng nêu rõ: “Năm 2009, chúng tôi đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất ruộng của chúng tôi... cho cá nhân vợ chồng anh Phan Văn Chinh...ngoài ra chúng tôi không bán cho bất cứ tổ chức hay cá nhân nào khác”.

 
Đơn xác nhận bán đất cho ông Chinh của các hộ dân
Đơn xác nhận bán đất cho ông Chinh của các hộ dân

Điều đáng nói, những sai phạm nghiêm trọng về quá trình chứng thực nói trên nhưng khi xem xét hồ sơ tại Phòng TN-MT huyện Kim Thành, Sở Kế hoạch đầu tư Hải Dương... lại không phát hiện ra những sai phạm này. Ngày 29/11/2010, Cty Bình Dân được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất gạch Tuynel, tiếp đó ngày 24/6/2014, UBND tỉnh có quyết định 1560/QĐ-UBND cho Cty thuê hơn 35.000m2 (bao gồm cả phần đất có sự chồng chéo với khiếu nại của hộ ông Chinh) tại xã Bình Dân để triển khai dự án.

Suốt từ khi xảy ra va chạm đến nay, ông Chinh đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan công an, các cấp chính quyền địa phương đề nghị xem xét làm rõ, đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình nhưng không được xem xét thấu đáo dẫn đến mâu thuẫn kéo dài. Chính vì thế, việc mới đây, chính quyền “bật đèn xanh” cho Cty Bình Dân tiếp tục triển khai dự án không chỉ khiến cho quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng mà còn có thể dẫn đến những xung đột đáng tiếc.

Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh thông tin về vụ việc, đặc biệt là những sai phạm về Luật Doanh nghiệp trong quá trình bán cổ phần diễn ra tại Cty Bình Dân.

Trong những ngày qua, khi tiến hành san lấp mặt bằng, Cty Bình Dân tiếp tục có sai phạm khi thực hiện không đúng phương án thi công, lấy cát san lấp từ bãi không phép. Điều này đã được PV phản ánh đến chính quyền xã Bình Dân, huyện Kim Thành nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, xử lý.

Điều khiến người dân bất bình hơn là ngay từ khi Cty Bình Dân triển khai san ủi, gia đình ông Chinh đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng bảo vệ tài sản và quyền lợi cho mình nhưng đến nay đã hơn 10 ngày trôi qua vẫn không có bất cứ một cơ quan nào can thiệp.

Đọc thêm