Như báo PLVN đã thông tin trước đó về vụ việc ông Cao Đức Ứng (trú tại địa chỉ trên) bị vợ chồng người em gái là bà Cao Thị Thi và ông Nguyễn Anh Thế chiếm dụng đất, tự ý làm sổ đỏ, xây dựng các công trình và hưởng lợi trên đất của ông trong suốt nhiều năm.
Trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông vẫn chưa lấy lại được mảnh đất của mình. Còn gia đình bà Thi vẫn tiếp tục sử dụng và hưởng lợi bất hợp pháp trên đất của ông Ứng mà không bị một cơ quan chức năng nào can thiệp, ngăn chặn.
Chia sẻ về vụ việc này, một số cán bộ đang công tác tại UBND xã An Lạc tỏ ra không đồng tình trước hành vi trên của vợ chồng bà Thi. “Chỉ tội cho ông Ứng, gia cảnh khó khăn, con cái bệnh tật nhưng một năm vẫn phải trở đi trở về đây mấy lần để đòi lại đất. Ông phải ở nhờ nhà một người em. Nhà thì nhỏ, ở lưng chừng đồi, đi lại khó khăn, xung quanh có nhiều ngôi mộ, cây cối um tùm nhưng chỉ có một mình ông ở. Ai đến đó, thấy cảnh tượng này đều xót thương cho ông”, một cán bộ xã chia sẻ.
Người dân sinh sống tại thôn Bờ Đa, xã An Lạc còn bày tỏ thái độ rất gay gắt trước hành vi “chiếm đất” của vợ chồng bà Thi. Bởi sống ở đây, họ không lạ lẫm gì về hoàn cảnh cũng như vụ tranh chấp đất đai giữa hai anh em ông Ứng.
Ngôi nhà này ở lưng chừng núi, xung quanh nhiều ngôi mộ, cây cối um tùm, vắng người qua lại |
Chia sẻ với phóng viên, ông Ứng cho hay, hiện ông vẫn đang tiếp tục gửi đơn thư tới rất nhiều cơ quan chức năng với mong muốn vụ việc của mình sẽ được giải quyết thỏa đáng. Bởi theo ông, ngoài việc tự ý chiếm dụng và hưởng lợi bất hợp pháp trên thửa đất của ông, vợ chồng bà Thi không hề trao đổi hay trả một phần chi phí, lợi tức nào cho ông cả.
Nhưng sau khi khởi kiện ra Tòa án, thay vì cần xem xét, yêu cầu gia đình bà Thi phải bồi thường, hỗ trợ một phần nào đó cho ông Ứng, Tòa án lại giao cho vợ chồng ông Ứng các công trình mà gia đình bà Thi đã tự ý xây dựng trên đất của ông.
Đồng thời, Tòa án còn buộc vợ chồng ông phải chi trả cho gia đình bà Thi một số tiền lên tới vài trăm triệu đồng giá trị các công trình mà những người này đã tự ý xây dựng trên đất của ông trước đó. Chính điều này khiến ông Ứng rất bức xúc và cho rằng, Tòa án đã phán quyết rất vô lý và không công bằng cho vợ chồng ông.
“Tôi chỉ muốn lấy lại mảnh đất của mình, được sử dụng nó theo ý mình và không có nhu cầu cần lấy mấy công trình mà gia đình bà Thi đã tự ý xây dựng trên đất của tôi. Vì vậy, Tòa án chỉ cần xử gia đình họ phải trả lại mặt bằng đất đó cho tôi. Nhưng Tòa án lại xử buộc tôi phải lấy cả các công trình mà tôi không có nhu cầu cần sử dụng. Suốt 8 năm qua, tôi không được sử dụng, hưởng lợi trên đất của mình, phải nghỉ việc để về quê đòi lại đất, mất bao công sức, tiền của nhưng Tòa an lại không xem xét việc gia đình tôi có được bồi thường hay đền bù gì không”, ông Ứng nói.
Được biết, trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm ngày 09/04/2019 tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, ngày 11/05/2018, VKSND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 01/QĐKNPT-VKS-DS Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án sơ thẩm dân sự số 04/2018/DS-ST ngày 26/4/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.
Theo đó, VKSND tỉnh Hải Dương nhất trí yêu cầu khởi kiện của ông Ứng.
Cơ quan này cho rằng, việc Tòa án giao cho vợ chồng ông Ứng 05 gian ki-ốt, móng nhà đã xây dựng trên đất và buộc vợ chồng ông phải trả giá trị công trình trên đất cho vợ chồng, con cái bà Thi là không phù hợp, là vi phạm nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Bộ luật dân sự 2015, gây thiệt hại đến quyền lợi của vợ chồng ông Ứng. Ngoài ra, bản án còn tuyên thiếu về phần hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự theo Điều 26 Luật thi hành án dân sự năm 2015.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.