Đảo lộn cuộc sống vì cát bụi
Trên khúc sông Luộc đoạn từ cầu Neo mới (xã Tứ Cường) đến cầu Neo cũ (thị trấn Thanh Miện) dài chừng 1km có tới 4,5 bến chứa vật liệu xây dựng hoạt động san sát kín cả khúc sông. Khu vực này không khác gì một công trường trên bờ, ven sông bởi các phương tiện máy móc, ô tô tải, thuyền bè hoạt động qua lại tấp nập. Những chiếc tàu đủ các loại trọng lượng to, bé, những chiếc cần cẩu bốc hàng, vận chuyển xi măng, cát đá lên xuống tàu hối hả.
Ông Đỗ Sơn Hà, một người dân sống gần các bến bãi này cho biết, lượng xe ra vào hàng ngày tại đây nhiều không đếm được. Những xe cát đen, cát vàng, đá sỏi, xi măng ra vào nhộn nhịp. Mỗi ngày có đến hàng chục lượt xe tải chở cát, sỏi, đá ra vào tại các bến bãi này. Các xe chở đầy ắp làm rơi vãi vật liệu xuống đường, bụi bay khắp nơi khiến môi trường tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, đường bụi mù mịt, người dân sống hai bên đường rất khổ sở vì bụi khói. Có những xe tải màu vàng dạng xe ben với trọng tải lớn vào chở vật liệu, khi xe đi ra, ống xả của xe phả, thổi xuống mặt đường bụi lùm kéo dài cả một dãy phố. Các nhà dân xung quanh đa phần phải làm cửa kính rồi đóng kín cửa lại xong vẫn không tránh khỏi khói bụi bay vào nhà. “Có ngày chúng tôi quét nhà cả chục lần nhưng nhà vẫn bẩn, bụi vẫn len lỏi mọi ngóc ngách, đồ đạc trong nhà”, ông Hà chia sẻ.
Theo ông Hà và một số hộ dân, các bến bãi đã có từ hơn 20 năm, gồm của ông Trần Huy Đãng, ông Vũ Văn Tuấn, ông Tế, ông Chuyển. Việc những bến bãi hoạt động gần khu dân cư, xe cộ ra vào rong ruổi hết ngày này qua ngày khác ngoài ảnh hưởng môi trường, còn ảnh hưởng tới cả sức khỏe của con người. Tiếng động cơ ồn ào, khói bụi bay khắp nơi khiến người dân bức xúc từ nhiều năm nay nhưng do các chủ bến bãi đều là người địa phương nên người dân “ngại” va chạm. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, cần di chuyển các bến bãi này ra khỏi khu dân cư để môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh không bị ảnh hưởng”, ông Hà bày tỏ.
Trước phản ánh của người dân, ông Chuyển (xã Tứ Cường), một chủ bến bãi cho biết, từ khi cầu Neo mới được xây dựng và đi vào hoạt động, diện tích bến bãi vật liệu xây dựng của ông đã bị thu hẹp và việc kinh doanh hầu như rất hạn chế. Tuy nhiên, thời điểm phóng viên có mặt, phía dưới sông có hai chiếc tàu có trọng lượng lớn chở xi măng đang cập bến. Trên bờ, một chiếc cần cẩu đang vận chuyển xi măng lên kho chứa vật liệu xây dựng của gia đình ông Chuyển.
Tàu lớn, tàu nhỏ tập trung để bốc hàng tại các bên bãi không phép |
Đối diện với bến ông Chuyển, phía bên kia bờ sông là bến vật liệu của hộ ông Vũ Văn Tuấn và hộ ông Trần Huy Đãng. Theo quan sát của phóng viên, hoạt động tại các bến này diễn ra sôi nổi hơn bến ông Chuyển. Dưới sông, khi các thuyền chở vật liệu xây dựng như cát, đá cập bến, lập tức các đầu cẩu phía trên bờ nhận nhiệm vụ bốc “hàng” để gọn vào bãi.
Cùng với đó, một số ô tô tải vận chuyển cát đá ra khỏi bến không hề có bạt che phủ, nhiều xe chở cát đá che chắn sơ sài, quá tải, quá khổ khiến vật liệu rơi vãi xuống đường gây bụi mù mịt. Mỗi lần những chiếc xe này rung lắc chạy qua là để lại một lớp bụi dày đặc, mù mịt dưới lòng đường, ô nhiễm môi trường, khiến người tham gia giao thông ai cũng bức xúc. Con đường từ mấy bến bãi ra đường lớn nằm sát cạnh trụ sở Công an huyện Thanh Miện vì thế cũng bị cày xới, băm nát, bụi bặm bám trắng xóa.
Bến bãi hoạt động không phép nhiều năm
Những bến bãi trên thực tế chỉ cách UBND huyện Thanh Miện và UBND thị trấn Thanh Miện chừng 1,5km tuy nhiên qua ghi nhận, khúc sông tại đây vốn có rất nhiều bèo nở trật kín cả sông song đa số các mấu cẩu nơi để tàu thuyền cập bến tại các bến trên đều được “cơi nới”, “trồi” hẳn ra cả phía ngoài sông so với bờ từ 4 đến 6 mét khiến dòng chảy của con sông thêm bị cản trở. Ngoài ra, việc “trồi” ra của các mấu cẩu như vậy còn có nguy cơ làm cho đất cát ở ven bờ chảy trôi theo xuống sông, việc sạt lở bờ bãi là điều không thể tránh khỏi.
Việc các bến hoạt động vô tư, gây ảnh hưởng như vậy mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Ông Bùi Trọng Thược, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Miện cho hay, có hai đơn vị quản lý các bến trên đó là Hạt đường bộ của huyện và UBND thị trấn Thanh Miện (một bến bãi nhỏ), phía bên trong. Phía bên ngoài là của Hạt đường bộ, họ có cấp dự án sổ đỏ để làm. “Các bến hoạt động đã lâu, tình trạng vi phạm hành lang đường sông tại đây đúng là điều không tránh khỏi nhưng vấn đề này thuộc quản lý của Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải”, ông Thược cho biết.
Một góc chụp khác về khu vực bến bãi đầy cát bụi |
Theo ông Thược, tại quyết định số 3715/QĐ-UBND ngày 14/12/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có quyết địnhh về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện đến năm 2025. Các bến bãi trên đều nằm trong phần diện tích quy hoạch để xây dựng, hiện huyện cũng đang xem xét, cân nhắc để đưa ra hướng giải quyết, xử lý phù hợp để di dời các bến bãi trên nhằm giải phóng mặt bằng phục vụ cho quá trình xây dựng.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Nhị Châu, Trạm trưởng Trạm Cầu Neo (thuộc Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) khẳng định, các bến bãi trên hoạt động đã nhiều năm, tuy nhiên đều trong tình trạng chưa có phép hoạt động. Đáng nói, các bến bãi này từng nhiều lần bị Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải lập biên bản về việc vi phạm công trình thủy lợi, vi phạm hành lang sông nhưng sau đó vẫn tái vi phạm.
Điển hình vào ngày 14/7/2008, bến của ông Vũ Văn Tuấn bị lập biên bản vi phạm do đã đóng hàng cọc chắn vật liệu xây dựng vi phạm dòng chảy dòng sông, lập xưởng đóng tàu trên hành lang dòng sông, chất vật liệu quá cao trên hành lang dòng sông; bến của ông Trần Huy Đãng có hành vi chất vật liệu xây dựng trên hành lang dòng sông, lập xưởng đóng tàu trên hành lang dòng sông. “Để xử lý tình trạng trên, trong các cuộc họp với UBND huyện Thanh Miện, chúng tôi đã yêu cầu các hộ trên cần sớm hoàn thiện thủ tục hoạt động bến bãi. Thậm chí, gửi cả công văn đề nghị huyện phối hợp, hướng dẫn cho các hộ nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển”, ông Châu cho biết.
Rõ ràng việc các bến bãi này hoạt động không phép diễn ra tấp nập suốt ngày không chỉ ảnh hưởng tới an ninh đường sông mà còn ảnh hưởng tới cả chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Mùa mưa bão đang diễn ra, thiết nghĩ UBND huyện Thanh Miện và các cấp, ngành ở tỉnh Hải Dương cần có biện pháp xử lý cứng rắn, triệt để hơn nhằm ổn định hoạt động của các bến bãi, tránh tình trạng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sự an toàn tại khu vực cầu Cống Neo và đảm bảo an ninh hành lang đường sông trên khúc sông này.